Trước đó không lâu, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã có buổi làm việc với đại diện của tập đoàn Amazon tại Hà Nội. Theo đó, với tốc độ phát triển thương mại điện tử như hiện nay (khoảng 25%), Việt Nam đang là thị trường tiềm năng và được Amazon để mắt đến.
Trước đó, Amazon đã đầu tư vào các khu vực trọng điểm như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và sắp tới đây sẽ là các thị trường mới nổi tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Có thể nói, việc mở rộng thị trường và thành lập văn phòng tại Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể xuất hàng lên Amazon. Thêm vào đó, nhiều khả năng người dùng cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc mua hàng trên Amazon.
Để có được thành công như ngày hôm nay, Jeff Bezos, Giám đốc điều hành của Amazon đã không ngừng đổi mới và áp dụng công nghệ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng. Đồng thời Amazon cũng thường xuyên mua lại các công ty nhỏ có khả năng phát triển để mở rộng hệ sinh thái, cung cấp sản phẩm đa dạng hơn, tiện lợi tối đa và với chi phí thấp nhất.
Anh Nguyễn Minh Trung, một giáo viên tại TP.HCM, cho biết: “Việc Amazon nhảy vào thị trường Việt Nam sẽ khiến một số ông lớn phải dè chừng, đơn cử như Lazada, Tiki, Sendo… Tất nhiên, đây cũng là cơ hội cho doanh nghiệp và người dùng tiếp cận với hàng trên Amazon dễ dàng hơn”.
Tương tự, anh Nguyễn Triết Học, nhân viên IT của một công ty tại TP.HCM chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều người đã mong Amazon nhảy vào Việt Nam từ lâu, bởi việc mua hàng ở nước ngoài mà cụ thể là Amazon thường khá khó đối với một người dùng thông thường. Do đó, họ phải nhờ các dịch vụ mua hộ và chịu tốn thêm một khoản phí. Ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp, hy vọng trong thời gian tới Amazon sẽ mở rộng hỗ trợ người dùng cá nhân để tạo điều kiện mua sắm dễ hơn”.
Có thể thấy, nhiều người dùng khá hào hứng với việc Amazon nhảy vào thị trường Việt Nam, bởi điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh mới về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và giá cả. Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ tăng khả năng mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hóa lên Amazon.