Bắt đầu từ nội dung cuốn sách thuộc thể loại tâm lý, kỹ năng sống. Một thế giới về những ký ức của Hà Nội một thời xa vắng với những Bách hóa Tràng Tiền, ngõ nhỏ, phố nhỏ… qua con mắt của một cô bé 10 tuổi hiện lên sinh động.
Đồng cảm với những kỷ niệm ăm ắp của tuổi thơ tác giả, nhiều khách mời cũng chia sẻ tuổi thơ của mình với những kỷ niệm đẹp và khao khát quay trở lại tuổi thơ. Nhưng con cái bây giờ có cần phải sống như tuổi thơ của cha mẹ mình ngày xưa hay không? Câu hỏi này cũng là một chủ đề được đặt ra tại buổi tọa đàm.
Cuốn tự truyện Đấy là nó nghĩ thế của Trần Ngọc Anh Thư gợi lại nhiều ký ức xa xưa của Hà Nội trong con mắt một cô bé 10 tuổi.
Dù thương nhớ tuổi thơ nhưng Trần Ngọc Anh Thư cũng nêu quan điểm: Không nên áp đặt con mình phải như thế này, như thế kia. “Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc lập, một cuốn từ điển cực kỳ rộng lớn, nhiều khi bố mẹ phải học từ con cái chứ không phải dạy cho con cái. Cuộc sống bây giờ cứ bảo con ra đường đi, con bắt châu chấu, cào cào đi. Không thể như thế được” - tác giả Anh Thư nói.
Cũng theo chị Anh Thư, cha mẹ cũng không nên cấm con cái sử dụng mạng xã hội hay đọc sách mà chỉ nên kiểm soát điều đó: “Đứa bé thích đọc sách rất có tâm hồn, quan trọng kiểm soát con bạn đọc là gì” - chị Thư nói.
Chị cũng chia sẻ: "Khi biết cách yêu thương và cảm thông với những nỗi niềm, kể cả những trò “nhí nhố”, “ẩm ương” tưởng như dễ gây khó chịu của con trẻ thì mỗi bậc cha mẹ sẽ dần hun đúc cho con em mình sự tự tin, sự nỗ lực vì những điều đẹp đẽ, để từ đó chúng giữ được tâm hồn trong sáng, giàu lòng trắc ẩn. Là những người bạn thân và trung thực với con cái mình thì các con cũng sẽ tin cha mẹ chính là những người bạn thân tuyệt vời nhất.