Tại sự kiện “Ngày nhận biết hội chứng down” đang được tổ chức tại Hà Nội, tôi gặp nhiều phụ huynh có trẻ bị hội chứng down đưa con đến tham dự sự kiện ngày 17-3.
Tuy đến ngày 21-3 mới là Ngày thế giới nhận biết hội chứng down, nhưng sự kiện này được tổ chức sớm hơn tại Hà Nội.
TS Phạm Minh Mục, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, ngỏ lời: "Các con thân mến! Hôm nay là ngày của các con, ngày cả thế giới hướng về các con với tất cả yêu thương. Các con có gia đình, có thầy cô hết lòng chăm sóc, có bạn bè ngày ngày bên nhau..."
Lúc TS Mục ngỏ lời yêu thương, các em cùng với nhiều phụ huynh chăm chú lắng nghe
Anh Phạm Hữu Quyết có con trai bị down nói: Các con được yêu thương, được cha mẹ, xã hội bảo bọc. Anh Quyết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những chương trình, đề án sát thực hơn với tình cảnh của trẻ em bị down. Đồng thời, anh cũng mong các bậc phụ huynh có con bị down quan tâm nhiều hơn đến con mình trước nạn ấu dâm đang xảy ra.
Tại sự kiện này, mỗi trẻ em bị down sẽ được một thầy, cô giáo đồng hành để khích lệ và hướng dẫn các em tham gia hoạt động.
Thỉnh thoảng, các em không hiểu gì thì lại hỏi cô giáo hướng dẫn. Các cô đều chăm chú lắng nghe rồi giải thích cho các em hiểu.
Anh Quyết sau khi phát biểu xong, ra ngoài khuyến khích con mình là Đức Anh vào vui chơi với các bạn. Anh kể: ở lớp cháu vui chơi nhiệt tình lắm. Nhưng gặp chỗ đông người thì cháu thường chỉ ngồi quan sát. Chắc đó là niềm vui riêng của cháu.
Anh Quyết và anh Hiển lấy số điện thoại của nhau bởi họ đang ấp ủ nhiều dự định giúp đỡ trẻ bị down sau 16 tuổi. Anh Hiển kể rằng: khi anh biết Đức Vinh (con trai anh - PV) mắc hội chứng down, anh và cả gia đình đều sốc. Anh khóc nhiều đêm. Nhưng rồi anh nhận ra chính Đức Vinh đã thay đổi cuộc đời anh. "Nếu không có Đức Vinh, khéo tôi vẫn là người ích kỷ. Nhưng Đức Vinh đã đưa tôi vào thế giới yêu thương để biết vị tha hơn, nhân bản hơn với mọi người", anh Hiển nói.
Thông điệp của ngày nhận biết hội chứng down 21-3 chính là: "Em đặc biệt chứ không khác biệt"