Mẫu số chung của những nhà cầm quân này là sử dụng vừa phải những “con gà” mới lớn. Thậm chí “nhốt” trên băng ghế dự bị để tạo ức chế và sau đó khi được tung vào sân thì… bùng nổ và giải phóng năng lượng.
HLV Toshiya Miura không khó xử khi “nhốt” Công Phượng bởi ông có cách sử dụng nhân tài đặc biệt là cầu thủ trẻ theo cách riêng của mình chứ không theo sở thích của dư luận. Chuyện Công Phượng được gọi lên tuyển và có chân trong cả hai đội tuyển là một việc làm quá ưu ái của ông thầy Nhật với tiền đạo này rồi. Còn việc sử dụng khi nào thì đó là tinh thần trách nhiệm của một HLV đối với một cầu thủ trẻ chứ không phải cứ tung vào sân là thương còn “nhốt” trên băng ghế dự bị là… đì.
13 năm trước, HLV Calisto từng gọi tiền đạo Văn Quyến lên đội tuyển Việt Nam lúc cầu thủ này 18 tuổi để dự Tiger Cup 2002 (giải vô địch Đông Nam Á). Quyến được tập luyện bên cạnh những đàn anh là “cây đa cây đề” như Huỳnh Đức, Huỳnh Hồng Sơn, Ngô Quang Trường, Đặng Phương Nam… Và Quyến trên sân tập miệt mài nhưng lúc nào cũng ngồi trên băng ghế dự bị. Họa hoằn Quyến được tung vào sân khi trận đấu đã ngã ngũ về mặt tỉ số…
Công Phượng (phải) làm quen với môi trường đội tuyển và cả trên ghế dự bị là một phép tính có hậu của HLV Miura. Ảnh: QUANG THẮNG
HLV Miura bây giờ dùng Công Phượng cũng chẳng khác HLV Calisto dùng cầu thủ trẻ Văn Quyến 13 năm về trước. Nếu một cầu thủ trẻ mà được gặt sớm và ra sân quá sớm ở đội tuyển quốc gia trong điều kiện chưa chín muồi lại được dư luận “bơm” lên quá nhiều để đá cặp với Công Vinh thì đấy chính là con dao hai lưỡi.
Rõ ràng Công Phượng là một tài năng trẻ nhưng còn rất thiếu kinh nghiệm và việc được đưa lên đội tuyển để thẩm thấu để có những cảm nhận về đội tuyển với các cầu thủ đàn anh sẽ tốt hơn là để tung ra và được dùng như “gà chiến” trong sự tâng bốc của dư luận. Công Phượng chưa là gì cả trong tuyển quốc gia nên việc HLV Miura “áp” lên tuyển nhưng cho mài đũng quần trên băng ghế dự bị cũng chẳng phải là chuyện lạ.
Với cầu thủ trẻ việc ngồi để học chữ “nhẫn” cũng là sự tích lũy và từng trải bên các đàn anh. Ở nước ngoài, các HLV rất chú ý đến yếu tố “bên ngoài sân cỏ”. Một cầu thủ quá trẻ dù có đủ sức đá tuyển quốc gia nhưng nếu tần suất đá quá nhiều, trong khi đó những đàn anh chưa chắc được như thế là điều nhà cầm quân có trách nhiệm luôn cân nhắc. Sự thành công quá sớm có thể tạo nên những tính cách dở hơi mà không phải cầu thủ trẻ nào cũng ý thực được sẽ hủy hoại cuộc đời cầu thủ.
Đó là điều mà những nhà cầm quân hướng đến một cách có trách nhiệm.
Calisto giải thích về việc để Văn Quyến ngồi dự bị bất chấp báo chí nước ngoài săm soi Tiger Cup 2002, báo chí nước ngoài “soi” Văn Quyến rất nhiều và xem đấy là thần đồng của bóng đá Việt Nam. Với giới truyền thông trong nước thì nhiều người ao ước được xem hai số 10 hay nhất của hai thời đại là Huỳnh Đức và Văn Quyến đá cặp cùng nhau. Chính các buổi họp báo, báo chí nước ngoài cũng thường xuyên hỏi ông Calisto về cầu thủ giấu mặt Phạm Văn Quyến mà ông chưa tung ra. Đáp lại HLV Calisto chỉ nói: “Đó là một tài năng và việc sử dụng còn tùy lúc, tùy nơi…”. Sau này, khi đoạt HCĐ trở về, HLV Calisto giải thích ông muốn Quyến được ăn tập cùng các đàn anh ở đội tuyển để cảm nhận được sự khổ luyện mà các đàn anh phải căng mình dù có người gần gấp đôi tuổi của Quyến. Có lần ông dẫn Văn Quyến ra đứng trước mặt Ngô Quang Trường và nói: “Em có thấy xấu hổ không khi cầu thủ này gần gấp đôi tuổi em mà tập luyện phấn đấu nhiều hơn em. Hãy nhìn vào những tấm gương như thế mà phấn đấu!”. Và giải đấu đấy số phút Văn Quyến ra sân chỉ đếm được trên đầu những ngón tay nhưng đến năm 2003 thì Quyến thực sự là một cầu thủ trẻ trưởng thành nhờ có thời gian bị “nhốt” trên ghế dự bị để học hỏi. NG.NGUYÊN |