Cơn động kinh đe dọa mạng sống nữ sinh 16 tuổi, người cha đơn thân cầu cứu

(PLO)- Lên cơn động kinh khi đang mò cua bắt ốc ở cánh đồng ngoại thành Hà Nội, cô bé 16 tuổi ngã úp mặt xuống bùn, ngạt thở, rồi đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngồi bên giường bệnh của con gái tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Thanh Nhàn, anh Nguyễn Văn Châu không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt.

Đã tròn 43 ngày anh không rời bệnh viện dù chỉ một bước, vì phải đồng hành với con gái lớn mới vừa trải qua chuỗi ngày giành giật sự sống.

cơn động kinh.jpg
Anh Nguyễn Văn Châu cùng con gái Nguyễn Thị Thúy Vân tại khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: TT

Vợ mất năm 2019 do bị sét đánh, một mình anh Châu làm đủ nghề để lo cho 3 con, khi thì phụ hồ, bốc vác, lúc lại mò cua bắt ốc trên những cánh đồng quê nhà huyện Phú Xuyên, Hà Nội, nên kinh tế gia đình vô cùng khó khăn.

Chia sẻ gánh nặng cùng bố, con gái lớn Nguyễn Thị Thúy Vân, khi ấy mới 11 tuổi, đã bắt đầu theo bố ra đồng, nhặt nhạnh trang trải cuộc sống.

Nhưng vận rủi vẫn không buông tha bốn bố con. Năm 2022, Vân được phát hiện mắc bệnh động kinh. Suốt mấy năm nay, để kiểm soát các cơn co giật, em phải dùng thuốc liên tục. May thì khỏe, không may thì có tháng vẫn lên cơn động kinh 2-3 lần.

Dù vậy, trong vai trò chị cả của đàn em mồ côi mẹ, mỗi khi được nghỉ học, Vân đều ra đồng mò cua bắt ốc hoặc trồng rau để phụ giúp bố.

Buổi sáng cuối tháng 5 rồi cũng vậy. Vừa được nghỉ hè, Vân cùng em gái kém 3 tuổi ra đồng bắt ốc. Không may, Vân lên cơn động kinh rồi ngã xuống bùn khiến phổi bị nhiễm khuẩn nặng, mê man.

Thấy con gái ngã úp mặt xuống bùn, anh Châu đang ở gần đó chạy vội đến.

“Lúc ấy vào khoảng 9 giờ, khi tôi nhấc lên, người cháu đã mềm nhũn, tím tái, không còn biết gì” - anh Châu nhớ lại.

Vân được sơ cứu tại Trạm Y tế xã, sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế huyện, rồi chuyển tuyến trên là Bệnh viện Thanh Nhàn ngay trong buổi chiều cùng ngày 30-5.

“Tôi đưa con nhập viện nhưng không có tiền, may mắn được bệnh viện hỗ trợ kinh phí và kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Tôi cũng nhờ cậy hết anh em họ hàng, ai giúp được đồng nào hay đồng đấy. Suốt cả tháng nay tôi ăn cơm của các đoàn từ thiện” - anh Châu chia sẻ với PLO.

cơn động kinh 1.jpg
Sau 6 tuần được điều trị, hiện Vân đã tỉnh táo, có thể giao tiếp. Ảnh: TT

Kể về bệnh nhân của mình, bác sĩ Nguyễn Tài Đạt cho biết em Vân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, viêm phổi rất nặng, cùng với bệnh lý nền động kinh sẵn có, nguy cơ tử vong rất cao. Các chuyên khoa của bệnh viện đã hội chẩn để đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

"Nhưng thời điểm đó chúng tôi cũng phải trao đổi rõ với người nhà về tiên lượng xấu của cháu” - bác sĩ Đạt cho biết.

Do cả hai phổi của Vân đều bị tổn thương nặng do sặc bùn, với nhiều vi khuẩn xâm nhập. Em lại thường xuyên lên cơn co giật, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, khả năng phục hồi chậm.

“Một trong những rào cản lớn nhất đối với bệnh nhân này còn là vấn đề kinh phí. Bởi với tình trạng của người bệnh, có nguy cơ phải dùng đến những kỹ thuật cao, phức tạp như oxy hóa màng ngoài cơ thể, rất tốn kém” - bác sĩ Đạt cho biết.

Trước tình cảnh éo le của gia đình anh Châu, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Thanh Nhàn đã trao đổi với người nhà để tìm nguồn hỗ trợ viện phí. Với các kênh công tác xã hội, gia đình cũng đã nhận được nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Đến nay, sau nhiều tuần kêu gọi, số tiền được ủng hộ là khoảng 700 triệu đồng.

cơn động kinh 2.jpg
Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân nặng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, cần sự hỗ trợ của các mạnh thường quân. Ảnh: TT

Có tiền để trang trải chi phí cho các kỹ thuật điều trị đắt đỏ, dần dần, sau nhiều tuần điều trị tích cực, Vân bắt đầu có đáp ứng, hồi phục dần.

Nhớ về khoảnh khắc khi con gái tỉnh lại, anh Châu rưng rưng: “Tôi thậm chí đã chuẩn bị sẵn tinh thần là mất con rồi. Khi thấy con tỉnh lại, tôi mừng vô cùng và biết ơn các bác sĩ, các nhà hảo tâm đã giúp con tôi được sinh ra thêm một lần nữa”.

Theo bác sĩ Đạt, hiện tình trạng của Vân đã cải thiện nhiều. Em tỉnh táo, có thể giao tiếp và bắt đầu được hướng dẫn tập phục hồi chức năng. Tuy nhiên, sau biến cố này, cùng với bệnh động kinh sẵn có, sau này em sẽ cần theo dõi liên tục, ít nhất là trong vòng 1 năm đầu tiên.

“Chúng tôi lo nhất là tổn thương phổi. Hi vọng sẽ không gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của cháu sau này” - bác sĩ Đạt nói.

Chia sẻ với phóng viên về điều mong mỏi nhất sau khi tỉnh lại, Vân bảo, chỉ thấy nhớ nhà, muốn về đi học và về nhà với các em.

“Lúc tỉnh lại, em không biết mình đang ở đâu, chỉ thấy sợ. Bây giờ thì em chỉ mong sớm được về nhà, nấu cơm cho bố và các em. Ước mơ của em là trở thành đầu bếp” -cô bé 16 tuổi tâm sự.

Bệnh viện Thanh Nhàn kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân cho người bệnh Nguyễn Thị Thúy Vân.

Mọi sự ủng hộ xin vui lòng liên hệ:

1. Ths. Bùi Thị Hồng - Trưởng phòng Công Tác xã hội, số điện thoại: 0912.525.363.

2. Chị Nguyễn Thị Phong Lan - Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực, số điện thoại: 0981.522.251.

3. Chuyển vào tài khoản Bệnh viện Thanh Nhàn: 1011276288 - Ngân hàng SHB, Chi nhánh Tây Hà Nội, Phòng Giao dịch Xuân Thủy. Ghi rõ nội dung chuyển khoản: ung ho BN Nguyen Thi Thuy Van - khoa HSTC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm