Sáng ngày 16-8, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã trực tiếp đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội trên địa bàn. Tại cuộc đối thoại, 120 doanh nghiệp, tổ chức đã nêu ra các vướng mắc cụ thể mà mình gặp phải.
Đại diện Công ty TNHH Phát triển công nghệ Việt Nam cho biết đang gặp khó liên quan đến yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ… cho các giáo viên là người nước ngoài.
Gỡ vướng tối đa về thủ tục cho doanh nghiệp
Trả lời, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bạch Liên Hương cho biết việc cấp phép cho lao động nước ngoài thực hiện theo các nghị định của Chính phủ. Hà Nội không có quy định riêng. "Gần đây, trong việc cấp phép cho người lao động nước ngoài, chúng tôi đã thực hiện chỉ đạo của thành phố tiếp tục uỷ quyền cho quận, huyện, thị xã” – bà Hương nói.
Dù vậy, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp để kiến nghị cấp có thẩm quyền, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp.
Liên quan đến chính sách ưu đãi đối với hoạt động quảng cáo, Giám đốc Sở VH&TT Đỗ Đình Hồng cho biết Luật Thủ đô mà Quốc hội vừa ban hành đã có một số quy định riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm văn hóa ẩm thực, quảng cáo.
“Lĩnh vực quảng cáo có phần miễn thuế thuê đất 10 năm và giảm từ 50% thời gian còn lại. Với thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế 4 năm và giảm từ 9 năm tiếp theo. Sở đã đưa ra những chính sách rất cụ thể trong quá trình tham mưu xây dựng Luật Thủ đô. Chúng tôi sẽ báo cáo UBND, trình HĐND thành phố để áp dụng cho từng ngành, từng lĩnh vực” – ông Hồng thông tin.
Về lĩnh vực y tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết cơ quan quản lý đặc biệt rất quan tâm tới việc thành lập mới các cơ sở y tế chất lượng cao. “Khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, các dự án đầu tư mới trên địa bàn thành phố về các lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao sẽ được hưởng chính sách ưu đãi” - ông Cương nói.
Luật Thủ đô tạo nhiều cơ chế thuận lợi
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói: "Thành phố luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò, đóng góp, sự nỗ lực và tinh thần yêu ngành, yêu nghề của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp".
Với nhận thức về trách nhiệm của chính quyền với doanh nghiệp, ông Thanh cho biết Hà Nội đã có nhiều cố gắng “tăng cường kỷ luật kỷ cương, thay đổi cách nghĩ cách làm, đổi mới hiện đại hóa quy trình thủ tục hành chính”.
Luật Thủ đô mới được sửa đổi toàn diện đang có nhiều quy định bứt phá, mang tính chất mở đường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa, xã hội. “Hà Nội đặt kỳ vọng lớn vào những thay đổi căn bản hơn trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, thành phố đang kiến nghị Chính phủ những vấn đề cụ thể như cơ chế hợp tác công tư PPP trong văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, du lịch để doanh nghiệp phát triển” – Chủ tịch UBND Hà Nội nói.
Ông Sỹ Thanh cũng cho biết thành phố đang tiếp tục tháo gỡ các “điểm nghẽn” bằng cơ chế, chính sách cụ thể. Đẩy mạnh “phân cấp, ủy quyền, cải cách hành chính” để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Tại hội nghị, Chủ tịch Hà Nội đã giao các sở, ngành liên quan phân loại các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, trong đó những vấn đề thuộc thẩm quyền thì giải quyết sớm. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, kiến nghị Trung ương xem xét, tháo gỡ.
Báo cáo của Hà Nội cho biết chuẩn bị cho hội nghị đối thoại này, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, tổng hợp và sàng lọc trên 66 lượt kiến nghị của 57 doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, được tổng hợp theo 6 lĩnh vực với 20 nhóm vấn. Cụ thể:
Lĩnh vực giáo dục tập trung vào các vấn đề về bổ sung cấp học, thủ tục đầu tư xây dựng trường học ngoài công lập, thủ tục đăng ký hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa và cấp giấy phép hoạt động.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là về vấn đề về cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề; cấp phép cơ sở đào tạo và người lao động đào tạo nghề; cơ chế đặt hàng đào tạo nghề.
Lĩnh vực y tế là về cơ chế chính sách hỗ trợ; môi trường đầu tư; liên kết và hợp tác.
Lĩnh vực quảng cáo là về chuyển mục đích sử dụng đất; triển khai lắp đặt màn hình LED; triển khai thực hiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo.
Lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gồm các vấn đề về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; hoạt động tổ chức biểu diễn; thẩm định và cấp phép tác phẩm nghệ thuật; sao chép tác phẩm nghệ thuật.
Lĩnh vực thể thao là về đăng ký cơ sở tổ chức tập luyện và thi đấu; quản lý đào tạo và tập luyện đối với một số môn thể thao mới; cấp phép cơ sở huấn luyện và nhân lực đào tạo.