Trước đó không lâu, trên một diễn đàn đã xuất hiện bài viết rao bán dữ liệu được cho là của 30 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên tại Việt Nam.
Trong bài đăng, tác giả còn gửi kèm mẫu dữ liệu của giáo viên và học sinh, bao gồm họ tên người dùng, email, số điện thoại, ngày sinh, lớp, trường, quận/huyện, ngày tạo… để tăng độ tin cậy.
Bài đăng rao bán 30 triệu dữ liệu được cho là của các trường học tại Việt Nam. Ảnh: TIỂU MINH |
Mới đây, đại diện hãng bảo mật Kaspersky, bà Võ Dương Tú Diễm, Giám đốc khu vực Việt Nam, Cambodia, Myanmar đã có một số chia sẻ, nhận định xoay quanh vấn đề trên. Đồng thời đưa ra lời khuyên cho các tổ chức cung cấp dịch vụ CNTT trong ngành giáo dục, cũng như người dùng cá nhân.
Rò rỉ dữ liệu, virus, đột nhập, phá hoại nội bộ, tấn công DDoS… gây ra rất nhiều thiệt hại cho trường học. Tuy nhiên, những vẫn đề này có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta đầu tư đúng cách vào việc bảo mật và nâng cao nhận thức về an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Kaspersky cũng đưa ra một số lời khuyên giúp các trường hạn chế bị rò rỉ dữ liệu:
- Bật mã hóa toàn bộ ổ đĩa trên tất cả các thiết bị: Trên các thiết bị quan trọng, hãy đảm bảo bạn đã bật tính năng mã hóa ổ đĩa phòng khi thiết bị rơi vào tay kẻ xấu.
- Không chuyển dữ liệu không được mã hóa qua Internet: Trong một số trường hợp cần gửi thông tin bảo mật bằng email hoặc các ứng dụng nhắn tin, các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng cần mã hóa thông tin trước khi gửi, sau đó gửi mật khẩu cho người nhận qua một kênh khác, chẳng hạn như ứng dụng nhắn tin hỗ trợ mã hóa đầu cuối (Signal, Telegram…).
- Xóa dữ liệu nhạy cảm khi không còn sử dụng: Sự cố vẫn có thể xảy ra khi thông tin không còn sử dụng bị tin tặc khai thác. Đối với loại thông tin này, hãy xóa và làm trống thùng rác (Recycle Bin) để tội phạm mạng không thể khôi phục dữ liệu. Với những thông tin quan trọng hơn, bạn hãy “phá hủy” bằng cách băm tệp tin bằng phần mềm chuyên dụng để ngăn chặn việc khôi phục.
Ngoài ra, giáo viên cũng nên tìm hiểu rõ các công cụ đang sử dụng, đồng thời đọc thêm các hướng dẫn bảo mật trên Internet. Nếu phần mềm độc hại xâm nhập vào máy tính của học sinh, giáo viên… việc khôi phục sẽ mất rất nhiều thời gian.
Học sinh cũng như các đối tượng khác, đều cần được bảo vệ, đặc biệt là trẻ em (người dùng Internet dễ bị tổn thương nhất trên thế giới). Vì vậy, trẻ cần được hướng dẫn cách nhận ra các mối đe dọa tiềm ẩn trên Internet, cũng như cách ứng xử đúng đắn trên môi trường mạng bằng ứng dụng Kaspersky Safe Kids.