Hiện chồng tôi vẫn đang bị tạm giam, tôi sợ rằng việc kháng cáo sẽ khó khăn, xin hỏi tôi có thể kháng cáo thay cho chồng được không, thủ tục ra sao?
Bạn đọc Như An (Nha Trang)
Luật sư Nguyễn Minh Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về người có quyền kháng cáo, bao gồm: Thứ nhất, bị cáo, bị hại, người đại diện của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Thứ hai, người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa. Thứ ba, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Thứ tư, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ. Thứ năm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ. Thứ sáu, người được tòa án tuyên không có tội có quyền kháng cáo về các căn cứ mà bản án sơ thẩm đã xác định là họ không có tội.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP ngày 8-12-2005 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì chỉ có bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của bị cáo mới có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Với lý do bà nêu ra thì bà không thể thực hiện quyền kháng cáo thay cho chồng được.