'Chưa yên tâm' về dự án Long Thành

Chiều nay (17-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) sẽ họp riêng để cho ý kiến về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Theo đó, nội dung này sẽ được xem xét để đưa hay không đưa vào trong chương trình kỳ họp 3 của QH.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Tuy nhiên, ngay từ phiên họp buổi sáng khi cho ý kiến về chương trình kỳ họp 3, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đã rất băn khoăn về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ông nói: “23.000 tỉ đồng thì không thể gọi là “tiểu dự án” mà gọi là “đại”. Giải phóng mặt bằng phải gắn với quyết định đầu tư chứ không ai lại giải phóng mặt bằng đứng riêng. Chúng ta có kinh nghiệm với dự án điện hạt nhân rồi. Ủy ban Pháp luật chưa đồng thuận lắm, Ủy ban Kinh tế cũng còn ý kiến khác nhau. Đây cũng là vấn đề phải cân nhắc lại”.

Theo ông Hiển, Ủy ban Kinh tế cũng phải trả lời trước Thường vụ QH là dự án cao tốc Bắc Nam có lùi hay không. Theo quy định, hồ sơ phải gửi cho QH 60 ngày trước khi khai mạc, giờ chỉ còn chưa đầy chục ngày. Hội đồng Thẩm định Quốc gia cũng mới thẩm định ba nội dung, 11 nội dung mới “thẩm định sơ bộ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Cả hai dự án trên đều không đảm bảo thời hạn trình hồ sơ. Chúng tôi cũng rất băn khoăn về một số nội dung. Nguồn vốn 23.000 tỉ đồng cho tiểu dự án giải phóng mặt bằng Long Thành còn chưa theo đơn giá của năm 2017, có thể còn hơn. Nhiều ý kiến các thành viên của Ủy ban Kinh tế cũng lo lắng về phương án huy động vốn”.

Theo ông Thanh, việc gộp hay tách thành “tiểu dự án” giải phóng mặt bằng đối với sân bay Long Thành thì tiến độ không nhanh hơn mấy. Còn đối với dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam thì đến sáng 16-5 Ủy ban Kinh tế mới nhận được tờ trình của Chính phủ, sau đó mới nhận được ý kiến của Hội đồng Thẩm định Quốc gia. Hiện vẫn còn 11 nội dung có ý kiến khác nhau, dự án này cũng chưa có ý kiến của Bộ Chính trị

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay dự kiến thời gian kỳ họp 3 kéo dài 22,5 ngày làm việc, khai mạc ngày 22-5 và bế mạc vào ngày 21-6, không làm việc vào thứ Bảy, Chủ nhật.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH sẽ báo cáo QH về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu QH đối với ông Võ Kim Cự, đại biểu QH tỉnh Hà Tĩnh, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội. Kỳ họp cũng dành thời gian ba ngày (tăng 0,5 ngày) để chất vấn và trả lời chất vấn; dành tối thiểu 10 ngày để làm luật. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm