Năm 2011, cha mẹ tôi vay tiền làm ăn bị thua lỗ không có tiền trả nợ nên bị chủ nợ kiện ra tòa đòi tiền. Tòa án buộc cha mẹ tôi phải trả khoản nợ hơn 1 tỉ đồng và cơ quan thi hành án (THA) cho cha mẹ tôi 10 ngày để tự nguyện thi hành. Họ còn cho biết nếu hết thời gian này mà cha mẹ tôi không trả nợ thì họ sẽ kê biên bán căn nhà của chúng tôi để THA. Đây là căn nhà duy nhất mà gia đình tôi đang ở thì họ có quyền kê biên hay không?
Pham Van Tuan (sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Luật sư LÊ ĐĂNG LIỆU, Trưởng Văn phòng luật sư Lê Đăng Liệu (TP.HCM), trả lời: Theo khoản 1 Điều 45, khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về cưỡng chế THA là hết thời hạn 10 ngày (kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA hoặc được thông báo hợp lệ quyết định THA) mà người phải THA có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế.
Đồng thời, một trong các biện pháp được quy định tại Điều 71 luật trên là kê biên, xử lý tài sản của người phải THA, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
Tuy nhiên, theo Điều 95 luật này thì việc kê biên nhà ở là nơi ở duy nhất của người phải THA và gia đình chỉ được thực hiện sau khi xác định người đó không có các tài sản khác hoặc có nhưng không đủ để THA (trừ trường hợp người phải THA đồng ý kê biên nhà ở để THA).
Căn cứ vào các quy định nêu trên, cơ quan THA có quyền kê biên căn nhà duy nhất của cha mẹ bạn mà gia đình bạn đang ở để THA nếu cha mẹ bạn không có tài sản nào khác hoặc có nhưng không đủ để THA.