1. Sợ mẹ chồng mắng mỏ
Ngay khi Hương còn bé tí, mẹ cô đã dạy con nấu ăn, giặt ủi, lau nhà với những câu nói đầy đe dọa: "mày không biết làm mai này mẹ chồng lại mắng mẹ không biết dạy con".
Hương học một cách đối phó và rất bực bội với suy nghĩ "Tại sao mình phải hầu hạ phục dịch người khác không họ hàng gì với mình? Sau này mình không lấy chồng là xong, mắc gì phải học?. Tại sao mẹ chồng lại có quyền mắng chửi mẹ ruột mình?".
Có lúc Hương nói thẳng suy nghĩ đó cho mẹ nghe thì mẹ Hương lại ca một bài dài: "Ôi con ơi, con gái là con người ta. Phận làm phụ nữ sinh ra đã phải chịu thiệt thòi rồi. Xưa nay mẹ chồng không làm không sao, con dâu mà vụng về chút thì bố mẹ ruột bị mắng ngay. Bà nội mày ngày xưa đày ải mẹ biết bao nhiêu, mẹ mà cãi lại là đã bị đuổi khỏi nhà rồi".
Hương cứ nhìn cuộc đời làm dâu đầy nước mắt của mẹ mà sợ lấy chồng. Hơn 30 tuổi, mẹ Hương quýnh quáng lo con gái ế, còn Hương cứ dửng dưng như không. Cô chuyển lên thành phố vừa làm vừa học văn bằng hai. Công việc áp lực khiến cô luôn stress. Một hôm cô bị xuất huyết bao tử, nằm bẹp trong bệnh viện. Mẹ cô lên chăm con gái, lại rầu rĩ than thở việc cô sống một mình, sau này có tuổi, lỡ bệnh chết cũng không ai hay. Bà lại nỉ non con gái phải tìm ai đó để kết hôn. Hương nằm nghe nước mắt chỉ chảy dài, không trả lời câu nào.
Mẹ về quê, Hương được dì đón về nhà chăm bệnh. Dì Hương sống vui vẻ nhẹ nhàng, nấu nhiều món rất ngon. Hương học theo và nấu ăn lên tay thấy rõ. Cô tâm sự với dì: "Hồi xưa con ghét học nấu ăn vì mẹ luôn vừa dạy con vừa đe doạ, mỗi lần vô bếp là nghe điệp khúc đó, con mệt lắm dì ơi. Nếu đừng phải học vì nhà chồng, có khi nay con làm đầu bếp rồi đó".
Nhìn cuộc sống của mẹ từng khổ sở vì bên nội xéo xắt, lại bị những lời mẹ dạy ám ảnh tâm trí, Hương hoảng sợ khi nghe hai từ "kết hôn".
2. Bị ám thị "con gái phải chịu thiệt thòi"
Một cô em họ của Hương, tên Hằng, cũng được mẹ dạy y lời như mẹ Hương, rằng con gái sinh ra đã chịu thiệt thòi, phải lo làm việc nhà cho giỏi kẻo bị nhà chồng chê trách.
2. Bị ám thị "con gái phải chịu thiệt thòi"
Một cô em họ của Hương, tên Hằng, cũng được mẹ dạy y lời như mẹ Hương, rằng con gái sinh ra đã chịu thiệt thòi, phải lo làm việc nhà cho giỏi kẻo bị nhà chồng chê trách.
Hằng tính tình yếu đuối, phụ thuộc. 25 tuổi, cô lấy chồng. Bố mẹ cô hài lòng vì gia đình chồng rất khá giả, bố mẹ chồng tỏ vẻ rất yêu quý dâu. Họ hứa sẽ tạo điều kiện cho đôi trẻ ra riêng làm ăn.
Thời gian đầu về nhà chồng, cô làm hết mọi việc trong nhà. Bố mẹ chồng luôn khen cô giỏi giang tháo vát. Tuy nhiên, dần dần mọi việc lớn nhỏ đều đến tay Hằng khiến cô quá tải. Trước đây mẹ chồng cô còn nấu bữa sáng, sau bà giao hẳn cho cô để đi tập thể dục với hội bạn. Hằng bù đầu với việc cơ quan, việc nhà. Hai người cháu ruột của mẹ chồng lên ở chung nhà cũng dồn hết việc cho Hằng. Có lần Hằng nhắc thì mẹ chồng bênh cháu. Dần dần, Hằng mệt mỏi và hay cáu gắt với chồng.
Một hôm, Hằng nhắc chồng về lời hứa của cha mẹ chồng tạo điều kiện ra riêng. Chồng cô thưa với bố mẹ, tức thì mẹ anh gạt đi, khóc lóc. Chồng Hằng quyết định không ra riêng nữa. Cô gọi cho mẹ ruột kể nỗi khổ của mình. Mẹ Hằng lại mắng: "Ai lấy chồng chẳng phải làm dâu, con làm thêm tí có chết đâu".
Nhà chồng Hằng mở thêm việc kinh doanh, Hằng càng bận rộn hơn. Cô gần như kiệt sức và không còn thiết tha chuyện chăn gối với chồng. Một thời gian sau, Hằng phát hiện anh có cô gái khác bên ngoài.
Đau đớn, rã rời, Hằng muốn ly thân, mẹ ruột cô lại gọi điện thoại mắng tới tấp, rằng "Ngày xưa bố mày cũng trăng hoa, tao mà cũng như mày thì chúng mày đã mồ côi bố lâu rồi. Phụ nữ phải nhường nhịn, chịu thiệt thòi tí, bỏ chồng mang tiếng lắm".
Nghe mẹ nói, Hằng không đủ can đảm bước ra khỏi cuộc hôn nhân buồn bã. Hàng ngày cô vẫn gồng mình gánh vác mọi việc trong nhà chồng mà không có niềm vui nào nương tựa.
Người Hằng có thể tâm sự là Hương. Hương nói với Hằng: "Các bà mẹ của chúng ta dạy con gái vậy nên chúng ta mới khổ đó. Khi em không thể làm cho em hạnh phúc thì không ai giúp được em đâu".