Ảnh minh họa
Tuổi đôi mươi, tôi có lần suýt bật cười khi nghe một cô bạn nói sẽ chỉ lấy một người chồng giống nhân vật Kiều Phong trong tiểu thuyết võ hiệp Thiên long bát bộ của Kim Dung.
Dù không có ý định giễu cợt bạn mơ mộng viển vông, nhưng tôi vẫn nghĩ hình tượng “quân tử Tàu” ấy không hề dễ kiếm giữa cuộc sống hiện đại xô bồ này. Thời gian trôi, cô bạn tôi rất thành đạt, giàu có và đảm trách một vị trí lãnh đạo, nhưng đã sang tuổi “băm” mà cô vẫn chưa kết hôn. Chẳng lẽ Kiều Phong đã thực sự “biệt tích giang hồ” ở xã hội hôm nay?
Phải thừa nhận, khi bình đẳng giới càng được mở rộng, phụ nữ ngày càng giỏi giang hơn. Nước chảy xuống, người nhìn lên, chuẩn mực đàn ông cũng không ngừng được nâng lên, theo chiều kích ngày càng cao của phái đẹp thời hiện đại. Ngoài yếu tố vật chất, ngoại hình, phụ nữ còn đặc biệt coi trọng cá tính và phong cách đàn ông. Những gã trai chỉ có mỗi bộ mặt sáng láng hay rủng rỉnh chút tiền bạc đã gần như không còn cơ hội trước những nữ nhân bản lĩnh.
Khi nói đến “đàn ông chuẩn men”, chúng tôi xác định, “chuẩn men” là những tiêu chuẩn chỉ có giá trị khi được phụ nữ gật đầu chịu về chung sống một nhà. Do đó, những chàng trai kiểu cơ bụng sáu múi hay quần xanh tóc đỏ, không phải đối tượng đề cập ở đây.
Bạn cần gì ở một người chồng? Câu hỏi ấy, nếu đặt ra cho 100 người phụ nữ, chắc chắn sẽ nhận được 100 câu trả lời không giống nhau. Bối cảnh riêng của mỗi người phụ nữ sẽ hình thành một “chuẩn lang quân” cụ thể của riêng họ. Người vợ vất vả có thể cần một ông chồng chỉ biết chí thú làm ăn. Người vợ kinh doanh cần một ông chồng biết giao tế. Người vợ yếu đuối cần một ông chồng mạnh mẽ, vững vàng bảo vệ…
Tuy nhiên, trong sự hoạch định “nồi nào úp vung nấy” đó, có thể dễ dàng nhận ra “chuẩn” đầu tiên của một người chồng mà người phụ nữ luôn cần đến là sự chia sẻ. Chia ngọt sẻ bùi, chia cơm sẻ áo, chia buồn sẻ vui… Người vợ dù buôn thúng bán bưng hay trâm anh thế phiệt cũng không ai dại gì nhặt lấy những thứ rẻ rúng có tên dửng dưng, ích kỷ!
Dù giàu nghèo hay sang hèn, thì đàn ông trước hết phải có “chuẩn” căn bản là… đàn ông. Nói nghe có vẻ buồn cười, nhưng sự thật như vậy. Đàn ông đích thực không thể lây nhiễm hay sở hữu những tính cách của đàn bà. Kiểu đàn ông chi li “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” rất khó được phụ nữ chấp nhận. Đàn ông không nên vung tay quá trán, nhưng cũng không được phép tính toán chi li. Đàn ông đừng phóng túng bạt mạng, nhưng cũng không được hẹp hòi, bẩn chật.
Tôi cam đoan, tất cả mùi nước hoa nhập khẩu chưa bao giờ có giá trị xây dựng đẳng cấp cho đàn ông Việt. Ngay giữa đàn ông với nhau thì sự hào hiệp và độ lượng mới quyết định vị trí đáng kính trọng của một “chuẩn men”. Tôi tin, phụ nữ sẽ luôn có cảm giác ấm áp khi ở cạnh một người đàn ông biết dang tay cưu mang những kẻ thua thiệt, bất hạnh.
Còn có một loại “chuẩn chồng” được hiểu ngầm như “chất phụ gia”, thường khiến đàn ông mất điểm là khả năng đỡ đần bếp núc cho vợ. Chuyện hành tiêu tỏi ớt vốn xa lạ với các ông chồng nhưng khi bà vợ lui cui với lửa củi, dầu mỡ bủa vây mà ông chồng vẫn ung dung xem bóng đá trên ti vi thì cũng chướng mắt. Nhất là khi đã qua thời vợ chồng son, lúc vợ xào rau chồng cũng chăm con thì sẽ công bằng hơn. Nếu mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà đều đổ lên đầu vợ, từ dỗ con khóc đến dạy con học, từ đi chợ đến giặt đồ… thì khái niệm “đàn ông mẫu mực” ở đấng lang quân cần phải xem lại.
Tôi có ông bạn, tài cán chỉ tầm tầm nhưng cưới được người vợ rất tháo vát. Hơn 10 năm qua, vợ chồng lúc nào cũng ríu rít như đôi chim non. Tôi dò hỏi chị: “Điều gì ở ông ấy làm chị thấy hạnh phúc?”
Bà vợ trả lời không chút đắn đo: “Ông ấy bị dị ứng, không tiếp xúc với hóa chất được, nên tôi không cho ông ấy rửa chén, nhưng mỗi lần ăn cơm xong, trong lúc tôi tắm cho con, ông ấy lại lén đeo găng tay để rửa chén. Chồng thương vợ kiểu đó, hỏi sao không hài lòng”. Chỉ một hành động rất nhỏ, nhưng đã nâng bóng dáng ông chồng cao lên lồng lộng trong mắt vợ.
Ngày nay, cũng đã không có chuyện lên nhầm kiệu hoa lấy được chồng như ý. Phụ nữ luôn chọn lựa rất thận trọng để có được một ông chồng đạt “chuẩn”. Phụ nữ Việt Nam lại có một phẩm chất rất cao đẹp là luôn nhường nhịn và nâng đỡ chồng. Sự tương hỗ đôi khi còn hơi lệch cân, chồng làm được một điểm, vợ cứ khen thành hai ba.
Nhận ra điều đó, một người bạn tôi đã “tự biên” một đoản khúc nịnh vợ: “Em nói: Anh là trụ cột của gia đình. Là cây bách, cây tùng cho em nương bóng! Em nói: Không gia đình nào nhiều gieo neo vất vả như ta. Nhưng nhờ có anh rồi cũng qua được hết! Em nói: Em không thể tưởng tượng nổi, nếu nhà này thiếu anh… Chao ôi, thật khủng khiếp! Nhưng có một điều em biết. Hay biết mà em không nói. Là tất cả những khốn đốn, gieo neo mà anh đã đưa gia đình qua khỏi. Đều do anh gây ra!”.
Theo Phú Yên (PNO)