Sáng 16-3, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Trường THCS Trần Quang Khải, quận 12.
Bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn.
Tận dụng thiết bị cũ giảng dạy
Tại buổi giám sát, ông Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm học 2021-2022, nhà trường đã hoàn thành chương trình lớp 6 theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 6 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình. Trong năm học 2022-2023, nhà trường tiếp tục thực hiện chương trình lớp 7, học sinh mạnh dạn tự tin, dám thể hiện quan điểm.
Ông Đinh Văn Trịnh, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, trường cũng gặp một số khó khăn. Việc mua sắm thiết bị dạy học luôn được trường chú trọng và tổ chức đấu thầu. Cụ thể, đối với khối 6 đã trang bị theo danh mục thiết bị tối thiểu và rà soát bổ sung, đề xuất. Trong khi đó các thiết bị dạy học khối 7 trên cơ sở tận dụng các thiết bị có sẵn và đề xuất thiết bị mới, tuy nhiên chưa nhận được thiết bị.
Để đảm bảo việc giảng dạy, nhà trường đã tận dụng lại những thiết bị dạy học từ chương trình 2006. “Bởi thực tế, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là kế thừa và phát huy những điểm tích cực của chương trình cũ. Do đó, những thiết bị còn sử dụng được nên tận dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên của trường trẻ và rất nhiệt huyết. Do đó, họ cũng dành thời gian sáng tạo, thiết kế các đồ dùng để phục vụ giảng dạy. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài, nhà trường cũng kiến nghị các đơn vị cung ứng thiết bị, đồ dùng dạy học sớm hơn để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018” - ông Trịnh nói thêm.
Đề cập thêm về vấn đề này, bà Lê Thị Mai Hoa hoan nghênh cách làm của nhà trường, nỗ lực vượt khó để đáp ứng chương trình.
Bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trò chuyện với học sinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
“Trong điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường biết kế thừa thiết bị cũ cũng như tận dụng sự sáng tạo giáo viên. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời, cần phải có trang thiết bị mới để phục vụ cho việc dạy học. Chúng ta không thể dạy chay, không thể trông chờ vào việc giáo viên thiết kế đồ dùng trong khi quỹ thời gian của họ vô cùng hạn hẹp mà phải choàng gánh bao nhiêu việc” - bà Hoa nói.
Đã tập huấn nhưng ban đầu còn chưa tự tin
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại bậc THCS, môn tích hợp là môn học mới. Để thực hiện môn học này, 100% giáo viên giảng dạy lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên của trường đã hoàn thành chứng chỉ bồi dưỡng nên được phân công dạy độc lập.
Tiết học khoa học tự nhiên của học sinh Trường THCS Trần Quang Khải. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Theo ông Trịnh, do giáo viên trước đây chỉ dạy đơn môn, nên bước đầu dạy các môn tích hợp còn mất nhiều thời gian cho việc đầu tư chuyên môn hơn. Thực tế, dù đã được tập huấn nhưng có đôi khi giáo viên vẫn lúng túng khi trực tiếp giảng dạy. Trước tình trạng trên, giáo viên đứng lớp phải tự trau dồi, nghiên cứu thêm kiến thức. Về phía trường, trong một tháng tổ họp chuyên môn 2 lần, tất cả giáo viên trong tổ sẽ thảo luận, trao đổi tìm ra phương pháp hay, tốt nhất cho tiết dạy. Ví dụ, tuần đó là chủ đề môn lý, giáo viên lý sẽ hỗ trợ các giáo viên môn hoá, sinh về kiến thức, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá và ngược lại...Hàng tháng các tổ chuyên môn tổ chức thao giảng, chuyên đề ưu tiên chương trình mới.
Nói rõ thêm vấn đề này, cô Trương Thị Cẩm Nhung, giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên thừa nhận ban đầu khi tiếp cận chương trình cũng gặp khó. Tuy nhiên, sau khi được sự hỗ trợ từ tổ chuyên môn thì mọi việc từng bước được giải quyết. “Tổ nghiên cứu kỹ sách giáo khoa để đảm bảo kiến thức cần đạt. Bên cạnh đó, ít nhất một tháng họp 2 lần để nghiên cứu bài học, rút kinh nghiệm. Giáo viên chuyên môn lý sẽ hỗ trợ giáo viên hoá, sinh trong quá trình giảng dạy chủ đề môn lý và ngược lại. Ngoài ra, giáo án giảng dạy cũng được thống nhất trong tổ trước khi triển khai. Nhờ vậy, giáo viên dần dần tự tin khi đứng lớp dạy các môn tích hợp” - cô Nhung nói
Một giáo viên kiêm nhiệm nhiều môn
Theo hiệu trưởng nhà trường, trong chương trình có môn giáo dục địa phương và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là bắt buộc tuy nhiên không có giáo viên được đào tạo chính quy. Vì thế, để đáp ứng chương trình, nhà trường phải phân công một giáo viên kiêm nhiệm nhiều môn.
Bà Nguyễn Thị Vân, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết đối với hoạt động trải nghiệm, ban giám hiệu, tổng phụ trách, giáo viên chủ nhiệm và lẫn giáo viên dạy các bộ môn sẽ tham gia giảng dạy.
Trong đó, tiết sinh hoạt dưới cờ sẽ do ban giám hiệu và tổng phụ trách đội thực hiện. Nội dung liên quan đến hoạt động hướng nghiệp sẽ do giáo viên chủ nhiệm đảm nhiệm. Còn những tiết học mang tính chủ đề đến các lĩnh vực riêng sẽ do các giáo viên bộ môn phụ trách.
Tương tự, hoạt động giáo dục địa phương cũng do giáo viên mỹ thuật, văn học, địa lý, lịch sử và giáo dục công dân đảm nhận thêm. Giáo viên có thế mạnh về lĩnh vực nào sẽ đảm nhận chủ đề có liên quan và hỗ trợ đồng nghiệp.
“Do đây là những môn học mới nên phòng GD&ĐT quận cũng hay tổ chức các chuyên đề giao lưu, học hỏi kinh nghiệm để rút ra cách làm hay và hiệu quả” - bà Vân nói và cho biết dù còn gặp khó khăn nhưng nhà trường luôn tìm giải pháp để thực hiện, làm sao thực hiện chương trình một cách tốt nhất.
Chúng ta đang đứng trước áp lực rất lớn từ dư luận xã hội về thực hiện chương trình liệu có đi đến đích?
Do đó, tôi mong thầy cô tiếp tục tin tưởng vào chủ trương đổi mới, bằng sự nỗ lực của tập thể rút ngắn bước đi trong thời gian tới, hoàn thành mục tiêu đổi mới.
Tuy nhiên, nếu chỉ bằng quyết tâm chưa đủ, cần phải có giải pháp thiết thực, cụ thể như tăng cường tính tự chủ của cơ sở giáo dục, tính chủ động của giáo viên.
Chương trình muốn triển khai tốt, yếu tố con người cần được đặt lên hàng đầu. Cơ sở vật chất có thể khắc phục, phòng ốc chật có thể mở rộng nhưng thiếu đội ngũ thì không thể. Do đó, cần phải đào tạo đội ngũ và xây dựng môi trường giáo dục không chỉ tốt về cơ sở vất chất mà còn khiến giáo viên cảm thấy quan tâm, động viên và thoải mái khi dạy.
(Bà Lê Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Quốc hội)