Công an, quân đội phối hợp đưa cả ngàn người về quê miền Tây

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến sáng ngày 1-10, lực lượng chức năng phối hợp đã tổ chức xét nghiệm nhanh, hỗ trợ đưa người dân về quê bằng xe ô tô.

Chuyến trở về của những người không trụ lại được

Đến trưa ngày 1-10, lực lượng chức năng gồm nhiều đơn vị ở TP.HCM cùng phối hợp, tổ chức đưa hàng ngàn người dân “mắc kẹt” ở khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và tỉnh Long An về quê.

Theo đó, từ chiều tối ngày 30-9, hàng ngàn người dân ở TP.HCM tập trung trở về quê các tỉnh miền Tây trên Quốc lộ 1A.

Ông Tiêu Thành Ngô (50 tuổi, quê Vĩnh Long) cho biết mình làm thợ hồ, lên TP.HCM mưu sinh nhưng mất việc nhiều tháng, tiền bạc cạn kiệt nên chỉ còn cách về quê. Ảnh NT

Đến địa phận TT Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM, tất cả đều bị chặn lại tại các chốt kiểm soát. Hàng ngàn người vạ vật, nằm ngồi khắp nơi và chấp nhận nhịn đói để chờ đến sáng hôm sau. Họ đều là người mất việc làm đã ba đến bốn tháng nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Lực lượng chức năng ra sức vận động người dân quay trở lại nơi xuất phát nhưng không thành.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa (quê Bạc Liêu) cùng vợ nằm ngồi vạ vật trên tấm vải mỏng trải tạm giữa đường cho đỡ mệt. Hai vợ chồng xuất phát từ 8 giờ sáng ngày 30-9 đến tận sáng ngày 1-10 để mong cơ hội về quê.

Trong lúc đó, đến trưa cùng ngày, cả ngàn người dân vẫn chờ đợi để được về quê đoạn qua TT Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh NT

“Hai vợ chồng tôi lên TP.HCM làm thợ hồ nhưng đã mất việc làm đã bốn tháng nay. Tiền bạc không còn, nhiều lần xin về quê không được nên không thể chịu nổi” – ông Nghĩa nói và cho biết riêng tiền trọ bốn tháng đã mất 8 triệu đồng.

Ông Nghĩa cũng thông tin, hai vợ chồng đã được chính quyền nơi cư trú hỗ trợ 1,5 triệu đồng, tuy nhiên, như muối bỏ bể. “Tôi ra đây nằm chờ được về cũng buồn lắm, nhưng thực sự không còn cách nào khác. Chờ hết dịch, có công việc thì chúng tôi mới lên kiếm việc làm lại chứ vậy không sống nổi” – ông buồn bã nói.

Ghi nhận, sáng và trưa ngày 1-10, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, lực lượng thuộc Quân khu 7, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM… đều có mặt ở khu vực để phối hợp, chỉ đạo việc tổ chức, đưa người dân về quê bằng xe ô tô.

Người dân được lực lượng chức năng chia thành từng nhóm cùng quê để sắp xếp lên các xe khách. Ảnh NT

Từ khu vực giao lộ đường Nguyễn Đoàn Tuấn kéo dài hàng trăm mét hướng về Tỉnh Long An, nhiều lực lượng thuộc cả quân đội, công an chia thành từng tổ, có chặn cả hàng rào thép gai để hướng dẫn cho người dân sắp xếp trật tự, đảm bảo chống dịch.

Lực lượng chức năng yêu cầu người dân tập trung theo từng nhóm cùng nơi cư ngụ với nhau. Đồng thời các nhân viên y tế phát phiếu để xét nghiệm, sàng lọc đối với tất cả mọi người.

Giữa trưa nắng, hàng ngàn người dân tập trung thành từng nhóm nhỏ. Họ lỉnh kỉnh đồ đạc mang theo như quạt, ổ cắm, nồi cơm, bát đũa và cả chó mèo… Tất cả đều đã trả phòng trọ và lựa chọn về quê và chủ trọ cũng không chấp nhận cho quay lại.

Người dân mang theo đồ đạc, con nhỏ cùng trở về quê ở miền Tây. Ảnh NT

Anh Lâm Quốc Hùng (40 tuổi, quê Kiên Giang) cho biết mình lên đường về quê vào lúc 5 giờ sáng. “Tôi mắc kẹt ở TP đã bốn tháng nay, tiền bạc không còn. Vợ con, gia đình ở quê hết. Mất việc làm, tiền không có nên chỉ có thể quay về” – anh Hùng cho biết. 

Giữa trưa nắng gắt, chị Trần Ngọc Lài (31 tuổi, quê Vĩnh Long) chở theo con gái nhỏ trên chiếc xe đạp. Sau khi được test nhanh COVID-19, chị Lài cho biết mình đang trên đường đạp xe về quê.

“Tôi ở quê lên TP.HCM làm xưởng gỗ rồi về quê lại. Mới đây tôi quay lên để lấy tiền công người ta còn thiếu và bị mắc kẹt trên này” – chị Lài cho biết.

Họ bắt đầu xuất phát từ nhiều nơi, khi đến các chốt kiểm soát trên đường Quốc lộ 1 thì kẹt lại. Ảnh NT

Chị Lài cùng con gái sống nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người nhưng không thể bám trụ được. Trong khi đó “chồng tôi ở quê đi làm không có ai nấu cho ăn hết. Và con gái thì mùng sáu tây tới đây đi học, phải về”.

Người phụ nữ 31 tuổi từ 11 giờ trưa ngày 30-9 đạp xe dọc Quốc lộ 1 để về, tuy nhiên đến chốt thì bị chặn lại. “Tôi biết không được đi về quê. Nhưng phải đi, đi tới đâu nghỉ tới đó, gặp chốt thì năn nỉ xin cho qua. Có người còn cho tôi ít tiền. Từ hôm qua đến giờ tôi chưa ăn gì, con gái thì được cho sữa" – chị Lài nói.

Trong lúc đó, giữa trời nắng, con gái chị Lài ngồi sau xe liên tục đòi mẹ vì trời nắng, nóng.

Trong dòng người đổ xô về quê có cả F0

Lực lượng công an, CSCĐ, bộ đội… cùng phối hợp, hướng dẫn người dân sắp xếp thành từng nhóm nhỏ. Một khu vực được lực lượng y tế tổ chức xét nghiệm, tất cả người dân đi qua đều được lấy mẫu test nhanh COVID-19.

Ông Võ Quốc Huy, nhân viên Trạm Y tế Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh cho biết, có gần 20 người thuộc đội ngũ y tế có mặt ở hiện trường từ sáng sớm để hỗ trợ công tác xét nghiệm cho người dân.

Lực lượng y tế test nhanh COVID-19 cho người dân. Ảnh NT

Theo đó, năm đội, mỗi đội có bốn người được thành lập chia nhóm test nhanh cho dân. “Trường hợp phát hiện ca dương thì chúng tôi phối hợp với y tế tại nơi cư ngụ để đưa về. Sau đó có hướng dẫn đưa cách ly theo điều kiện ở nhà hoặc đi cách ly tập trung” – ông Huy nói.

Đến trưa cùng ngày, tổ test nhanh tại hiện trường phát hiện một ca dương tính là một người phụ nữ. Người phụ nữ và bạn đồng hành sau đó được tách riêng, lực lượng chức năng sau đó phối hợp cho xe chở về nơi cư ngụ và lực lượng y tế địa phương sẽ hướng dẫn tiếp theo cho người dân.

Đến trưa cùng ngày, một mẫu test nhanh đã cho kết quả dương tính với COVID-19. Ảnh NT

Người dân sau khi test nhanh COVID-19 thì được vượt qua khu vực đầu tiên để đến khu vực có phương tiện đợi sẵn để được tổ chức lên từng chuyến xe phù hợp.

Theo một nhân viên y tế, công tác xét nghiệm cơ bản trôi chảy do sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị. “Với những người dân có kết quả xét nghiệm âm tính trong thời gian là 72 giờ trở xuống tính từ thời điểm xét nghiệm thì chúng tôi cho qua, không cần xét nghiệm lại. Còn lại tất cả đều phải được xét nghiệm, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi vaccine” – người này nói.

Hỗ trợ cho người dân trở về quê

Sáng ngày 1-10, lực lượng chức năng đã huy động hàng chục phương tiện gồm cả xe khách, xe tải, xe hỗ trợ chống dịch của quân đội để đưa tất cả người dân về quê.

Công an, quân sự cùng hướng dẫn, phân chia người dân thành từng nhóm nhỏ, cùng quê để dễ dàng cho việc tổ chức.

Lực lượng quân đội cùng phối hợp đưa người dân về quê. Ảnh NT

Ghi nhận, có một xe khách hoặc xe buýt được sắp xếp cùng hai xe tải xếp thành hàng dọc Quốc lộ 1. Xe máy, đồ đạc vật dụng của người dân được đưa lên các xe tải quân sự.

Riêng bà con được đưa lên các xe khách để di chuyển đến tận các địa phương nơi cư ngụ.

Giữa trời trưa nắng, anh Lâm Quốc Hùng (40 tuổi) và nhiều người khác cùng quê Kiên Giang hò reo, cảm ơn lực lượng công an, quân đội đã giúp đỡ để họ được trở về quê bằng xe ô tô.

“Tôi có biết việc không được tự ý về như vậy nhưng không còn cách nào khác. Giờ được về với vợ con sau nhiều tháng trời thực sự sung sướng, xúc động. Xin cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho đoàn về miền tây, xin mang ơn” – anh Hùng nói.

Xe máy, đồ đạc của người dân được đưa lên các xe tải. Ảnh NT

Ông Lê Thanh Bình (47 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng cho biết có nắm thông tin không được tự ý về quê bằng xe máy nhưng: “Thiếu ăn mấy tháng trời rồi. Tôi đợi từ 12 giờ khuya tới nay ở đây để chờ được về, không về được thì không biết làm sao. Khi đi qua đây phải test xong rồi đi xe đò về. Tôi rất vui” – ông Bình nói.

Theo thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó trưởng Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC08), Công an TP.HCM - cho biết hiện đang phối hợp với quân đội cùng đưa người dân về quê.

Tuy nhiên, ông Quới cũng cảnh báo người dân sau khi TP thực hiện việc nới lỏng giãn cách xã hội sau ngày 30-9 thì người dân cũng không được tự ý về các tỉnh thành.

Người dân cùng xe máy, đồ đạc được đưa tận nơi về quê. Ảnh NT

“Điều này nhằm phòng tránh, đảm bảo không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn các tỉnh. Hiện nay mức độ tiêm vaccine bao phủ các tỉnh thành chưa đồng đều nhau. Do đó, nếu bà con đi về quê sẽ lây lan dịch bệnh cho bản thân mình, cho người thân của mình. Điều này nguy hiểm đến tính mạng, dễ dàng bùng phát dịch bệnh ở các tỉnh nên người dân lưu ý” – thượng tá Quới nói.

Theo ông Quới, hiện nay UBND TP tiếp tục có gói an sinh xã hội để giúp đỡ cho người dân và tạo công ăn việc làm nên bà con hãy yên tâm ở lại TP làm việc.

Đến đầu giờ chiều cùng ngày, công tác sắp xếp cho người dân về quê vẫn đang được lực lượng chức năng triển khai. Ảnh NT

“Các đơn vị doanh nghiệp cũng đã mở cửa, tiếp nhận công nhân để làm việc. Đề nghị bà con an tâm ở lại TP. chính quyền địa phương sẽ tổ chức an sinh trong thời gian tới” – ông Quới tiếp.

Đại diện lãnh đạo Phòng PC08 cũng cho biết, với người dân muốn về quê thì đăng ký danh sách để phía sở GTVT phối hợp với từng địa phương để đưa về quê. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm