Chóng mặt với phí cầu đường!

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Bộ Tài chính vừa có quy định mức thu phí cầu Đồng Nai mới. Theo đó, từ ngày 1-7-2014, mức phí thấp nhất là 15.000 đồng/lượt (đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải dưới hai tấn); cao nhất là 120.000 đồng/lượt (đối với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container 40 feet).

Trước đó, Bộ Tài chính cũng chấp thuận cho thu phí hoàn vốn tuyến tránh Biên Hòa từ ngày 10-5 (thực tế chưa thu) với mức phí cao hơn mức phí ở cầu Đồng Nai mới.

Tăng cước vận tải, đội giá thành

Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1, chủ đầu tư dự án cầu Đồng Nai mới và đường dẫn hai đầu cầu) cho biết đơn vị đang khẩn trương xây dựng trạm thu phí hoàn vốn cho dự án ở gần cầu Đồng Nai. Trạm thu phí có 16 làn xe (mỗi chiều tám làn) nhưng trước mắt sẽ đưa vào khai thác tám làn. “Chúng tôi dự kiến thu phí vào đầu tháng 7-2014 và khi đó sẽ dừng thu phí tại trạm Sông Phan, tỉnh Bình Thuận” - ông Hoàng Trung Thanh, Phó Tổng Giám đốc CC1, nói.

Trước thông tin hai trạm thu phí trên quốc lộ 1 cách nhau chưa đầy 30 km rục rịch chuẩn bị thu phí (Pháp Luật TP.HCM ngày 26-5), nhiều doanh nghiệp vận tải ta thán: “Điều này chắc chắn sẽ tác động lớn đến giá cước vận tải”. Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Vận tải Công ty Công Thành (TP.HCM), nhẩm tính: “Khi hai trạm thu phí này vận hành, một xe chở container từ cảng Cát Lái về Khu công nghiệp Bàu Xéo, Đồng Nai (khoảng 50 km) sẽ phải qua ba trạm với mức phí 400.000 đồng. Thêm một lượt về để trả container cho hãng tàu nữa thì tổng phí cầu đường là 800.000 đồng, chiếm đến 20% giá cước vận tải. Còn nếu xe container 40 feet về khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu thì mức phí một lượt đã là 1.120.000 đồng do đi qua trạm xa lộ Hà Nội, trạm cầu Đồng Nai và hai trạm trên quốc lộ 51”.

Các trạm thu phí đang bủa vây tại khu vực Đồng Nai. Đồ họa: HỒNG LOAN

“Chưa ra khỏi TP.HCM phải đóng phí ở trạm xa lộ Hà Nội, đi khoảng 10 km thì gặp trạm thu phí cầu Đồng Nai, rồi lại trả phí tiếp ở các trạm. Tình trạng trạm thu phí bủa vây làm tăng giá cước vận tải và áp lực giá lại đổ dồn cho người tiêu dùng” - luật sư Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, phân tích thêm.

Bất cập nhưng khó chỉnh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi dời trạm thu phí từ Sông Phan về cầu Đồng Nai, Bộ GTVT có tham khảo ý kiến một số địa phương liên quan. Khoảng cách giữa trạm này với trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa (chưa được 30 km) và với trạm thu phí An Sương - An Lạc (khoảng 43 km) đều được đề cập đến.

Khi nêu ý kiến, phía TP.HCM cho rằng các vị trí đề xuất dời trạm hoặc vi phạm quy định về khoảng cách tối thiểu, hoặc nằm ngoài phạm vi dự án và tình trạng thu phí sai đối tượng vẫn xảy ra. Trong khi đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, chỉ nói ngắn gọn: “Vị trí đặt trạm thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, hiện giờ tôi đang họp”.

Một cán bộ lãnh đạo ở Đồng Nai thông tin thêm, do ngân sách địa phương eo hẹp nên việc đầu tư, xây dựng cầu đường phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tư nhân, trong đó có mô hình BOT. “Địa phương đã thấy có sự bất cập về mạng lưới trạm thu phí trên địa bàn nhưng khó điều chỉnh vì sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn vốn của chủ đầu tư; đồng thời địa phương cũng không có thẩm quyền trong việc chọn vị trí ở nhiều trạm” - vị này nói.

MINH PHONG

 

TP.HCM - Hà Nội: 17 trạm thu phí

Khi dời trạm thu phí từ Sông Phan về cầu Đồng Nai, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng việc đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu để hoàn vốn cho dự án là cần thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các phương án đặt trạm thu phí mà CC1 đề xuất đều không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km theo quy định.

Ngoài ra, Bộ GTVT vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách để nâng cấp quốc lộ 1A theo hình thức BOT. Và như vậy, trên trục quốc lộ 1 sẽ có 17 trạm thu phí BOT với cự ly 70 km/trạm. Ông Trường tính toán một xe tải 20 tấn đi từ TP.HCM ra Hà Nội mất khoảng 1,5-1,7 triệu đồng cho 17 trạm này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm