Tại hội thảo tham vấn về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong kinh doanh mới đây, Thanh tra Chính phủ đặt vấn đề rằng: “Cần PCTN trong lĩnh vực tư để đảm bảo PCTN đi được trên hai chân” và “PCTN trong khu vực tư để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bảo vệ những doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định: “Trong tất cả dạng tham nhũng, có tham nhũng trong khu vực công như chúng ta thường biết, có tham nhũng trong khu vực tư gần đây được nhắc nhiều hơn, đa dạng hơn, được gọi là “lừa đảo”, “lợi dụng tín nhiệm”, “mâu thuẫn lợi ích”, “giao dịch tư lợi”… Ngoài ra còn có tham nhũng trong khu vực tư nhưng trong mối liên hệ, có liên quan đến khu vực công”.
Cần thiết nhưng phải cân nhắc thời điểm
. Phóng viên: Như vậy theo ông, PCTN công hay tư quan trọng hơn? Ưu tiên bên nào trước? Hay phải song song?
+ Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi cho rằng tham nhũng trong khu vực công cần được ưu tiên phòng, chống bằng các công cụ mạnh mẽ, bởi vì tham nhũng trong lĩnh vực công gây hậu quả lớn hơn cho xã hội. Quan chức nhà nước có nguy cơ dễ tham nhũng hơn do cơ chế ủy quyền và giám sát của người dân với Nhà nước thường khó hơn người góp vốn và chủ DN trong lĩnh vực tư. Và rõ ràng chống tham nhũng trong khu vực công vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
PCTN trong khu vực tư là cần thiết nhưng vấn đề quan trọng là nội dung, cách thức như thế nào cho phù hợp. Liệu có nên buộc chủ DN phải kê khai tài sản như từng đưa ra tại dự thảo trước đây? Liệu các cơ quan pháp luật có thể dễ dàng vào DN, can thiệp vào các giao dịch dân sự với mục tiêu PCTN hay không? Đây là vấn đề cần cân nhắc thận trọng.
. Đại diện Hiệp hội DN châu Âu tại VN (EuroCham) cho rằng: Có tới 70% DN chủ động hoặc bị động phải “lót tay”, chỉ 30% DN FDI từ chối “lót tay”. Điều đó cũng cho thấy cần phải PCTN ở khu vực tư chứ?
+ Thực ra những con số này, được nêu ra đây suy cho cùng cũng là tham nhũng trong khu vực công, đặc biệt tham nhũng khá phổ biến trong một số lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, khoáng sản, trong cấp phép, xin phép… Rất khó thuyết phục khi cho rằng việc chi trả tham nhũng chỉ xuất phát từ DN. Tất nhiên DN vừa là nạn nhân vừa có thể là tác nhân tạo ra tham nhũng khi họ dùng tham nhũng là lợi thế tạo ra cạnh tranh. Nhưng khi chi trả tham nhũng, DN vừa tốn kém chi phí vừa đối mặt với rủi ro pháp lý. Nên họ sẽ không có động lực thực hiện khi không có sự “hợp tác” từ công chức nhà nước.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI: “Liệu lợi ích PCTN trong khu vực tư dự kiến đạt được có lớn hơn các rủi ro và chi phí nó gây ra hay không?”. Ảnh: CL
Do vậy, để ngăn chặn tình trạng tham nhũng như các nhà đầu tư lo ngại thì giải pháp hàng đầu phải tập trung vào PCTN trong khu vực công, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Còn tham nhũng trong khu vực tư thì cần xem xét hết sức cẩn trọng vì tôi lo ngại sẽ có ít nhất là ba nguy cơ.
Cớ để hình sự hóa, làm khó DN?
. Đó là những nguy cơ nào, thưa ông?
+ Trước hết là nguy cơ chuyển định hướng của các cơ quan PCTN. Vì PCTN trong khu vực công vốn đã khó khăn, rất động chạm; giờ mở thêm quyền hạn PCTN sang khu vực tư thì các cơ quan PCTN sẽ “ưu tiên” PCTN ở khu vực tư hơn.
Nguy cơ thứ hai là lạm quyền. Vì đây là một cớ hợp pháp để hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự nên xu hướng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền hoàn toàn có thể xảy ra. Mục tiêu thì tốt nhưng cơ chế nào để giám sát, phòng ngừa tình trạng lạm quyền cũng là câu hỏi lớn.
Hiện tại, tình trạng quá nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN đã rất chồng chéo rồi, không hiểu với quyền hạn được trao để giám sát và ngăn chặn các hành vi tham nhũng trong nội bộ DN, với rất nhiều giao dịch có thể dễ dàng diễn giải có nguy cơ tham nhũng thì số lượng những cuộc “viếng thăm” này còn đi đến đâu!
Thứ ba, đó là hiệu ứng hiểu ngược từ người dân. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi là với bộ máy, nguồn lực hiện tại, công tác PCTN thời gian qua trong khu vực công thực hiện còn chưa xong thì có mở rộng ra khu vực tư được hay không?
Nhìn chung trước khi có quyết định về vấn đề này, tôi cho rằng cần đánh giá, phân tích thận trọng về chi phí và lợi ích. Liệu lợi ích PCTN trong khu vực tư dự kiến đạt được có lớn hơn các rủi ro và chi phí nó gây ra hay không.
. Trong khi ông cho rằng: PCTN khu vực công còn chưa xong, lại PCTN ở khu vực tư nữa thì không ổn. Nhưng Thanh tra Chính phủ thì cho rằng: Nếu không PCTN ở khu vực tư thì PCTN chẳng khác gì đi một chân?
+ Tôi cho rằng có hai lý do khác khiến việc mở rộng PCTN trong nội bộ khu vực tư là chưa cần thiết trong giai đoạn này:
Trước hết là xu hướng hội nhập ngày càng toàn diện hơn, khi VN tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nó mở ra cơ hội làm ăn giữa các DN Việt Nam với các DN trên thế giới. Muốn làm ăn với các công ty từ các quốc gia phát triển, các DN Việt rõ ràng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về minh bạch, công khai, hệ thống quản trị chuyên nghiệp… Do vậy, họ sẽ có một động lực lành mạnh để tăng cường hệ thống quản trị, đưa ra các giải pháp PCTN trong nội bộ tốt hơn.
Thứ hai, PCTN trong khu vực tư không chỉ và không thể bằng một đạo luật PCTN. Phần lớn nó liên quan đến Luật DN, Luật Chứng khoán, Luật Ngân hàng với các quy tắc về quản trị công ty, bảo vệ cổ đông thiểu số. Nó còn liên quan đến pháp luật về kế toán, tài chính và những thiết chế khác như đấu giá, đấu thầu, thanh toán tiền mặt…
Để giải quyết vấn đề tham nhũng trong khu vực tư rất cần nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của hệ thống tòa án, trọng tài; tăng cường vai trò của hiệp hội DN, cơ quan báo chí. Đây mới là những giải pháp lâu dài và bền vững, phù hợp với xu thế nhà nước nhỏ, xã hội lớn.
. Xin cám ơn ông.