Theo hồ sơ ông Tiến cung cấp, thời chiến tranh ông bị thương cụt mất một phần chân phải, được công nhận là thương binh hạng 2/4. Bên cạnh đó, tình trạng vết thương ở chân không được ghi đúng. Hồ sơ thương binh đăng ký trong quân đội ghi ông “cụt 1/3 trên cẳng chân phải” nhưng biên bản giám định y khoa tỉnh Minh Hải cũ (nay là Cà Mau) lại ghi “cụt 1/3 trên cẳng chân trái”, giấy thương binh cấp lần hai (từ năm 1998) ghi “cụt 1/3 cẳng chân phải”.
Đến năm 2013, vết thương tái phát, ông phải phẫu thuật cắt bỏ gần 10 cm chân phải bị cụt nên đề nghị giám định lại vết thương và ghi đúng lại tình trạng vết thương.
Từ tháng 6-2013, ông Tiến gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị giám định lại vết thương nhưng được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cho biết không chấp nhận yêu cầu giám định lại vết thương cho ông.
Ông Cao Minh Tiến với cái chân đã được cắt sửa mõm cụt. Ảnh: TRẦN VŨ
Chúng tôi đã liên hệ lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau và được Sở cung cấp thông tin về trường hợp ông Tiến. Đại diện sở này cho biết dữ liệu từ BV Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cho thấy ông Tiến có phẫu thuật và cắt bỏ một phần cơ và xương chân. Từ ngữ y khoa của ngành là “cắt sửa lại mõm cụt”, không gọi là đoạn chi, vì phần chi đã được đoạn trước đây.
Sở đã nhiều lần gửi công văn đến Cục Người có công báo cáo có sự hiểu nhầm trong việc dùng từ ngữ trong biên bản giám định rằng trường hợp của ông Tiến “cắt sửa lại mõm cụt” chứ không phải “sửa lại mõm cụt” như cách hiểu ghi trong văn bản trả lời của Cục Người có công.
Tuy nhiên, sau đó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) vẫn xác định ông Tiến không thuộc diện được giám định lại do vết thương tái phát.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Kiên, Cục phó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết trường hợp ông Cao Minh Tiến được kết luận không phải cắt bỏ đoạn chi, không được giám định lại vết thương.
Theo quy định hiện hành, trường hợp vết thương tái phát, bị hoại tử phải cưa lên hoặc tháo khớp để đảm bảo tính mạng thì được giám định lại vết thương. Tuy nhiên, đối với các trường hợp sửa lại mõm chân nguyên nhân do xương trồi ra (ở vị trí đoạn cụt) là một biểu hiện tự nhiên.
“Thông thường, chân bị cắt nếu lắp chân giả hầu hết phải sửa lại mõm chân, hoặc quá trình lắp chân giả để đi lại thì vị trí đoạn cụt xương thường mọc trồi ra và phải cắt. Đây không phải là do vết thương tái phát nên không chấp nhận yêu cầu giám định lại là hợp lý. Chúng tôi cũng từng trả lời nhiều đơn thư về các trường hợp tương tự” - ông Kiên lý giải.
Liên quan đến hồ sơ cụt chân nào, ông Kiên khẳng định việc này thuộc trách nhiệm của cơ quan xác lập hồ sơ. “Đơn vị không có trách nhiệm đi xác minh việc này” - ông Kiên nói.