Có nên phát triển nhà cao tầng hai bên sông Hàn?

Ngày 26-2, Pháp Luật TP.HCM có bài viết Đà Nẵng: Nhà cao tầng sẽ phá hỏng không gian đô thị, bàn về vấn đề quy hoạch, phát triển đô thị hai bên bờ sông Hàn. Các nhà quản lý và chuyên môn của Đà Nẵng đã có quan điểm khác nhau về những vấn đề được nêu trong bài.

Có định hướng nhưng chưa có thiết kế

Ông Nguyễn Văn Chương, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng đã có định hướng tùy theo diện tích đất mà bố trí tầng cao hoặc giãn mật độ xây dựng cho phù hợp. Vì vậy, theo ông, nhận định về sự phân bố các công trình cao tầng hiện nay đang gây áp lực lên sông Hàn và “có nguy cơ phá hỏng đặc điểm không gian và hoạt động trong khu vực trung tâm đô thị lịch sử do quy mô, khối tích và các chức năng mới không phù hợp” là thiếu cơ sở.

“Muốn có cơ sở phải nghiên cứu, đi thực địa dài ngày, thu thập toàn bộ dữ liệu về chiều rộng sông Hàn, vỉa hè, đường ven sông, cây xanh, khảo sát nhà cửa dọc tuyến, tham khảo ý kiến người dân… Đằng này họ chỉ mới ghi nhận thoáng qua nên cảm nhận thế thôi” - ông Chương nói. Nhưng khi được hỏi Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng đã có các cơ sở dữ liệu đó chưa, ông Chương trả lời: “Chưa có, bây giờ chúng tôi mới làm quy hoạch định hướng, đang trong quá trình nghiên cứu”.

Có nên phát triển nhà cao tầng hai bên sông Hàn? ảnh 1

Việc hình thành các công trình cao tầng hai bên bờ sông Hàn vẫn còn tự phát chứ chưa có thiết kế tổng thể. Ảnh: HẢI CHÂU

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Huỳnh Việt Thành cũng cho rằng hiện nay số lượng nhà cao tầng trên địa bàn, cụ thể là ven sông Hàn, vẫn chưa nhiều. Sông này rộng, ven sông cần tạo cảnh quan đô thị bằng các công trình cao tầng, còn đến mức nào lại là vấn đề khác. Ở các nước khác có sông như thế cũng xây dựng các công trình cao tầng mà không có vấn đề gì. Do vậy, Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục thu hút các nhà đầu tư xây dựng thêm một số công trình cao tầng ở khu vực này.

Bố trí công trình cao tầng còn tự phát

Ngược lại, KTS Huỳnh Tòa (nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam-Đà Nẵng) rất đồng tình với những vấn đề bài viết đặt ra. Theo ông, không nên quan niệm một TP hiện đại phải gắn liền với các khu nhà cao tầng. Trước mắt, Đà Nẵng cần hạn chế cao ốc ở ven sông Hàn và khu trung tâm cũ, tập trung phát triển công trình cao tầng tại một số khu vực mới để tạo điểm nhấn.

Theo ông Tòa, việc chia lô xây dựng theo từng miếng đất nhỏ hai bờ sông Hàn sẽ làm hư trục cảnh quan quan trọng nhất của đô thị Đà Nẵng. Quá trình bố trí các công trình cao tầng ở hai bờ bên sông vẫn đang thực hiện một cách đầy cảm tính, trong khi lẽ ra phải có nghiên cứu tổng thể để có từng thiết kế cụ thể.

KTS Hoàng Quang Huy, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Đà Nẵng, cũng cho rằng các cao ốc ở hai bờ sông Hàn nên được hình thành từng cụm để tạo điểm nhấn. Hình thức kiến trúc cần phải nhẹ nhàng để hài hòa với cảnh quan sông nước, đặc biệt là khai thác được cái “nền” núi Sơn Trà chứ không nên che khuất. Muốn vậy phải có thiết kế tổng thể để xác định chiều cao không gian phù hợp cho từng khu vực chứ không nên tùy tiện, phân tán. “Tiếc là đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có được thiết kế tổng thể như vậy” - ông Huy nói.

Theo KTS Huỳnh Tòa, mặc dù mỗi công trình do mỗi chủ đầu tư khác nhau nhưng về mặt quản lý đô thị thì phải thống nhất. Điều này cần đến bàn tay quản lý của các cơ quan chức năng. Sông Hàn là vốn quý nhất của Đà Nẵng, nếu cứ để tình trạng các cao ốc mọc lên một cách tủn mủn, đơn điệu như hiện nay thì chỉ chừng 5-10 năm nữa, cảnh quan đô thị sẽ “vô phương cứu chữa”.

Người ta có xu hướng đưa các công trình cao tầng vào khu vực trung tâm cũ vì đất ở đó là vàng. Các chủ đô thị cũng sẵn sàng để cho họ đầu tư vì nghĩ cơ hội đầu tư là quan trọng. Họ không hiểu rằng tạo ra không gian đô thị phù hợp trong lâu dài mới thực sự là điều quan trọng nhất.

KTS HUỲNH TÒA,nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam-Đà Nẵng

HẢI CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm