TP.HCM vừa tổ chức sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) sáu tháng đầu năm 2022. Tại hội nghị, lãnh đạo TP.HCM khẳng định hệ thống hành chính của TP có nhiều nỗ lực, đặc biệt trong bối cảnh gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển của TP, sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp (DN) và so với các địa phương trong cả nước thì cần phải cải cách nhiều hơn nữa.
Báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan về vấn đề đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC nhằm nâng cao sự hài lòng, hướng đến sự tiện ích cho người dân, DN trên địa bàn TP.
. Phóng viên: Thời gian qua, các quận, huyện, sở, ngành của TP.HCM đãđẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số bằng nhiều mô hình trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và DN.Vậy ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực này?
+ Ông Võ Văn Hoan: TP đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong việc triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và DN.
Đến nay có hơn 900 đơn vị trên địa bàn TP bao gồm cơ quan nhà nước, các tổng công ty, các đơn vị sự nghiệp… đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục đào tạo, môi trường, quy hoạch đô thị, an ninh trật tự… cũng triển khai nhiều ứng dụng phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp dịch vụ cho người dân.
Đáng chú ý, trong năm 2022, TP.HCM thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện với việc phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính quyền số. TP đã thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn (big data) - nhất là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, DN, đất đai, nhà ở… phục vụ hoạt động, vận hành công tác quản trị TP cũng như đời sống người dân.
TP.HCM hiện đã triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu để kết nối chính thức nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia về kho dữ liệu dùng chung của TP. TP cũng chú trọng vào lĩnh vực CCHC, cung cấp dịch vụ công, mang lại các tiện lợi cho người dân và DN. Trong đó, chúng tôi triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân.
. Mục tiêu tới đây của TP.HCM về việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC ra sao, thưa ông?
+ Chúng tôi luôn hướng đến việc phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong CCHC, xây dựng môi trường hành chính chuyên nghiệp.
Từ đó, TP.HCM đề ra mục tiêu làm sao 100% thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn TP được UBND TP phê duyệt đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải được thực hiện. Tăng 10% tỉ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ được giải quyết (tính theo TTHC được đưa vào trực tuyến) so với năm 2021. Phấn đấu mức độ hài lòng của cá nhân và DN về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.
Chúng tôi cũng mong muốn tỉ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tiếp nhận tại Bộ phận một cửa đạt 100%; dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%. Đặc biệt 100% đơn vị, địa phương phải thực hiện ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC.
. Theo ghi nhận, nhiều địa phương, sở, ngành có cách làm hay nhưng dường như chỉ dừng lại ở địa phương, sở, ngành đó. Tính lan tỏa, phát huy để nhân rộng ra toàn TP liệu đã được đẩy mạnh?
+ Hiện nay, trên cơ sở các mô hình, giải pháp, sáng kiến xuất sắc tiêu biểu trên địa bàn TP đều được các cơ quan, đơn vị đề nghị UBND TP khen thưởng.
Thông qua việc khen thưởng, TP sẽ đánh giá, lựa chọn mô hình, sáng kiến tiên tiến, hiệu quả về CCHC, chính quyền số, chuyển đổi số để triển khai áp dụng nhân rộng trên địa bàn TP. Tôi tin rằng việc này sẽ được đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
. Chỉ số CCHC năm 2021 của TP.HCM xếp hạng 43/63 tỉnh thành, tụt 20 hạng so với năm 2020. Một trong những giải pháp TP đề ra để khắc phục việc này là đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Vấn đề này sẽ được thực hiện quyết liệt thế nào, thưa ông?
+ Hiện nay, TP.HCM đang tập trung triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư với Cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh phục vụ giải quyết TTHC cho người dân.
Việc này sẽ được thực hiện cùng Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
. Vậy những giải pháp chuyển đổi số nào TP.HCM hướng đến để phục vụ người dân và DN?
+ Chúng tôi sẽ tập trung triển khai thực hiện hệ thống Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng việc giải quyết TTHC. Đây được xem là hệ thống thông tin giải quyết TTHC thống nhất, hoàn thiện Cổng thông tin điện tử.
TP.HCM cũng tích cực xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng cho Kho dữ liệu dùng chung của TP; tiếp tục khai thác, sử dụng dữ liệu số hóa sổ hộ tịch trong việc đơn giản hóa TTHC, giảm giấy tờ phải nộp, giảm thời gian giải quyết hồ sơ, giảm đi lại cho người dân, DN. Tăng cường tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin trên Cổng thông tin 1022, tuyên truyền để ngày càng có nhiều người dân, DN và tổ chức sử dụng cổng thông tin này.
Đáng chú ý, TP sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất (app) nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân.
. Xin cảm ơn ông.