Có nên xã hội hóa Đại học Phạm Văn Đồng?

Xã hội hóa (XHH) là chủ trương đúng nhưng đừng lợi dụng biến thành tư nhân hóa. Nếu XHH các hoạt động của trường, xây dựng đề án… thì phải do chính trường thực hiện. Nhà nước không đầu tư thì để cho trường kêu gọi. Đâu phải XHH là giao hết cơ sở vật chất cho doanh nghiệp đâu”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Phạm Văn Đồng, nói về chủ trương XHH trường của chính quyền tỉnh Quảng Ngãi.

99% không đồng ý

Trường ĐH Phạm Văn Đồng (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được thành lập năm 2007, là cơ sở giáo dục ĐH thuộc UBND tỉnh Quảng Ngãi. Sau hơn 11 năm hoạt động và phát triển, tập thể nhà trường với hàng trăm cán bộ, công chức, giảng viên… đang hết sức lo lắng trước việc chính quyền Quảng Ngãi chuẩn bị XHH trường này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và nhà trường nghiên cứu nội dung đề nghị của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng (Tập đoàn Nguyễn Hoàng, viết tắt là NHG, trụ sở chính tại TP.HCM) về việc XHH đối với trường.

Mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Ngãi thành lập tổ công tác XHH Trường ĐH Phạm Văn Đồng, do ông Đặng Ngọc Dũng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) làm tổ trưởng. Việc XHH trường này đang được đốc thúc nhưng lãnh đạo nhà trường lại phản đối.

“99% là không đồng ý XHH. Chủ trương của tỉnh khiến giảng viên giỏi của trường lo cho tương lai và bắt đầu xin nghỉ việc. Đã có hai tiến sĩ giỏi du học nước ngoài về xin nghỉ rồi. Nhiều người khác cũng có ý muốn đi” - TS Vũ nói. Hai tiến sĩ mà thầy Vũ nhắc đến là những người thuộc diện đào tạo nhân lực theo đề án của tỉnh Quảng Ngãi. Họ chấp nhận bồi hoàn hàng trăm triệu đồng cho Nhà nước để ra đi khi nghe trường chuẩn bị được giao cho tư nhân.

Theo thầy Phạm Đình Chinh, giảng viên, chất lượng đào tạo tại trường được đánh giá rất cao. Đây là trường ĐH trực thuộc tỉnh đầu tiên trên cả nước được kiểm định chất lượng giáo dục. “Chúng tôi muốn biết rõ là sẽ XHH cái gì, làm như thế nào. Tất cả các văn bản phải được trường cùng bàn bạc. Chưa kể nhiều người dân từng hiến đất xây dựng trường, họ vẫn sống quanh trường, khi trường được bán cho tư nhân thì họ sẽ nghĩ thế nào?” - thầy Chinh trăn trở.

Lãnh đạo Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho rằng đây là trường công lập đào tạo đa ngành, trong đó có đào tạo sư phạm. Vì vậy, họ đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi xem xét chủ trương XHH theo cơ sở pháp lý nào và quy trình thực hiện ra sao.

Trường ĐH Phạm Văn Đồng đứng trước ngưỡng cửa xã hội hóa với nhiều sứ mệnh còn dang dở. Ảnh: TẤN VIỆT

Cần thận trọng!

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Hiệu, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi (nhiệm kỳ 2001-2006), một trong những người vận động thành lập Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho rằng tỉnh này cần thận trọng với việc XHH trường.

“Tôi nghe nhà trường rất lo lắng và tôi cũng lo lắng. XHH rồi thì lương bổng, chế độ, chính sách… của tập thể nhà trường sẽ thế nào? Họ cống hiến bao nhiêu năm cho trường rồi nên cũng nhiều tâm tư. Rồi việc XHH có đổi tên trường không, cái tên Phạm Văn Đồng rất trân quý với người dân Quảng Ngãi” - ông Hiệu nói.

Đại diện truyền thông của NHG cho biết đơn vị chưa làm việc chính thức với trường. Tuy nhiên, nếu trường được giao về NHG, đơn vị sẽ đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng để trở thành trường chuẩn như các trường khác mà tập đoàn đã sáp nhập về. Khi đó, Trường ĐH Phạm Văn Đồng sẽ thành trường tư thục. “Mọi việc đang trong quá trình đàm phán” - người này nói. 

Ông Hiệu cho hay lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi nên bàn bạc, trao đổi kỹ lưỡng với ban giám hiệu và tập thể Trường ĐH Phạm Văn Đồng. Tỉnh cần làm rõ tại sao phải XHH trường, làm thế nào, quan điểm của lãnh đạo tỉnh ra sao.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định XHH là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. XHH được trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa sẽ giúp tăng sức cạnh tranh, giảm nguồn lực chi cho nhân lực và giảm kinh phí xây dựng hạ tầng.

“Tuy nhiên, làm như thế nào, làm ở đâu và mức độ nào thì đến giờ vẫn chưa có quy định rành rọt của Chính phủ. Vì vậy, vẫn còn những trường hợp cần vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa học tập lẫn nhau nên mức độ kéo dài ra” - ông Dũng nói.

Ông Dũng đặt vấn đề: Một cơ sở nhà nước đang hoạt động kém hiệu quả thì phải tác động vào đó như thế nào để hoạt động tốt hơn, phát huy thế mạnh về nguồn lực đất đai, tài chính, nhân lực, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước nhưng lại tạo hành lang mạnh mẽ để các lực lượng xã hội có thể tham gia được.

Nói về việc nhiều người không đồng tình chủ trương XHH của tỉnh, ông Dũng cho hay tổ XHH mới chỉ được thành lập và cũng chưa kiện toàn đủ nhân sự nên chưa nói được điều gì. Tổ XHH sẽ nghiên cứu các phương án để báo cáo tập thể UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến trình Ban Thường vụ quyết định. Việc sẽ giao Trường ĐH Phạm Văn Đồng cho NHG hay đấu thầu, tỉnh chưa có quyết định cuối cùng.

Sinh viên nghèo sẽ đi về đâu?

Một trong những mục tiêu thành lập trường là cân bằng nhân lực miền núi, nông thôn. 70% sinh viên tại trường đến từ miền núi, nông thôn, chủ yếu là sinh viên nghèo, được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hằng năm trường chi 1,5 tỉ đồng cho học bổng, khoảng 3 tỉ đồng miễn giảm học phí. Nhiều sinh viên rất nghèo, không có tiền nộp học phí nhưng trường vẫn tạo điều kiện cho thi rồi tìm cách hỗ trợ sau. Nếu XHH thành trường tư thục, học phí cao hơn, những sinh viên nghèo đó sẽ đi về đâu?

Giảng viên PHẠM ĐÌNH CHINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm