Cựu Chủ tịch CLB Long An, ông Võ Thành Nhiệm, dù rất yêu bóng đá nhưng vẫn dũng cảm từ chức vì hành động thiếu kiềm chế của mình đã gây hại cho những người liên quan. Đấy là một quyết định đau đớn của ông Nhiệm bởi từ thời anh trai Võ Quốc Thắng làm bóng đá, trận nào ông cũng rong ruổi theo đội như một cổ động viên thứ thiệt. Gần 20 năm lăn lộn với bóng đá Long An giờ phải nói lời giã biệt, ông đau lắm chứ.
Ông Nhiệm làm sai và dám chịu, khác hẳn với rất nhiều người làm bóng đá “cố đấm ăn xôi” và tự cho mình cái quyền đương nhiên bất khả xâm phạm. Chẳng hạn SL Nghệ An vẫn chờ một kết luận thẳng thắn của ban tổ chức về việc trọng tài “tặng” cho đội khách một bàn thắng dẫn đến việc họ mất điểm. Hay như sai phạm của ông phó ban trọng tài sau lần mổ băng rồi công khai nhận định cầu thủ Samson liều lĩnh nhưng vô tội và vẫn bình chân như vại đi làm giám sát trọng tài thì ai còn tin vào sự chuẩn mực.
Ông Nhiệm (giữa) nhận sai và từ chức nhưng còn bao nhiêu người làm hại nền bóng đá và thiếu minh bạch trong điều hành vẫn còn nhởn nhơ giữ ghế và tiếp tục làm xấu đến nền bóng đá nước nhà? Ảnh: XUÂN HUY
Thậm chí sự cố xảy ra trên sân Thống Nhất diễn ra trước mặt ông Trưởng ban Tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc. Trận đấu đi từ diễn biến này sang diễn biến khác, thế nhưng ông trưởng giải vẫn yên vị, không có bất kỳ phản ứng hay chỉ đạo nào để ngăn lửa. Thế mà cũng chẳng ai đề cập đến trách nhiệm của người có quyền cao nhất ở giải đấu. Đã vậy ông còn “đổ dầu vào lửa” phát biểu rằng “Tôi ở trên sân thấy trọng tài đúng…”.
Đội bóng sai bị xử phạt thẳng tay, còn việc mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến cái sai của họ chẳng ai chịu tìm hiểu để chấn chỉnh cho cuộc chơi tốt hơn. Bên cạnh đó, cách xử lý của các nhà làm bóng đá theo kiểu bên trọng, bên khinh đã khiến cho dư luận bất bình.
Ban Trọng tài VFF lấy cớ quy định FIFA không tiết lộ những vấn đề thuộc về chuyên môn của trọng tài để che giấu nguyên nhân sai sót dẫn đến sự cố, như vụ trên sân Thống Nhất ngày 19-2. Điều này khiến cho người trong cuộc bất phục và có quyền nghi ngờ án phạt cho Long An bị đẩy lên cao nhằm thể hiện sự nghiêm minh sau nhiều lần niềm tin đổ vỡ.
Có ai giải mã thuyết phục về một đội bóng “hai lúa” như Long An ngoài chữ “dại” mà những nhà làm bóng đá hay nói?
Nên nhớ trước Long An đã có những đội phản ứng nhưng không quá đà theo kiểu giận quá mất khôn. Thậm chí đến Chủ tịch CLB SL Nghệ An Nguyễn Hồng Thanh vừa là thành viên VFF lẫn VPF thế mà vẫn để đội bóng mình kiện cáo, khiếu nại dù biết như thế là không đúng luật. Họ kiện rồi lên tiếng là để tìm sự công bằng vì đội bóng của mình vốn nghèo và cạn kiệt về tài chính. Điều này càng làm tăng thêm mối nghi ngờ vì sao cứ những đội khó khăn về tài chính và thắt lưng buộc bụng thì hay phản ứng với ban tổ chức khi cho rằng mình bị ép và bị thua oan (và đã có đội bị thua oan thật).
Xử đội Long An thì không sai nhưng nên công bằng với tất cả. Và hơn hết VFF cần chứng tỏ sự minh bạch trong công tác điều hành để trả lại niềm tin.
Án phạt nhiều, vi phạm không giảm Từ đầu mùa đến nay Ban Kỷ luật VFF đã đưa ra nhiều án phạt nhưng không vì thế mà vi phạm giảm. Ngược lại, sân cỏ ngày càng xấu xí bởi người trong cuộc không cảm nhận đầy đủ sự sòng phẳng trong cách xử lý vi phạm. Ví như sự cố chiều 19-2 trên sân Thống Nhất, ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc ngay sau trận đấu đã xác định trọng tài Nguyễn Trọng Thư xử lý đúng ở pha bóng dẫn đến hỗn loạn, dù góc nhìn từ trên cao của ông không thể rõ ràng như những người ở gần tình huống ấy. Sự định hướng và cách giải quyết sự cố cảm tính, thiếu thuyết phục cũng là nguyên nhân làm cho sân cỏ không còn sự công bằng. |