Ngày 13-3, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngày 16-3 tới, Thường trực Tỉnh ủy sẽ thực hiện giám sát UBND tỉnh thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
Nhà đóng gói thanh long Hàm Mỹ treo bảng cho thuê sân bãi
Trong giai đoạn này, Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP) từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hơn 110 triệu USD được triển khai ở 16 tỉnh, thành. Trong đó riêng tỉnh Bình Thuận được phân bổ hơn 55 tỉ đồng để đầu tư xây dựng năm nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản thanh long ở hai huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam.
Thế nhưng năm nhà đóng gói thanh long xây dựng bề thế, khang trang lúc khai trương thì rầm rộ nhưng lại bỏ hoang nhiều năm nay vô cùng lãng phí.
Tại nhà đóng gói thanh long thôn Nà Bồi, thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc dù thanh long đang vào mùa cao điểm nhưng công trình trị giá hơn 8 tỉ đồng hoàn thành từ đầu năm 2016 vẫn cửa đóng then cài và chưa một ngày nào hoạt động.
Để vào được nhà đóng gói này phải theo con lộ rộng hơn 2 m ngoằn nghèo, quanh co mà chỉ cần một xe tải bình thường lưu thông là đã ách tắc.
Tương tự nhà đóng gói thanh long Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam được xây dựng, khánh thành gần ba năm qua vẫn đóng cửa không hoạt động. “Mấy năm nay từ lúc khánh thành nhà đóng gói thanh long tới giờ tôi có thấy ngày nào mở cửa hoạt động đâu. Mà cũng lạ, nhà đóng gói xây dựng tiền tỉ nhưng lại chọn con hẻm nhỏ xíu thì xe cộ nào vận chuyển thanh long vào được mà hoạt động” - ông S., một người dân sinh sống gần nhà đóng gói Hàm Mỹ, cho biết.
Nhà đóng gói thanh long Hàm Minh đóng cửa nhiều năm nay
Theo Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Mỹ Hưng (Hàm Mỹ) Trương Văn Mười, thì: “Chúng tôi tiếp quản nhà đóng gói này từ tháng 3-2016, tưởng rằng bà con xã viên sẽ được hưởng lợi từ dự án này, được thu mua, đóng gói thanh long nhanh chóng, tiện lợi hơn. Tuy nhiên, khi các đối tác đến làm việc đều lắc đầu từ chối vì đoạn đường từ quốc lộ 1 vào nhà đóng gói chỉ rộng hơn 2 m lại là đường bê tông, xe container, xe tải lớn không tài nào vào được.
Trong khi đó, ngoài quốc lộ 1, rất nhiều nhà đóng gói, sơ chế thanh long tư nhân mọc lên, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa, nên chúng tôi không thể cạnh tranh” - ông nói.
Nhà đóng gói thanh long Hàm Mỹ
Thực tế đoạn đường từ QL1 vào nhà đóng gói thanh long dài chỉ hơn một cây số thế nhưng đây là đường làng và phải qua một cây cầu bê tông nhỏ xíu mà chỉ cần xe tải nặng đi qua thì cây cầu sẽ sập bất cứ lúc nào. Để tránh lãng phí công trình xây dựng tiền tỉ, HTX Nông nghiệp Mỹ Hưng, đã “linh động” treo một bảng hiệu ngoài tường rào nhận “Cho thuê sân bãi tổ chức liên hoan, sinh nhật, đám hỏi, đám cưới”!
Để tìm hiểu những nhà đóng gói thanh long khác nằm ở vị trí, đường sá thuận lợi hơn chúng tôi có mặt tại nhà đóng gói thanh long Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc nằm trên mặt tiền QL1 nhưng nơi đây cũng đóng cửa im ỉm như nhà hoang.
Nhà đóng gói thanh long Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam được xem là nhà đóng gói được xây dựng bề thế nhất với diện tích khá lớn, nằm sát QL1 và ngay trung tâm “thủ phủ” thanh long. Thế nhưng khi đến đây nhà đóng gói được trang bị đầy đủ thiết bị này cũng đóng kín cổng, cỏ, dây leo mọc khắp nơi.
Nhà đóng gói duy nhất trong năm nhà đóng gói tiền tỉ được xem là có hoạt động là nhà đóng gói Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc. Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà đóng gói này chẳng có xã viên HTX nào hưởng lợi như mục tiêu đưa ra mà là do một doanh nghiệp tư nhân thuê lại để hoạt động.
Một xã viên HTX dịch vụ thanh long hữu cơ Phú Hội (Hàm Hiệp) cho biết trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện, tỉnh, nhiều xã viên ở đây cũng bức xúc và có ý kiến gay gắt về việc lãng phí này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy thay đổi gì. Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận thừa nhận có việc những nhà đóng gói thanh long đóng cửa không hoạt động. “UBND tỉnh đã chỉ đạo và Sở đang khẩn trương giao những tổ chức, HTX có nhu cầu, năng lực tiếp nhận hoạt động để tránh lãng phí” - ông Kiều nói.