Có được nhờ người khác mang thai hộ?

Nay tôi muốn sử dụng đến phương pháp mang thai hộ. Xin hỏi, việc mang thai hộ hiện nay được pháp luật quy định như thế nào?

Bạn đọc VÕ HOÀNG YẾN (Bình Thạnh, TP.HCM)

Luật sư Bùi Quốc TuấnĐoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con.

Theo khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau:

- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

- Vợ chồng đang không có con chung.

- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Từ quy định vừa nêu, để được phép sử dụng phương pháp mang thai hộ, về phía chị Yến, chị cần có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về tình trạng chị không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Thêm vào đó, hai vợ chồng chị Yến phải đang không có con chung và đã được tư vấn về y tế và pháp lý liên quan đến việc mang thai hộ.

Về phía người được nhờ mang thai hộ, theo điểm a khoản 3 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, người được nhờ mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.

Ô tô trễ hạn đăng kiểm, bị xử phạt thế nào?

Do phải đi làm ăn xa nên ô tô của tôi đã trễ hạn đăng kiểm hai tháng. Xin hỏi, trễ hạn đăng kiểm như vậy có bị xử phạt không, mức phạt cụ thể như thế nào?

Bạn đọc Ngô Văn Khải (khaingo…@gmail.com)

Luật sư Lê Văn HoanĐoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 30 Nghị định 46/2016, nếu chủ phương tiện là cá nhân đưa xe cơ giới có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới một tháng tham gia giao thông thì bị phạt tiền 4-6 triệu đồng, đối với tổ chức thì phạt 8-12 triệu đồng.

Trường hợp giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng từ một tháng trở lên nhưng chủ phương tiện vẫn đưa vào lưu thông thì bị phạt tiền 6-8 triệu đồng đối với cá nhân và 12-16 triệu đồng đối với tổ chức.

Ngoài hình thức phạt tiền, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Từ các quy định vừa nêu, nếu chủ phương tiện xe cơ giới đã trễ hạn đăng kiểm xe nhưng vẫn cho xe tham gia giao thông thì mới bị xử phạt. Vì vậy, trong trường hợp của anh Khải, để tránh bị xử phạt thì anh không nên để ô tô tiếp tục lưu thông trên đường. Trường hợp cần đưa xe tới trạm đăng kiểm lại, cách tốt nhất là sử dụng phương tiện chuyên chở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm