Chỉ trong Quý 2 năm 2016 sau khi đánh giá lại tại sản thì mảng bất động sản đã làm cho HAGL thua lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Chắc chắn khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đây và mảng bất động sản tiếp tục bào mòn sức khỏe HAGL.
Bên cạnh đó các mảng nông nghiệp khác như mía đường, cao su, kể cả chăn nuôi bò dường như không mấy khả quan. Tương lai của HAG dường như ngày càng mù mịt.
Tính đến nay đã gần 2 tháng trôi qua nhưng HAGL vẫn chưa thể chốt số liệu tài chính bán niên. Mới đây cả Công ty HAGL và Công ty con là CTCP Nông Nghiệp Quốc Tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) vẫn chưa thể công bố kết quả kinh doanh.
Thêm một lần nữa ban lãnh đạo của Tập đoàn HAGL phải xin gia hạn thời điểm nộp báo cáo tài chính cho 2 công ty niêm yết của mình. Điều này đã dấy lên nhiều lo ngại về tình trạng kinh doanh của Tập đoàn này.
Trên thị trường chứng khoán cổ phiếu HNG và HAG sụt giảm thảm hại và có thời điểm về dưới mức 6.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả này có lẻ nằm ngoài sức tưởng tượng của nhiều người khi cổ phiếu này có một thời dài được nhà đầu tư ưa chuộng trên thị trường chứng khoán.
Thông thường, việc xin gia hạn thời gian nộp báo cáo tài chính thường do tình hình tài chính tệ hại. Điều này cũng đúng với HAGL và HNG bởi tại Nghị quyết HĐQT của Tập đoàn đã công bố sơ bộ kết quả kinh doanh quý II của 2 công ty này. Theo đó, HAGL lỗ trước thuế 1.075 tỷ đồng, riêng các khoản lỗ bất thường là 941 tỷ đồng.
Nguyên nhân lỗ nặng là do thanh lý dự án bất động sản tại TP.HCM 413 tỷ, đánh giá lại tài sản không hiệu quả 530 tỷ đồng và lỗ do lãi vay. Công ty con là HNG cũng bị lỗ 553 tỷ đồng trong 6 tháng. Nguyên nhân thua lỗ là do lãi vay của HNG lên đến 450 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ và lỗ khác 525 tỷ đồng.
Tình hình tài chính của HAGL trong thời gian qua cực kỳ khó khăn. Công ty này đã phải “cầu cứu” NHNN để được tái cấu trúc các khoản nợ tránh nguy cơ phá sản.
Theo các thông tin được công bố trong thời gian qua thì HAGL đã được tái cấu trúc nợ, trong đó BIDV là ngân hàng “đỡ đầu” cho các khoản nợ của HAGL. Như vậy, nguy cơ phá sản của “siêu công ty” này tạm thời được gác lại.
Tuy vậy, những khó khăn của HAGL thì vẫn đang chồng chất phía trước bởi hầu hết hoạt động kinh doanh của HAGL chưa thực sự mang lại hiệu quả.
Mảng kinh doanh trồng cây cao su chiếm tỷ lệ rất cao trong vốn đầu tư của Tập đoàn này chưa sinh ra lợi nhuận. Không có thu nhưng hàng ngày doanh nghiệp này phải bỏ ra một số tiền rất lớn để chăm sóc và chi trả lãi vay cho hàng chục nghìn héc ta cao su.
Trong bối cảnh giá bán mủ cao su rất thấp khiến doanh nghiệp này đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong khi đó mảng mang lại doanh thu và lợi nhuận thời gian qua là chăn nuôi bò thịt và bò sữa không mấy suôn sẻ.
Năm 2015, doanh thu chỉ 2 quý cuối năm từ “bò” đã lên tới 2.541 tỷ đồng, đóng góp tới 53% doanh thu. Điều đáng nói là lợi nhuận kinh doanh “bò” đóng góp tới 60% lợi nhuận trong báo cáo hợp nhất.
Tỷ suất lợi nhuận gộp từ kinh doanh “bò” cũng lên tới 30% (738 tỷ đồng). Trong Quý 1/2016, mảng bò thịt cũng cho doanh thu lên tới 1.233 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp chỉ còn 124 tỷ đồng, tương đương 10,1%, giảm mạnh so kết quả đạt được của mảng kinh doanh này trong năm 2015.Mảng mía đường đóng góp chính vào doanh thu trước đây cũng đang ngày càng suy yếu.
Dù báo cáo tài chính Quý 2/2016 của HAGL chưa được công bố nhưng điểm đáng nói chính là việc mảng bất động sản “ghi dấu ấn” trong kết quả kinh doanh khi đóng góp lớn vào khoản lỗ bất thường gần 1.000 tỷ đồng.
Còn nhớ năm 2013, HAGL đã tái cấu trúc mảng bất động sản bằng cách tách phần lớn mảng kinh doanh này ra khỏi HAGL. Công ty tiếp nhận mảng kinh doanh bất động sản của HAGL là An Phú. Hiện nay, HAGL vẫn đang cho An Phú vay số tiền lên đến gần 4.500 tỷ đồng.
Điều này, đồng nghĩa với việc gần như mọi hoạt động kinh doanh của An Phú phụ thuộc vào HAGL. Rõ ràng gánh nặng của bất động sản vẫn đè nặng lên HAGL dù về chính thức An Phú không có vốn của HAGL.
HAGL là một doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam trong việc đầu tư mở rộng vào ngành nông nghiệp công nghệ cao và đầu tư lớn ở nước ngoài. HAGL được nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Giờ đây cổ phiếu HAGL chỉ còn hơn nửa mệnh giá và khốn đốn với đống nợ khổng lồ của mình. Tương lai của HAGL cũng bất định khi mà cơ cấu và nguồn doanh thu thiếu bền vững.
Tương lai của doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan khi khối tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng trong cao su không biết bao giờ thu hồi được vốn và hàng chục nghìn tỷ đồng cho một số công ty liên quan vay cũng có một tương lai mờ mịt.