Chủ tịch nước: ‘Không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo’

(PLO)- Chủ tịch nước đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm xác nhận hồ sơ người có công còn tồn đọng, đặc biệt, không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Chúng ta cần dành sự chú tâm cao hơn trong việc chăm lo cho người có công với cách mạng, người già không nơi nương tựa, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng. Đặc biệt, phấn đấu không để hộ người có công thuộc diện hộ nghèo”.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tuyên dương người có công với cách mạng toàn quốc năm 2022.

“Mãi mãi tự hào về ý chí quật cường của thế hệ cha ông”

Nhắc lại con số hàng triệu người con ưu tú của đất nước ngã xuống trong suốt lịch sử của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước, Chủ tịch nước gửi lời chào mừng, tri ân tới 450 đại biểu người có công tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu người có công với cách mạng cả nước tham dự lễ tưởng niệm, tuyên dương năm nay.

Trong bối cảnh “cơn bão” COVID-19 cũng đang để lại những di chứng nặng nề với đời sống xã hội. Cả nước đã một lần nữa đồng lòng, đoàn kết cùng tiến hành cuộc đấu tranh, chiến đấu với dịch bệnh.

Qua cuộc chiến này, Chủ tịch nước nhận thấy nhiều tấm gương quân dân đã bật lên, về tinh thần của những người lính trong thời bình, trong đó có những gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Đó là những tấm gương vượt lên thương tật, tiếp tục nỗ lực đóng góp để cùng phát triển, xây dựng đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các mẹ Việt Nam Anh hùng. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định thời gian qua nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với người có công được ban hành, thực hiện đồng bộ, đa dạng; đối tượng, chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung.

Mới đây, Nhà nước đã dành trên 400 tỉ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sĩ. “Người dân Việt Nam sẽ mãi mãi ghi nhớ, mãi mãi tự hào về ý chí quật cường của thế hệ cha ông viết lên những bản hùng ca “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, mang lại nền độc lập hoà bình ngày hôm nay” - Chủ tịch nước khẳng định.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành và địa phương thời gian tới cần thường xuyên nắm bắt tâm tư và nguyện vọng người có công, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi người có công. Trong đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và toàn xã hội… với công tác chăm sóc người có công cách mạng.

Bộ LĐ-TB&XH cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực quản lý nhà nước, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật người có công, chú trọng giải quyết các vướng mắc tồn tại phát sinh.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục quan tâm xác nhận hồ sơ người có công còn tồn đọng một cách chính xác, kịp thời, để người có công và thân nhân của họ được hưởng đầy đủ các chính sách đền ơn đáp nghĩa của đảng, nhà nước.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện công tác người có công với cách mạng; cập nhật và lưu trữ các thông tin liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Chú trọng nâng cao biện pháp chuyên môn của người làm công tác thương binh, liệt sĩ và người có công…

Chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo

Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, dự lễ hôm nay có những người không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn là các chiến sĩ tiên phong chống lại đói nghèo, vươn lên làm giàu, xây dựng đất nước.

Điển hình là mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông, hiện đang sinh sống tại TP.HCM, là thương binh 4/4 (thương tật 35%). Mẹ đã lần lượt mất đi người chồng, người con của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc, cả cuộc đời mẹ đã cống hiến cho cách mạng. Ngay cả khi nước nhà thống nhất, mẹ cũng tích cực tham gia các hoạt động xã hội với nhiều cương vị khác nhau, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Cạnh đó là Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, (84 tuổi, thương binh thương tật 47%), người đã tham gia bắn rơi 19 máy bay các loại. Đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm, ông chỉ huy bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ làm quân địch khiếp sợ. Khi về hưu ông là người sáng lập và duy trì Trung tâm nhân đạo Hồng Đức cho trẻ em và những người kém may mắn.

Một tấm gương nữa là đại biểu Ngô Thị Cẩm Tiên, (79 tuổi), tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm trong nội thành Sài Gòn, Chợ Lớn. Bà bị địch bắt giam nhiều lần và hãm hại bằng các hình thức tra tấn đau đớn tột cùng như dùi cui, quay điện, tra nước rải vôi bột… làm bà mất đi thiên chức làm mẹ. Giữ vững phẩm chất người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đến nay dù tuổi cao, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động, có nhiều đóng góp tích cực cho xã hội…

“Ngoài ra, còn rất nhiều những tấm gương đại biểu tiêu biểu khác về dự lễ kỷ niệm và gặp mặt ngày hôm nay…”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Theo ông Đào Ngọc Dung, hiện đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công. Trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, trên 139 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 1.300 anh hùng lực lượng vũ trang và anh hùng lao động, gần 800 ngàn thương binh - bệnh binh và gần 320 ngàn người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học, gần 111 ngàn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù - đày, gần 1,9 triệu người có công giúp đỡ cách mạng…

Cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm