- Con cũng thích Kpop. Hay, phù hợp với tụi con. Nhóm nào con cũng nghe, con không thần tượng riêng nhóm nhạc nào, cũng không có nhu cầu phải đi gặp thần tượng cho bằng được. Còn
chuyện khóc khi gặp thần tượng thì thiệt tình con chưa nghĩ ra.
Con cười. Mẹ cũng cười. Những gì con nói không khác những gì mẹ đoán con sẽ nói.
Với nhiều mẹ con khác, có lẽ chuyện hỏi han này là bình thường, nhưng với mẹ con mình thì đó là một quá trình đổi thay của mẹ. Nếu là thời gian trước chắc chắn sẽ không có chuyện mẹ hỏi con nghĩ gì về vụ khóc này mà sẽ nhân chuyện đó, có một bài giáo huấn đầy cứng nhắc và ức chế cho con.
Mẹ con mình từng đã không biết bao lần giận dỗi, tức tối nhau quanh các khác biệt lứa tuổi. Mẹ đã từng, phải nói là rất kỳ thị cái thể loại gọi là nhạc mà con hay nghe, hay xem. Âm điệu thì rối tung, lời thì chẳng nghe ra được là gì. Mỗi lần bắt gặp con nghe là mẹ lại chỉ trích, mỉa mai rằng mẹ nghe mà mẹ thấy mắc cỡ quá chừng mà sao tụi nó hát mà không mắc cỡ nhỉ? Con cũng chẳng chịu thua, chỉ trích loại nhạc mẹ hay nghe là già cả, lê thê, nhạc của con nghe cái là hiểu liền, nhạc của mẹ nghe phải suy nghĩ đến mệt não. Rồi thì “tụi con trẻ con thì nghe loại nhạc trẻ con này là đúng chứ, mẹ nghĩ sao giờ con vầy mà suốt ngày trầm tư nghe nhạc Tuấn Ngọc của mẹ? Mẹ có lo không?”.
Mái tóc của con một thời gian dài cũng là thủ phạm chia cách hai mẹ con mình ra hai chiến tuyến. Đối với con, việc phải đi cắt tóc là một mất mát vô cùng lớn dù mái tóc đó đã bao lâu không cắt, đã dài tới đâu. Mỗi lần mẹ bảo đi cắt tóc là con luôn kiếm lý do trì hoãn, từ cái lúc mẹ lên tiếng đầu tiên cho tới lúc đẩy được con ra tiệm thường cách nhau cả tháng. Mà có chịu ra tiệm thì khi về cái đầu con cũng chẳng khác lúc chưa cắt bao nhiêu, trước sau vẫn dài rũ rượi, mái dài che cả mắt. Ở tiệm về là con lủi ngay vào nhà tắm tránh ánh mắt tức tối hình viên đạn của mẹ.
Có lần điên quá chính mẹ hộ tống con đi cắt tóc. Ra tiệm, anh chủ tiệm trở thành nhân vật khó xử giữa hai mẹ con. Trong khi mẹ truyền đạt ý muốn con trai có một cái đầu tóc gọn gàng, chỉn chu, bảnh bao, khoe được cái vầng trán rộng thì con nhất định không. Mẹ nạt bảo ngồi im, không ý kiến. Ừ thì con không ý kiến nữa, nhưng không ngồi im, mà cứ anh chủ tiệm đưa kéo vào là con lắc lắc đầu không cho cắt, rồi nước mắt rớt ra. Rốt cục thì phía sau cái đầu con được hớt theo ý mẹ vì con không nhìn thấy phía sau, nhưng phía trước thì còn thậm thượt cho đúng ý con.
Về nhà, con tắm rửa rồi mà nhìn cái đầu mẹ vẫn ngứa mắt đòi chở con ra tiệm hớt lại. Con thuyết phục thôi mẹ để con tự đi, con hớt theo đúng ý mẹ là được chứ gì. Con đi rồi về, đầu tóc cũng chẳng suy suyển gì. Mẹ càu nhàu “thế nào chiều ba về cũng lôi con ra hớt lại cho xem”.
Y như rằng ba về là lôi con ngay ra tiệm. Con về, đầu tóc thì đúng ý ba mẹ, nhưng mặt con một trời u ám. Một thoáng, mẹ có cảm giác có lỗi với con khi nhìn vẻ bất lực, trách móc trong mắt con, nhưng cái cảm giác đó nhanh chóng bị cảm giác hài lòng khi nhìn cái đầu gọn gàng của con lấn át.
Rồi thì cũng có lần choảng nhau.
- Con đi cắt tóc cho gọn gàng đi, nghĩ sao mà cứ để cái đầu tóc như vầy? Nhìn loai choai, lóc chóc. Mẹ nói cho con biết nha, người lớn nhìn mấy đứa nhóc nhóc để đầu tóc như vầy là không có thiện cảm đâu. Con nhìn ba, nhìn chú con kìa, mẹ muốn con để tóc gọn gàng, đàng hoàng như ba như chú con chứ cứ lòe xòe thế này mẹ ngứa mắt quá.
- Sao mẹ lại so sánh con với ba, với chú? Con còn nhỏ mà, sao mẹ lại muốn con giống người lớn? Mẹ phải so sánh con với bạn bè cùng tuổi với con mới đúng chứ? Mẹ cứ thế hoài là sao, con nói cho mẹ biết nha, trong lớp con là trai
đẹp đó!!!
Trong khi mẹ đứng hình vì sự tự tin của con thì con tiếp:
- Mẹ, bây giờ con còn nhỏ thì tóc thế thôi, ai chả thế, mai mốt con lớn như ba như chú thì con sẽ khác thôi, sẽ giống ba giống chú thôi.
Ôi! Con trai mẹ.
Rồi thì mẹ cũng nhận ra mẹ đã quá thô bạo với sở thích lứa tuổi của con. Nhận ra, nhưng sửa sai không dễ. Nhưng đã sai thì khó mấy cũng phải sửa.
Bắt đầu từ chuyện nhạc. Mẹ bắt đầu cố gắng tiếp cận loại nhạc con hay nghe một cách nghiêm túc, phải nói là một sự cố gắng không hề nhỏ. Mẹ chịu khó ngồi nghe, ngồi xem các clip với con dù là thường xuyên ngồi xem, nghe trong ngơ ngác và không ít lần lén nhăn mặt. Rồi thì mẹ hiểu và chấp nhận, mẹ ngơ ngác và nhăn mặt vì đó không phải là nhạc dành cho mẹ, con nghe, xem một cách đầy vui thích, phấn khích vì đó là nhạc dành cho con. Mẹ nhận ra, con nói đúng, nhạc teen thì dành cho teen mà, người lớn như mẹ sao cứ khó chịu khi thấy teen nghe nhạc của teen? Chủ nhật tuần rồi, mẹ nói với con “Con, Sơn Tùng rút khỏi The Remix rồi đó con biết chưa?”, “Con biết rồi!”. Giọng nói của con, bên cạnh sự thất vọng vì The Remix không còn Sơn Tùng lại có một chút ấm áp vì nhận được sự sẻ chia, đặc biệt sự chia sẻ này lại là từ mẹ, người từng đứng chiến tuyến bên kia với con trong vụ này.
Biết bao lần con vòi mẹ đưa con tới một hair salon chuyên cắt tóc cho giới teen nhưng mẹ, ba lơ đi, chỉ chăm chăm chở con đến tiệm quen chuyên cắt cho ba, các chú, các bác, các ông. Lần cắt tóc gần đây nhất, ba mẹ quyết định đưa con tới hair salon anh họ con hay cắt, mấy nhóc thợ cũng chỉ nhỉnh hơn con vài tuổi. Cả nhà trở qua quán nước đối diện ngồi chờ sau khi đưa con vào tiệm.
Chờ mòn mỏi gần một tiếng đồng hồ con mới xong và bước qua. Ngẩng lên nhìn con, suýt xíu nữa mẹ không kìm được thắc mắc: trời đất, gần một tiếng đồng hồ, tụi nó hớt cái gì mà nhìn cái đầu gần như y nguyên vầy nè? Vẫn cái mái dài che hết trán, hết cả mắt. Nhưng nhìn vào khuôn mặt nhẹ nhõm, ánh mắt hài lòng của con mẹ biết mẹ đã làm đúng khi cố kiềm cái thắc mắc tưởng có lý của mẹ mà vô lý với con.
Ừ thì mẹ sẽ còn cố gắng dài dài để không còn vô lý bắt con trai
tuổi teen của mẹ phải thế này, thế nọ, thế kia, không được thế này, không được thế nọ, không được thế kia cho đúng với chuẩn mực của người lớn là mẹ...