Nhà văn Vân Thanh, trong một lần hầu chuyện “cụ Nguyễn” đã không quên hỏi “cụ” về chuyện bạn bè. Chị đã rất ngạc nhiên khi nghe nhà văn nói rằng mình không có bạn thân trong giới văn nghệ sĩ. Bác Nguyễn chỉ nhận mình có người bạn thân duy nhất là bác sĩ Trần Hữu Tước, một giáo sư tai mũi họng nổi tiếng, đồng thời cũng là người dịch một số truyện của nhà văn Nguyễn Tuân sang tiếng Pháp.
Nhà văn Vân Thanh sau đấy đã nói lại với tôi kèm lời nhận xét: “Thế mà chị cứ tưởng thế nào bác Nguyễn Tuân cũng nhắc đến bố em trong số những người bạn thân của mình cơ đấy!”.
Nguyễn Tuân (trái) và Nguyễn Huy Tưởng (phải) tiếp khách quốc tế |
Còn về phần bố Tưởng tôi thì thế nào? Cha tôi mất sớm, khi tôi mới 5 tuổi. Tuổi thơ non nớt của tôi luôn được nghe nhắc đến, giữa những câu chuyện trong gia đình, về “chú Thi, bác Tuân...” như những người bạn thân thiết của cha tôi, đồng thời cũng là chỗ dựa về tinh thần của gia đình chúng tôi sau khi cha tôi qua đời.
Thế nên tôi đã khá bất ngờ khi đọc nhật ký của cha mình, tôi thấy có một câu như thế này: “Tuân đi Tây Bắc. Nói chuyện về kịch bản (Lũy Hoa) của mình. Anh ta có vẻ thích... Khuyên nên tập trung vào phim” (10/4/1959). Chữ “anh ta” rõ ràng là một đại từ không mấy thân thiết, ít nhất cũng là theo cảm nghĩ của tôi lúc ấy. Mặc dù sau đấy cha tôi có viết tiếp: “Trong thâm tâm cũng thấy đồng ý với lời khuyên của bạn”, song hai chữ “anh ta” vẫn ám ảnh tôi khá mạnh!
Lớn lên, tôi có dịp đọc kỹ hơn nhật ký của cha mình. Cũng chữ “anh ta” ấy, cha tôi còn dùng với một nhà văn trẻ khác mà ông đặc biệt quí mến – nhà văn Siêu Hải: “Góp ý với Siêu Hải về tiểu thuyết về pháo binh của anh ta. Siêu Hải có vẻ không vui. Cần phải động viên ghê lắm. Con người dễ thương” (23/4/1957). Và tôi đã ngộ ra.
Chữ cha tôi dùng (trong nhật ký, khi nhà văn cho phép mình được viết một cách thoải mái nhất những suy nghĩ tức thời) chỉ là một phương tiện truyền tải, trần thuật. Điều quan trọng là ở thái độ của nhà văn trước mỗi sự việc mà ông thuật lại. Như ở cả hai trường hợp trích dẫn trên, cha tôi “trong thâm tâm” bao giờ cũng rất trân trọng bạn, nâng niu bạn!
Bất luận bác Nguyễn Tuân với cha tôi có phải là hai người bạn thân không, một cách duy danh định nghĩa. Bất luận trong làng văn, thiên hạ xếp “mâm bát” giữa các cụ với nhau như thế nào. Tôi chỉ biết, bằng vào những gì đã thật sự diễn ra giữa bác Nguyễn Tuân và cha tôi, để có cảm nhận xác thực về các cụ.
Cha tôi bắt đầu có quan hệ gắn bó với bác Tuân là từ sau Cách mạng Tháng Tám, khi ông đảm đương công tác Văn hóa cứu quốc. Ngày 25/9/1946, hai ông gặp nhau trong buổi lễ kỷ niệm ngày giỗ Vũ Trọng Phụng, có lẽ do Hội Văn hóa cứu quốc tổ chức, mà có lẽ cũng là lễ tưởng niệm đầu tiên sau 7 năm nhà văn sớm đi xa.
(Ông trời run rủi thế nào mà giờ đây cả ba ông – Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng – lại có tên phố kề bên nhau, lại được gần cả con đường mang tên vì sao Khuê Nguyễn Trãi!). Vài hôm sau, nhà văn Nguyễn Tuân đến chơi, biếu cha tôi một cuốn Chùa đàn mới xuất bản. Cha tôi đã đọc ngay cuốn sách đó và ghi trong nhật ký cùng ngày: “Xem Chùa đàn. Thán phục văn tài và lòng thành thực của Nguyễn Tuân” (28/9/1946).
Ba năm sau, hai ông lại có mặt bên nhau trong bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, chụp các văn nghệ sĩ ở Xóm Chòi, Thái Nguyên. Trong ảnh, bác Tuân mặc quần soóc, áo lính, còn cha tôi mặc bộ đồ bà ba đen. Trông ông có vẻ buồn buồn.
Ông buồn vì không viết được như ý, hay ông buồn vì mẹ tôi còn đang bị kẹt lại trong thành, chưa ra được chiến khu với ông? Hay cũng có lẽ cả hai? Và tôi hình dung, bác Tuân đã thật khéo động viên cha tôi khi tặng ông một cuốn sổ tay với những lời đề tặng vừa hóm hỉnh vừa cũng đầy cảm thông, khiến người nhận chỉ có thể mỉm cười: “Biếu một anh bạn khủng hoảng “sáng tác” để anh giải quyết “sinh lý” lên tập giấy trinh tiết này – những lúc đêm dài tha thẩn một mình với bóng!”.
Hòa bình lập lại (năm 1954), cha tôi và bác Nguyễn Tuân càng có dịp “bó kết” với nhau hơn qua vụ Nhân văn Giai phẩm. Hai ông không hề viết cho báo Nhân văn, nhưng cũng không tham gia vào việc đánh “Nhân văn”, chẳng những thế còn tỏ thái độ thông cảm! Thế cũng đủ để bác Nguyễn Tuân và cha tôi bị coi là “hữu”, rằng các ông là những “cây đa, cây đề, tập hợp chung quanh mình những phần tử xấu” (!) Rồi dường như có một chỉ đạo gọi là “chống Tuân lui Tưởng”, và chủ trương: “Dù là những cây đa cây đề cũng đập mạnh” (những chữ trong ngoặc kép ở đây đều là trích nguyên văn nhật ký của cha tôi trong mấy tháng cao trào của cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn nghệ).
Dễ hiểu trong hoàn cảnh như thế, các ông phải chịu rất nhiều sức ép. Cũng dễ hiểu trong hoàn cảnh như thế, các ông càng cần dựa vào nhau. Nhật ký của cha tôi những ngày này hay nhắc đến bác Tuân như một điểm sáng về nhân cách và bản lĩnh nhà văn, khi mà tình bạn giữa các văn nghệ sĩ, dù đã được thử thách trong kháng chiến, vẫn bị xáo động rất mạnh do chuyện cải cách ruộng đất và đặc biệt, do những bất đồng xung quanh vụ việc “Nhân văn Giai phẩm”.
Một ngày cuối đông năm 1956, Chi bộ Văn nghệ họp để thảo luận về vấn đề này. Nhiều người lớn tiếng mạt sát “bọn họ”. Đến lượt cha tôi phát biểu, ông tỏ ý “thương anh em Nhân văn”. Lời phát biểu của cha tôi tức thì bị nhiều người phản ứng, đến mức ông tự thấy mình “chuế quá”. Giữa lúc ông “đang sa sút tinh thần”, như ông ghi trong nhật ký ngày 15/12/1956 thì buổi tối bác Tuân đến, động viên cha tôi “không nên sìu đi. Lúc này càng phải hăng hái”!
Tôi đã được đọc một số hồi ký, bài viết về những ngày này của các nhà văn: Tô Hoài, Phùng Quán, Lê Đạt... Bấy giờ, những lời, những ý ngược với số đông thường rất khó nói ra, vì nó lạc lõng và nhất là vì nó có thể gây nguy hiểm. Nhưng cũng chính vì thế, nếu có, lại càng quý, dù chỉ là về tinh thần. Nhà thơ Lê Đạt trong một bài viết gần đây kể rằng, một buổi tối, ông cùng cha tôi và một số người nữa, trong đó có cả những người không cùng “cạ” gặp nhau ở nhà bác Tô Hoài, trước khi bước vào lớp đấu tranh “tư tưởng” Thái Hà II.
Lúc ra về, đang đi, cha tôi bỗng nói: “Các ông ấy thật buồn cười, bắt mình học một tháng chứ học một năm, mình cũng không bao giờ kết luận thằng Lê Đạt là phản động, mình ở với nó mãi, mình còn lạ gì”. Không biết cha tôi có nghĩ đến những nguy hiểm có thể xảy với mình lúc ấy không. Tất nhiên, hoàn cảnh của cha tôi có khác nhiều so với nhà thơ Lê Đạt. Giỏi lắm thì ông cũng chỉ đến nước bị quy “thân nhân văn” là cùng (mặc dù như thế đã đủ mệt lắm rồi!).
Nhưng cũng như nhà thơ Lê Đạt, cha tôi rất cần được cảm thông, chia sẻ. Sự động viên kịp thời của bác Tuân đã tiếp sức cho cha tôi rất nhiều, khi đó cũng như sau này, khi đã “sóng yên bể lặng” lại là lúc cha tôi lâm trọng bệnh. Những ngày ông nằm bệnh viện Việt Xô, những bó hoa tươi bác Tuân thường xuyên đem vào cho người bệnh cùng những câu chuyện không dứt về nào là Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài, nào là xê-na-ri-ô hay tiểu thuyết về Thủ đô… hẳn đã làm dịu bớt nỗi đau của cha tôi khi biết mình mang bệnh nan y. Chuyện này đã được bác Tuân kể khá chi tiết trong Lời Bạt viết cho kịch bản phim Lũy Hoa của cha tôi xuất bản một năm sau khi ông qua đời, tôi xin miễn nói thêm.
Tháng 8 năm 1978, tôi tốt nghiệp đại học ở Rumani về nước. Thăm hỏi trong gia đình xong, tôi được mẹ đưa lên chào bác Nguyễn Tuân. Bác rất vui như ngày nào, khi chúng tôi còn nhỏ, mỗi bận mẹ tôi cho các con lên thăm bác.
Tôi còn nhớ hồi ấy, chúng tôi luôn chờ đợi lúc bác với tay lấy cái hộp “ghi gô” đã xỉn màu, từ tốn mở hộp lấy cho chúng tôi mỗi đứa một cái kẹo. Kẹo của bác Nguyễn Tuân thường là loại kẹo ngon, chỉ có bán trong “giao tế” (cửa hàng phục vụ cán bộ cấp cao thời bao cấp). Bấy giờ cái gì cũng thiếu thốn, đường, kẹo lại càng khan.
Nhưng tôi vẫn nhớ mình không bao giờ ăn ngay, mà cũng không bao giờ mong bác lấy thêm cho một cái kẹo nữa. Dường như tôi linh cảm được rằng, với bác Nguyễn Tuân, đừng có mà nghĩ đến số lượng. Và ngay bây giờ đây, tôi như thấy bác nheo nheo mắt mà bảo rằng, nếu anh ăn đến cái kẹo thứ hai, liệu vị nó có ngon hơn không?
Lại nói cái hôm mẹ tôi đưa tôi lên chào bác. Lúc này tôi đã là một thanh niên, nhưng bác Nguyễn Tuân vẫn muốn cho tôi một cái quà gì như ngày nào. Vừa hay nhà in mới mang đến cho bác một cuốn Sông Đà lần đầu được tái bản sau nhiều năm ra đời.
Cuốn sách mẫu chưa vào bìa, cũng chưa đóng xén. Cả ruột và bìa được chuyển thẳng đến cho tác giả xem. Bác rút một chiếc bút dạ, nghĩ một hồi rồi viết: “Chủ nhật 8 VIII 78 – tặng “thằng” Huy Thắng – Nguyễn Tuân”. Đã định trao cho tôi rồi, ngẫm nghĩ thế nào, bác lại viết tiếp thêm mấy chữ: “Hà Nội, nó về được hai ngày”. Trời ạ! Giờ tôi mới hiểu ra, vì sao trong câu chuyện, bác cứ hỏi đi hỏi lại tôi “Mới về à? Mới có hai ngày à?”.
Vâng, thưa bác Nguyễn Tuân, cháu mới về. Cháu mới về được hai ngày và đương nhiên, cháu muốn được theo mẹ cháu lên chào bác ngay. Vậy là bác đã cảm động vì tôi đã sớm lên thăm bác, tôi, con trai duy nhất của người bạn thân của bác – nhà văn Nguyễn Huy Tưởng!...
NGUYỄN HUY THẮNG - (Theo Tiền Phong)