Đà tăng ca nhiễm ở Ấn Độ đang ở mức cao nhất thế giới từ đầu dịch đến nay, cao hơn cả Mỹ. Liên tục gần một tuần số ca nhiễm mới ghi nhận ngày sau phá mức cao kỷ lục của ngày trước. Tính đến ngày 27-4, Ấn Độ đã ghi nhận hơn 17,6 triệu ca nhiễm, trong đó gần 199.000 người chết, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometers.
Tôi đã nghĩ sẽ có làn sóng lây nhiễm mới nhưng tôi không hề nghĩ rằng nó sẽ mạnh thế này. Nhà virus học HGAHID JAMEED tại ĐH Ashoka (Ấn Độ)
Theo hãng tin AP, nhiều chuyên gia cho rằng các con số này có thể chưa đủ khi các ca nghi nhiễm không được tính, trong khi nhiều cái chết vì COVID-19 lại được quy là chết vì bệnh nền. Người chết nhiều đến nỗi chính quyền New Delhi phải quyết định chặt cây trong các công viên thủ đô để làm củi thiêu thi thể, vì các nghĩa trang không còn đất chôn. Ngày 26-4, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus chua xót thừa nhận tình hình dịch Ấn Độ “hơn cả đau lòng”.
Khả năng diễn biến sẽ còn xấu hơn. Nhà bệnh dịch học Bhramar Mukherjee tại ĐH Michigan vốn theo dõi tình hình dịch Ấn Độ dự đoán số tử vong mỗi ngày ở nước này có thể tăng cao tới mức 4.500 người/ngày vào tháng sau. Thậm chí, có chuyên gia còn cảnh báo con số này có thể nằm ở mức 5.500.
Chuyện gì đã xảy ra ở Ấn Độ?
Theo báo New York Times, thực ra năm ngoái Ấn Độ cũng có các động thái chuẩn bị đón các làn sóng dịch nặng, tuy nhiên các làn sóng dịch nặng này không đến, thay vào đó phần lớn các ca nhiễm chỉ ở thể nhẹ. Cách giải thích khả dĩ nhất là vì Ấn Độ có dân số trẻ và các loại virus trước kia có thể đã giúp tạo phần nào miễn dịch tự nhiên cho cơ thể. Nghiên cứu khoa học nhận định khoảng một nửa số người trưởng thành ở các TP lớn đã nhiễm ở thể nhẹ và theo TS Prabhat Jha - nhà bệnh dịch học ở ĐH Toronto (Canada), điều này dẫn tới suy nghĩ rằng người dân Ấn Độ đã được chủng ngừa một cách tự nhiên.
Thiêu xác người chết vì COVID-19 ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 25-4. Thi thể nhiều đến nỗi chính quyền New Delhi phải quyết định chặt cây trong các công viên thủ đô để làm củi thiêu xác. Ảnh: AP
Tới cuối tháng 1 năm nay, Thủ tướng Narenda Modi tuyên bố Ấn Độ đã chiến thắng COVID-19, sẽ trở thành “nhà thuốc của thế giới”, nhà sản xuất vaccine toàn cầu và là một kiểu mẫu cho các nước phát triển khác. Nhiều người cũng nghĩ Ấn Độ đã vượt qua đại dịch nhưng điều gì đã xảy ra? Tới giữa tháng 3, virus bắt đầu hoành hành lại, mạnh hơn và nguy hiểm hơn, với nhiều biến thể mới.
AP cho rằng diễn biến dịch là một thất bại nặng nề với Ấn Độ. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng Ấn Độ có hẳn một năm để chuẩn bị cho điều xấu nhất và không tránh được - đợt bùng phát nguy hiểm này nhưng đã không làm. Theo TS Krutika Kuppalli, trợ lý giáo sư khoa bệnh truyền nhiễm tại ĐH Y South Carolina (Mỹ), lý ra từ năm ngoái, thời điểm virus vẫn còn kiềm chế tốt hơn lúc này, Ấn Độ đã phải tập trung dự trữ thuốc và nâng cấp hệ thống y tế để phòng đón đợt bùng phát này.
Thay vào đó việc chính quyền sớm tuyên bố chiến thắng tạo một “thông điệp sai lầm” làm người dân chủ quan với các quy định y tế mà họ lý ra phải tiếp tục tuân thủ chặt để phòng dịch, như giãn cách, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người. Thủ tướng Modi đang phải đối mặt với sự chỉ trích vì cho phép tổ chức các lễ hội Hindu và các cuộc vận động bầu cử.
Theo TS Jennifer Lighter tại ĐH New York (Mỹ), chính tổng hòa ba yếu tố - miễn dịch chưa đủ, các biến thể mới (tất cả các biến thể xuất phát ở Anh, Brazil, Nam Phi đều đã xuất hiện ở Ấn Độ), nới lỏng các hạn chế phòng dịch - đã khiến cho tốc độ lây tăng theo cấp số nhân.
Thảm họa của cả thế giới
Về chiến lược chống dịch, không có gì cao siêu và chỉ có hai vấn đề: Tuân thủ nghiêm các hạn chế phòng dịch ngăn đà lây của virus và đẩy nhanh tiêm chủng. Có thể vì hiểu được điều này hai tuần qua một số chính quyền địa phương ở Ấn Độ, trong đó có New Delhi và Mumbai đã khôi phục các quy định phòng dịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại với tình trạng virus biến đổi nhanh thế này thì làn sóng dịch nặng hiện tại ở Ấn Độ sẽ khó chấm dứt sớm.
Thêm nữa, tốc độ tiêm chủng còn chậm, hiện tại nằm ở mức ba triệu liều/ngày. Năng lực sản xuất vaccine của Ấn Độ là 70 triệu liều/tháng. Dù có dành hết con số này cho tiêm chủng nội địa cũng chưa thể sớm đáp ứng nhu cầu cả nước. Hiện chỉ mới 10% dân số Ấn Độ được tiêm ngừa, tức còn hơn 1 tỉ dân nước này chưa được tiêm.
Đợt bùng phát nguy hiểm này là thảm kịch kinh hoàng với người dân Ấn Độ, tuy nhiên theo tạp chí The Atlantic, đây không chỉ là vấn đề của nước này mà còn là thảm họa của cả thế giới.
Ấn Độ là nước dân số lớn thứ hai thế giới, người dân lại tỏa đi nhiều nước nên nguy cơ lây nhiễm sang các nước rất cao. Biến thể B.1.167 xuất phát từ Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 10 nước, trong đó có Mỹ và Anh. Nhiều chuyên gia lo ngại có thể đã có hàng ngàn người dân Nepal - có đường biên giới dài 1.751 km với Ấn Độ - lây nhiễm các biến thể mới xuất hiện ở Ấn Độ.
Ấn Độ là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới và đang là nơi trông mong của 92 nước đang phát triển để có được các liều vaccine bảo vệ dân mình khỏi COVID-19. Giờ với tình hình dịch nặng thế này, Ấn Độ buộc phải hạn chế xuất vaccine dành cung cấp trong nước. Serum Institute - nơi sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, nơi cho ra lò các liều vaccine AstraZeneca và là nhà đóng góp chính cho chương trình COVAX cung cấp vaccine cho các nước thu nhập vừa và thấp - vừa thông báo mình sẽ không thể đáp ứng cam kết toàn cầu vì tình hình thiếu hụt trong nước.
Điều này đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh virus đang biến đổi nhanh. Chẳng hạn Nepal, toàn bộ vaccine nước này tiêm cho 1,9 triệu dân tính đến lúc này đều là vaccine do Ấn Độ và Trung Quốc cung cấp. Các chuyên gia y tế lo tiến trình tiêm chủng sẽ gặp trở ngại vì Nepal đang chưa thể hỏi thêm vaccine từ Ấn Độ hay từ nguồn nào khác.
Có thể nói diễn biến dịch ở Ấn Độ gây lo âu không chỉ bên trong mà cả bên ngoài Ấn Độ. Cộng đồng thế giới đã không thờ ơ với Ấn Độ. Mỹ, Liên minh châu Âu, một số nước láng giềng khu vực đã thông báo giúp đỡ, từ vaccine đến phương tiện điều trị. Tuy nhiên, theo The Diplomat, bên cạnh tập trung xử lý tình hình dịch trong nước, các lãnh đạo thế giới cần thiết phải có sự hợp tác toàn cầu trong chống dịch.•
Hàng loạt nước, lãnh thổ cấm người đến từ Ấn Độ nhập cảnh
Diễn biến dịch nguy hiểm ở Ấn Độ đã khiến hàng loạt nước và lãnh thổ ra lệnh cấm nhập cảnh tạm thời với người đến từ Ấn Độ.
Ngày 27-4, Singapore thông báo nhiều biện pháp an toàn mới, trong đó có hạn chế cho người không phải công dân đến từ Ấn Độ nhập cảnh. Tất cả người đến từ Ấn Độ phải cách ly tập trung 14 ngày sau đó phải cách ly thêm tại nhà bảy ngày. Từ ngày 27-4, Hong Kong ngưng mọi chuyến bay nối với Ấn Độ đến ngày 3-5. Các chuyến bay nối với Pakistan, Philippines cũng bị ngưng vì lo lây nhiễm.
Ngày 26-4, Mỹ khuyên công dân tránh đến Ấn Độ thời điểm này, kể cả những người đã được chích vaccine. Anh, Canada, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cấm người đến từ Ấn Độ nhập cảnh. Cùng ngày, Pakistan cấm người từ Ấn Độ sang, lệnh cấm có hiệu lực trong hai tuần.
Israel từ tuần trước đã cảnh báo công dân tránh đến các nước có dịch nặng, trong đó có Ấn Độ. New Zealand từ ngày 8-4 đã ra lệnh tạm ngưng nhập cảnh với người đến từ Ấn Độ đến ngày 28-4.