Lý do của việc khó đoán là do cánh phóng viên gần như không có cơ hội nào tiếp cận hay tiếp xúc riêng với các thí sinh cả. Vậy nên họ không thể biết thí sinh nào có biểu hiện nổi bật ở cuộc thi, để nhận xét cô này gương mặt đẹp, cô kia dễ thương, cô nọ thân hình chuẩn mà làm dự đoán.
Người đẹp học giỏi chiếm ưu thế
Chỉ ngắm nhìn thí sinh từ xa và nhận thông tin, hình ảnh từ ban tổ chức nên gần hết các thông tin về thí sinh năm nay tập trung vào lý lịch trích ngang của các thí sinh. Trong đó những thí sinh được cho là học giỏi hay giỏi ngoại ngữ được chú ý đặc biệt.
Đáng chú ý có các gương mặt: Huỳnh Thị Thùy Dung là sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM. Thùy Dung giỏi tiếng Anh với điểm thi ĐH tiếng Anh đạt 9,5 và còn đạt loại giỏi trong năm học đầu tiên tại trường ĐH, ngoài ra cô còn có thể nói tiếng Nhật; Phạm Thủy Tiên từng đạt điểm 950/990 trong kỳ thi TOEIC. Ngoài tiếng Anh, Thủy Tiên có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp. Với thành tích học tập ở ĐH Ngoại thương Hà Nội, Thủy Tiên là một trong những sinh viên vinh dự được gặp Tổng thống Obama ở Hà Nội trong chuyến ông ghé thăm hồi tháng 5; Phùng Bảo Ngọc Vân được chú ý nhờ đoạt huy chương vàng tại Triển lãm Sáng chế kỹ thuật Malaysia và được tuyển thẳng vào ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ngọc Vân còn được mời đại diện Việt Nam tham dự hội thảo khoa học ở Hàn Quốc vào cuối tháng 7; Trần Tố Như đến từ Thái Nguyên là một trong số hai thí sinh hoa hậu được gặp tổng thống Mỹ. Tố Như từng đoạt được nhiều giải thưởng trong các kỳ thi trong nước và quốc gia, đang học ở lớp dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh của khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội; Hay Ngô Thanh Tú là sinh viên Học viện Ngoại giao, thành thạo tiếng Anh, biết thêm ngoại ngữ tiếng Pháp và tiếng Nhật…
Đào Thị Hà với ngoại hình nổi bật là một trong ba gương mặt sáng giá có thể giành vương miện Hoa hậu Việt Nam trong tối nay.
Về phía các thí sinh nổi trội về vẻ đẹp chứ không phải học lực, có thể kể đến tại cuộc thi là những gương mặt: Đào Thị Hà cao 1,74 m, số đo 83-62-90, đến từ Nghệ An. Cô từng đoạt danh hiệu Người đẹp phố biển Cửa Lò 2016. Hiện cô rất được công chúng yêu mến bởi vẻ đẹp trong trẻo, tươi trẻ. Kế đến là thí sinh Bùi Nữ Kiều Vỹ cao 1,71 m, số đo 83-61-89, đến từ Quảng Nam. Kiều Vỹ là sinh viên CĐ Thương mại Đà Nẵng. Cô cũng được công chúng quan tâm bởi vẻ đẹp phúc hậu được cho rằng giống hoa hậu Nguyễn Thị Huyền; hay Hoàng Thị Phương Thảo, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cao 1,74 m. Cô sở hữu vẻ đẹp tự nhiên, dịu dàng và là hoa khôi của cuộc thi Nữ sinh Việt Nam duyên dáng.
Trong cuộc đua đến chiếc vương miện, hiện có ba gương mặt được cho là sáng giá nhất: Huỳnh Thị Thùy Dung với lợi thế học giỏi, thí sinh chủ nhà, vẻ đẹp ưa nhìn. Đào Thị Hà với lợi thế tuổi trẻ và vẻ đẹp tươi sáng, trong trẻo nhất cuộc thi. Và Bùi Nữ Kiều Vỹ với vẻ đẹp rất nữ tính, Á đông.
Nỗi lo hậu hoa hậu
Có một đặc điểm dễ nhận ra và chính trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 và năm nay thừa nhận: Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam quan tâm nhiều đến những thí sinh có nhân thân tốt như học giỏi, ngoan để tạo dựng một hình ảnh hoa hậu Việt Nam đẹp trong mắt công chúng. Tuy nhiên, việc chọn một hoa hậu có nhân thân tốt như học giỏi, chăm ngoan có phần lấn át nhan sắc của ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam gần đây có vẻ là sự lựa chọn không an toàn. Ở lần tổ chức năm 2014, Hoa hậu Việt Nam đã lựa chọn Kỳ Duyên với lý lịch trích ngang rất đẹp như xuất thân là học sinh trường chuyên ngoại ngữ, đậu vào ĐH Ngoại thương, bản chất chăm ngoan chỉ lo học, chưa hề biết đi giày cao gót bất chấp nhan sắc hoa hậu gây sóng gió tại cuộc họp báo ngay sau cuộc thi. Và rồi sau cuộc thi, Kỳ Duyên vướng vào rất nhiều scandal: Không thật sự giỏi ngoại ngữ, không chăm ngoan chỉ chăm chơi, hút thuốc tại quán bar… Điều này khiến công chúng thất vọng và ban giám khảo, ban tổ chức cuộc thi cũng chẳng vui vẻ, vinh dự gì…
Vậy nên câu chuyện “hậu hoa hậu” là một vấn đề rất lớn như thừa nhận của trưởng ban giám khảo cuộc thi năm nay - nhà sử học Dương Trung Quốc. Ban tổ chức cuộc thi 2016 rất tự hào về những thí sinh có bản lý lịch đẹp với nhiều thành tích được giới thiệu là học giỏi, chăm ngoan. Liệu rằng công chúng sẽ có được một hoa hậu thật sự là gương sáng cho giới trẻ chứ không phải như lời giới thiệu? Và đương nhiên, công chúng luôn muốn có một hoa hậu phải thật sự có vẻ đẹp được cộng đồng công nhận chứ không phải là một nhan sắc gây nhiều tranh cãi, chê nhiều hơn khen.
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC, Trưởng ban giám khảo Hoa hậu Việt Nam 2016: Cộng đồng xã hội cùng chịu trách nhiệm “hậu hoa hậu” “Trách nhiệm chọn một gương mặt xứng đáng thuộc về ban tổ chức, ban giám khảo cuộc thi nhưng lớn nhất nó còn thuộc về ý thức của hoa hậu mà có lúc nó trở thành trách nhiệm với những cam kết mang tính pháp luật. Ngoài ra còn cần có những đoàn thể, những tổ chức đồng hành với hoa hậu sau cuộc thi để có hình ảnh đẹp về một người đại diện cho vẻ đẹp Việt Nam. Thậm chí báo chí, truyền thông, cộng đồng cũng phải đưa tin, đặt yêu cầu định hướng đúng, giúp hoa hậu có những hành động đúng, đẹp. Vậy nên tôi mong muốn trách nhiệm để có hình ảnh hoa hậu xứng đáng là một trách nhiệm chung bao gồm cả cộng đồng, xã hội”. |