LTS: Nhiều người tỏ thái độ không ưa CSGT có lẽ xuất phát từ thái độ hành xử, vì đâu đó vẫn còn có chuyện CSGT vòi tiền, “làm luật”... Nhưng bạn biết không, khi kẹt xe giữa trời mưa, nắng gắt, ai là người giúp bạn thoát khỏi cảnh ấy? Có khi nào bạn tự đặt mình vào vị trí của những anh CSGT phải làm việc dưới nắng gắt, mưa dầm không?...
Sự không công bằng ấy của bạn có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng ắt hẳn bạn không thể phủ nhận có rất nhiều câu chuyện, hình ảnh của các anh CSGT đã khiến bạn thay đổi cách nghĩ và cảm thấy yêu cuộc đời này hơn.
Dưới đây là một câu chuyện như thế.
1. Tối 14-7, tôi chở con trai đi dạo phố. Đến giao lộ Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3, TP.HCM), tôi thấy CSGT đang xử phạt người vi phạm giao thông, có người phải ký biên bản, có người chỉ bị nhắc nhở rồi cho đi. Khi đó tôi nghe những người đi đường nhìn, cười và xì xào: “Có tiền là xong, không tiền thì phạt”. Tôi đã nghe như vậy nhiều rồi nhưng hôm đó những lời nói này lại làm tôi thấy rất khó chấp nhận.
Trước đây, trong một lần đang chạy xe máy chở củi về bán kiếm tiền, đến giao lộ Bạch Đằng - Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, gần chợ Bà Chiểu) thì tôi bị thổi phạt vì lỗi chở cồng kềnh, gây nguy hiểm cho người đi đường. Tôi nhớ tên người thổi phạt lúc đó là Đại úy CSGT Võ Văn C. Vì xe chở nặng nên tôi không thể cho xe lên lề để làm thủ tục xử phạt. Thấy vậy, anh CSGT đã cho tôi đứng dưới lòng đường. Anh nhắc tôi về lỗi vi phạm và làm thủ tục xử phạt. Sau khi nghe tôi trình bày về hoàn cảnh, giá mua, giá bán số củi tôi chở được mỗi ngày, anh C. ngẫm nghĩ vài giây rồi nói: “Nếu xử phạt anh thì anh phải mất hai ngày chở củi mới đủ tiền nộp phạt, như vậy thì tội cho anh quá! Nhưng anh có lỗi, tôi đã yêu cầu anh dừng xe mà không xử phạt thì người ta nghĩ tôi nhận tiền của anh mà cho qua. Bây giờ tôi quyết định vẫn xử phạt anh nhưng với lỗi nhẹ hơn. Với lỗi này anh chỉ phải nộp phạt 10.000 đồng thôi”.
Rồi anh cầm CMND của tôi, viết biên bản xử phạt và ra giữ xe giúp tôi để tôi ký biên bản. Sau đó anh còn góp ý cho tôi cách bó củi, cột củi trên xe sao cho không bị vi phạm nữa.
Câu chuyện này xảy ra đã lâu (từ tháng 7-2002), bây giờ có lẽ anh C. không còn mang quân hàm đại úy và không biết còn nhớ về câu chuyện đó không. Nhưng với tôi, hình ảnh và cách xử lý của anh ngày hôm đó vẫn luôn đọng mãi trong tâm trí mình. Tôi cũng đã kể câu chuyện cảm động ấy với nhiều người.
CSGT giúp đở một người bị tai nạn chuyển đến bệnh viện cấp cứu tại quận 8, TP.HCM. Ảnh: HTD
2. Từ khi biết chạy xe máy cho đến nay đã hơn 20 năm, tôi cũng đã có thêm mấy lần vi phạm giao thông nữa nhưng hầu hết để lại trong tôi là những kỷ niệm khó quên.
Vào tháng 9-2009, tôi bị phạt khi đi vào đường cấm mà không biết, tại giao lộ Cộng Hòa - Bình Giã (quận Tân Bình). Anh CSGT hỏi tôi giấy tờ xe, tôi nói không mang theo, anh nói: “Vậy thì chạy xe về kho” (trên đường Bình Giã). Tôi chạy trước, anh chạy sau, đến giao lộ Ấp Bắc - Cộng Hòa thì hai bên… lạc nhau. Tôi không biết làm sao, lại quay xe về chỗ bị thổi phạt thì thấy anh CSGT hồi nãy tiếp tục đứng làm nhiệm vụ ở đó. Tôi chạy xe tới và hỏi: “Anh ơi, có chạy xe về kho nữa không?”. Anh CSGT trả lời: “Thôi, anh về đi”. Tôi cám ơn và chạy xe về nơi làm việc.
Một lần khác, vào tháng 6-2010, sáng ấy tôi chở đứa cháu đi công việc. Tới giao lộ quốc lộ 22 - Nguyễn Văn Quá (quận 12), vì có việc gấp nên tôi đã lấn tuyến, mà đứa cháu lại không đội mũ bảo hiểm. Tôi bị thổi phạt. Tôi gọi xe ôm cho đứa cháu và nói với bác xe ôm là đi gấp kẻo không kịp. Tôi quay sang trình bày với các anh CSGT vì gia đình có việc gấp nên tôi phạm lỗi và… chỉ có CMND trong người. Anh CSGT nói tôi đứng đó, rồi họ tiếp tục thổi phạt và xử phạt những người vi phạm khác.
Khoảng 10 phút sau, một anh CSGT ra nói với tôi: “Có việc gấp thì anh đi đi!”. Tôi ngỡ ngàng hỏi lại, người CSGT đó lặp lại: “Anh đi đi, tôi nói anh không hiểu à!”. Tôi cám ơn và lên xe đi lo việc gia đình.
Và gần đây nhất là khi tôi về thăm quê, đến vòng xoay ngã ba Trạm 2 (quận 9 - Thủ Đức), thấy nhiều người đang quay xe lại khi thấy dưới cuối vòng xoay có CSGT, tôi cứ chạy xe bình thường. Một anh CSGT ra hiệu cho tôi dừng xe và cho biết tôi phạm lỗi không bật đèn xi nhan xin rẽ phải. Tôi nói vòng xoay này cua phải theo một hướng duy nhất thì sao phải bật xi nhan. Anh nói đó là quy định. Tôi nói thật sự là tôi không biết và cám ơn các anh đã chỉ dẫn. Và rồi để xong chuyện, tôi móc ví lấy ít tiền tính… lì xì năm mới cho các anh (cả nghĩa đen lẫn nghĩa… khiến bạn vừa bật cười vừa khó chịu khi đọc tới đây).
Nhưng tôi đã lầm! Lập tức các anh chặn tay tôi lại và mời tôi… tiếp tục hành trình. Khi tôi bắt tay các anh cám ơn và xin phép chạy xe tiếp, tôi nghe các anh nói: “Chúc anh thượng lộ bình an, chúc gia đình anh năm mới an khang, thịnh vượng!”.
Tôi nghĩ năm ấy mình thật sự gặp điều may mắn, suôn sẻ trong đời.
Những chuyện gặp CSGT thật sự để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó quên. Và rồi tôi vẫn cứ băn khoăn mãi về áp lực của người CSGT khi đã thổi phạt thì phải làm thủ tục xử phạt, nếu linh hoạt trước những hoàn cảnh đặc biệt hoặc lỗi phạm chỉ ở mức nhắc nhở mà không xử phạt thì luôn bị nghi ngờ tiêu cực này nọ. Song thực tế vẫn còn có nhiều những cán bộ, chiến sĩ làm việc đúng với lương tâm và trách nhiệm, xử lý công việc vừa dựa vào quy định pháp luật, vừa dựa trên hoàn cảnh vi phạm mà có cách hành xử hài hòa. Tôi nghĩ đó là cái tâm của người thi hành công vụ.
Bạn nghĩ gì về CSGT? Đã có lần nào bạn vi phạm luật giao thông? Và bạn đã làm gì khi bị CSGT thổi phạt? Bạn mong chờ điều gì khi bị thổi phạt? Nếu được tha, bạn sẽ mặc nhiên coi đó là chuyện… bình thường. Còn nếu bạn bị lập biên bản xử phạt thì đó là chuyện gây khó chịu, khiến bạn chẳng ưa gì những người trong lực lượng đã xử phạt bạn? Có bao giờ bạn suy nghĩ một cách mặc định rằng hay mình bỏ ít tiền để được cho qua? Có thể một đôi lần điều đó thành hiện thực. Có thể đồng tiền mà bạn bỏ ra đã “mua” được một anh CSGT nào đó. Và bạn vừa đắc thắng với sự khôn ngoan của mình, lại vừa tỏ ra khó chịu với người đã nhận đồng tiền của bạn. Và bạn chửi, bạn kể cho người thân, người xung quanh nghe, rằng họ đã nhận tiền như thế như thế… Họ xấu, rất đáng chê trách - bạn nghĩ, người thân bạn nghĩ và không chừng rất nhiều người trong xã hội này cũng đã nghĩ như thế. Nhưng còn bạn, bạn vừa làm cái việc gì đấy? Rõ ràng là bạn vừa bỏ tiền ra với mục đích chẳng trong sáng chút nào: Mua lấy cái sai của bạn để được đi nhanh, để được việc của bạn. Như thế đó là gì? Đó có phải là chính nghĩa, là trong sạch? Và như thế, bạn có đủ tư cách để phê phán người đã cầm đồng tiền của bạn? Chúng ta nói nhiều về CSGT, về tiêu cực của lực lượng này, về thái độ hành xử không chuẩn mực của họ. Nhưng có một điều, ít khi ta tự vấn với mình, với lương tâm của một công dân trong một nhà nước pháp quyền. Trong rất nhiều trường hợp, dường như ta đã gài bẫy họ - một số ít các anh CSGT - nói chính xác là gài bẫy lòng tham của họ, cái mà bất kỳ ai dường như cũng đều có. Bạn nói lương tâm, đạo đức công vụ và gì gì khác nữa không cho phép anh CSGT hay cán bộ nói chung nhận tiền của dân. Nhưng bạn quên một điều rằng chính bạn là người đã khơi gợi lòng tham, là người hành xử dựa trên lòng tham và mong muốn “được việc”, nói thẳng ra là người trục lợi. Như thế ai sẽ là người đáng bị chê trách trước? Hãy nói bằng lý lẽ hợp lý nhất, cho dù là trái chiều, khó nghe, về những điều bạn nghĩ về CSGT. Hoặc bạn hãy kể những câu chuyện mà bạn đã gặp, hoặc khó xử, hoặc đáng phê phán, hoặc câu chuyện đẹp về những người hằng ngày giúp bạn thoát khỏi cảnh kẹt xe, trễ giờ làm. Chúng tôi xin ghi nhận và chuyển tải đầy đủ tâm tư, tình cảm của bạn. CSGT tập huấn sơ cứu trên đường Đó là khóa tập huấn được tổ chức vào tháng 7-2014. Theo đó, hơn 500 cán bộ, chiến sĩ CSGT sẽ được tập huấn sơ cứu gãy xương, xử lý vết thương phần mềm chảy máu, cấp cứu say nắng. Đặc biệt, các chiến sĩ được tập huấn tình huống đỡ đẻ dọc đường. “Đây là khóa tập huấn rất bổ ích, giúp cho CSGT có thêm nhiều kỹ năng, kiến thức để xử lý hiệu quả, nhanh chóng những tình huống nảy sinh; không chỉ đảm bảo ATGT mà còn hỗ trợ, cứu giúp người dân khi gặp khó khăn, sự cố. Việc tập huấn những kỹ năng sơ cấp cứu người bị TNGT, sự cố, trong đó có đẻ rơi trên đường đã được CSGT nhiều nước trên thế giới triển khai. Trong tình huống các sản phụ chuyển dạ, đẻ rơi trên đường, CSGT sẽ là một trong những lực lượng tham gia đầu tiên” - Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67 Công an TP Hà Nội), cho hay. |