Chẳng hiểu vì sao cứ mỗi lần bọn trẻ tụ tập để chờ đợi thần tượng trong lĩnh vực ca nhạc, đặc biệt khi ngôi sao ấy đến từ Hàn Quốc thì cha mẹ, cô dì, chú cậu của chúng lại một phen ỉ ôi. Đây là tập trung các dạng lý do: Trời nóng quá (mà cũng đi), tụ tập đông quá, cuồng nhiệt quá... Ơ, vậy sao khi một anh chàng 9x mặc áo pháo thủ chạy theo chiếc xe buýt chở đội Arsenal suốt 8 km ở ngay đường phố Hà Nội thì truyền thông lại hổn hển chạy suốt những tựa báo hùng hồn: “Running man mang Việt Nam đến sân cỏ thế giới”, “Đại sứ Việt Nam trên sân Emirates”, “Running man làm rạng danh cổ động viên Việt Nam”...? Thậm chí có báo xúc động đến nỗi đề cử “running man” làm đại sứ du lịch Việt. Có doanh nghiệp mời anh về làm đối ngoại, mức lương tùy chọn. Rồi anh đi khắp nơi giao lưu với fan Arsenal và thành người nổi tiếng... cũng từ truyền thông cả!
Các bạn trẻ xếp hàng dài bên ngoài quán cà phê vừa khai trương để được gặp diễn viên đến từ Hàn Quốc trong ngày 24-8. Ảnh: LÊ PHONG
Còn những “running man” khác cuồng nhiệt với tình yêu ca nhạc xứ Hàn của em lại bỗng dưng trở thành “tội đồ”, truyền thông lao vào họ để gọi ra đủ thứ bệnh trạng.
Tại sao khi trái bóng từ chân cầu thủ Việt bắn vào cầu môn đối phương có thể kéo gần như cả nước ra đường suốt đêm và báo chí điên cuồng đưa những hình ảnh cụ già hay em bé non tơ phất cờ hò hét làm vedette trang nhất thì các chuyên gia lo lắng không cau mày? Họ cũng tụ tập đông quá, cũng thức thâu đêm suốt sáng, cũng cuồng nhiệt bốc lửa đấy!
Hay là trái bóng đẹp hơn chiếc micro, sân cỏ phóng khoáng hơn sân khấu, tiếng Anh có nhiều người biết hơn tiếng Hàn? Hay vì “thần tượng của tao thì luôn luôn tốt/hay/bổ ích... hơn thần tượng của mày”?
Trong cách hành xử của những anh chàng pháo thủ và những người hay lo ở Việt Nam chúng ta có điểm khác nhau rõ rệt. Không phải tinh ý lắm mới nhận ra điều đó, dù nó lại xuất phát từ những thói quen được giáo dục rất tinh tế.
Họ vô tư đón nhận sự việc theo đúng cách, vừa vặn với mức độ khiến nó trở thành niềm vui không chỉ cho một người. Nếu như các cầu thủ hôm đó khó chịu với sự bám riết của Vũ Xuân Tiến chứ không hào hứng cười toe và cổ động ngược lại thì anh chàng này có đủ can đảm chạy theo chiếc xe buýt suốt 8 km không? Nếu sau đó các cầu thủ không mời Tiến lên xe, sảng khoái chụp ảnh cùng anh và chia sẻ niềm vui hồn nhiên đó cho những người khác thì truyền thông Việt Nam không hề biết đến danh xưng “running man”. Việt Nam cũng không có cơ hội tình cờ này để trong mắt người khác trở thành một đất nước vui, trẻ và hâm mộ thể thao.
Nhưng họ cũng không đẩy quá câu chuyện vui vẻ đó thành một thứ “biểu tượng” như cách mà truyền thông Việt rất hay sa vào. Đơn giản vì cuộc sống vốn hồn nhiên như vậy, những câu chuyện vui vẻ trong cuộc đời vốn cũng nhiều và hồn nhiên như vậy.
Còn nhiều người chúng ta thì cứ như ông cóc ngồi trong xó nhà, tự mình nghiến răng rồi cứ ngỡ ông trời sắp sụp xuống. Bọn trẻ suốt ngày cắm đầu vào máy tính thì thở dài sườn sượt rằng nền giáo dục nước nhà xuống cấp. Chúng ồ ạt ra đường đi chơi thì hô hoán nền văn hóa nước nhà thụt lùi. Ô hay, các ông cha, bà mẹ, cô chú, cậu dì nhanh quên tuổi thơ của mình quá... Khổ! Ngày xưa cha mẹ cũng nghịch dại và sến súa khác gì con cái bây giờ. Chỉ là dưới những hình thức khác thôi mà.
Nên, cứ nhẹ nhõm đi. Cứ vô ưu mà nhìn đời sống tuôn chảy. Vì bản chất nó vốn trong veo vậy thôi.
HOÀNG XUÂN
Suốt từ sáng sớm đến chiều 24-8, đã có hàng ngàn bạn trẻ tập trung ở khu trung tâm quận 1, TP.HCM gây tò mò cho nhiều người. Đã có nhiều ý kiến phản ứng hiện tượng này trên mạng xã hội. Đây là buổi lễ khai trương cửa hàng đầu tiên thuộc chuỗi Caffe Bene ở TP.HCM. Mục đích nhiều bạn trẻ đến đây vì có sự góp mặt của diễn viên Hàn Quốc Lee Jong Suk, đại sứ thương hiệu của hãng cà phê này. |