Chuyện lạ mộ cổ Sài Gòn

Mãi đến cuối tuần trước, khi báo chí đăng tin Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (khu 1, thuộc Sở GTVT TP.HCM)đề xuất chi tiền để tôn tạo di tích mộ cổ họ Lâm (Mả Ông Thượng) trong Công viên Tao Đàn thì nhiều người dân mới biết trong công viên này có di tích mộ cổ cấp TP!

Di tích không tên

Di tích này còn được gọi là Mả Ông Thượng, nằm ở góc khá vắng vẻ trong Tao Đàn. Nếu đi xe thuận chiều đường Trương Định gần về ngã tư, nhìn về bên tay phải có thể thấy thấp thoáng vách tường trắng và những mái dốc đỏ hồng, những đầu cột hình búp sen đỏ hồng của ngôi mộ này. Ngôi mộ nằm cạnh khu nhà ban quản lý, khuất sau những thân cổ thụ, gần về phía ngã tư Trương Định - Nguyễn Thị Minh Khai.

Ngôi mộ nằm trên khuôn viên lớn thảm cỏ xanh và vài chục cây cổ thụ, không có nhiều cây hoa kiểng. Chỉ có hai cụm kiểng lớn được trang trí ngay lối vào mộ. Có một con đường lát đá phiến nằm về bên phải và một lối vào mộ. Một vòng tường bao toàn bộ khu mộ. Bên trong chia rõ làm ba phần: tiền sảnh - sân thờ và nhà mộ.

Không có một bảng thông tin nào gần khu vực ngôi mộ. Do đó nhiều người dân không biết đây là mộ cổ có giá trị về kiến trúc, càng không biết công trình này được xếp hạng di tích...

Sẽ có bia di tích

Nhiều người không biết rằng ngôi mộ này được gọi tên chính thức là mộ cổ họ Lâm, là di tích cấp TP, được công nhận vào tháng 4-2014. Theo Quyết định 1760/QĐ-UBND thì di tích này được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật. “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh phải được phép của chủ tịch UBND TP”.

 
Mộ cổ họ Lâm ở Tao Đàn. Ảnh: QUỲNH NHƯ

PGS-TS Phạm Đức Mạnh, Trưởng bộ môn Khảo cổ học, khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết vẻ ngoài hiện nay như tường gạch, sơn trắng là do tôn tạo nhiều lần chứ thực chất mộ cổ họ Lâm đã trên 100 năm. Mộ được xây dựng năm Ất Tỵ (1895), là một trong số ít những ngôi mộ xây bằng hợp chất (nhựa cây ô dước) có diện tích lớn và kiến trúc đẹp còn lại tại TP.HCM. Mộ có hai bia đá xanh ghi chữ Hán. Đây là mộ ông Lâm Tam Lang, người gốc Quảng Đông, cùng vợ là bà Mai Thị Xã. Sự tồn tại của mộ cổ này góp phần đáng kể cho ngành khảo cổ học và nghiên cứu khoa học về loại hình mộ cổ của Việt Nam…

Trong nghiên cứu của PGS-TS Mạnh thì theo truyền tụng, hậu duệ đời thứ tư của ông Lâm Tam Lang là cụ Lâm Quang Ky - Phó lãnh binh của anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đã góp phần không nhỏ trong trận chiến thắng Nhật Tảo lẫy lừng.

Ông cũng cho biết thêm TP có khá nhiều mộ cổ từng được khai quật và cũng còn nhiều mộ cổ trên 100 năm chưa được khai quật.

Theo Khu 1, hiện ngày càng có nhiều người đến tham quan, thưởng ngoạn và tìm hiểu về mộ cổ họ Lâm. vì vậy Khu 1 đề xuất chi 45 triệu đồng để tăng cường mỹ quan, tạo sự trang nghiêm, điểm nhấn cho di tích này. Cụ thể sẽ xây dựng thêm một đường dạo bằng đá chẻ, uốn lượn cập bên hông di tích, dựng đồi cỏ, thêm cây kiểng. Đặc biệt là xây bia ốp đá hoa cương gắn bảng tên di tích cho người dân hiểu rõ về ngôi mộ cổ này.

Dân nhiệt tình gắn xi măng lên di tích

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, TP hiện có ba khu mộ đã được công nhận là di tích về kiến trúc nghệ thuật cấp TP là mộ tiền hiền Tạ Dương Minh (khu phố 4, đường số 10, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức), mộ ông Lý Tường Quang và bà Nguyễn Thị Lâu (đường Nguyễn Sơn, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú) và mộ cổ họ Lâm. Ngoài ra, có khu mộ cổ Gò Quéo sẽ được xếp hạng di tích trong thời gian tới.

Khu mộ tiền hiền Tạ Dương Minh rất khó tìm vì nằm trong con hẻm nhỏ, mộ không có thông tin nào ngoại trừ một bảng vàng nhỏ ghi chữ in hoa “DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CẤP THÀNH PHỐ MỘ TIỀN HIỀN TẠ DƯƠNG MINH” gắn trên bia trước di tích.

Ông Thái Bá Cởi, tổ trưởng tổ dân phố, cho biết: “Có lúc gạch, đá cổ rớt ra một mẩu, bà con cũng nhiệt tình lấy xi măng gắn lại. Đấy là bà con có ý thức tốt, chứ không thì đã ném mẩu gạch đi mất rồi. Nhưng bà con làm chưa đúng cách, chúng tôi cũng giải thích để bà con hiểu là di tích thì có cách bảo tồn, tu bổ, sửa chữa của di tích chứ không thể lấy phương pháp hiện đại gắn vào được. Thế nên bây giờ có gì là bà con thông báo ngay để địa phương có cách xử lý thích hợp”.

Về việc không có một bảng chỉ dẫn hay một bảng thông tin nào cho người dân tìm hiểu về di tích, ông Cởi bảo rằng địa phương có lúc muốn gắn bảng chỉ dẫn ngoài đầu đường nhưng gắn lên cột điện, cột đèn thì bị đơn vị quản lý cột điện bắt tháo xuống. Dựng một trụ với bảng riêng chỉ dẫn thì đầu đường lại quá nhỏ, không dựng được. “Muốn treo trên tường nhà dân thì cũng khó vì chẳng có mấy nhà có tường nhà mặt tiền để mà treo, nên tôi treo trước tường nhà tôi đấy!”, vừa nói ông Cởi vừa chỉ cho chúng tôi tấm bảng treo trước nhà.

Chuyện lạ mộ cổ Sài Gòn ảnh 2

Toàn cảnh mộ tiền hiền Tạ Dương Minh và  tấm bảng chỉ dẫn gắn trên tường nhà ông Thái Bá Cởi, cách di tích vài chục mét. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Khai quật và đưa về bảo tàng

11 năm trước, ngôi mộ cổ tại vỉa hè nhà 535 Nguyễn Tri Phương, quận 10 thu hút sự quan tâm của người dân khi được khai quật.

Sau khi khai quật và nghiên cứu các tùy vật trong mộ, các nhà khoa học kết luận đây là mộ song táng, xây bằng hợp chất ô dước với khối lượng đến gần 100 m3, dân gian thường gọi “mả đá” hoặc “mả mọi”; chủ nhân mộ là nhân vật quyền quý, có địa vị trong xã hội lúc đương thời, khoảng thế kỷ 18.

Ngôi mộ không còn bia và nguyên trạng để nghiên cứu phong cách kiến trúc, cũng không còn hoa văn trang trí để làm cơ sở đoán định năm xây dựng. Sau khai quật, tất cả vật tùy táng đều được đưa về bảo quản cẩn thận tại Bảo tàng TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm