Cuộc đua Macron-Le Pen lần này khác 2017 thế nào?

(PLO)- Cho tới lúc này, cuộc đua Macron-Le Pen vẫn diễn ra giống kịch bản năm 2017, song khả năng sẽ nhiều bất ngờ vào phút chót.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-4 (giờ địa phương), cử tri Pháp đi bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, theo hãng tin AFP. Với 90% số phiếu được kiểm, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron - người đứng đầu đảng Tiến bước, một đảng cấp tiến và tự do xã hội, dẫn đầu với 29% số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ông bị đối thủ rất mạnh là bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia Pháp, theo sát với 24% số phiếu ủng hộ.

Đây là thành tích được đánh giá khá tốt của ông Macron vốn chỉ tham gia chiến dịch tranh cử muộn và chỉ mới tổ chức một cuộc vận động trước vòng bỏ phiếu thứ nhất.

Ông Macron và bà Le Pen. Ảnh: THEGEOPOLITICS

Ông Macron và bà Le Pen. Ảnh: THEGEOPOLITICS

Ông Macron cho biết ông sẽ triển khai vận động ngay sau vòng bỏ phiếu thứ nhất, với điểm đến đầu tiên là miền bắc nước Pháp. Đêm 10-4, ông Macron có nói về ý tưởng một “phong trào lớn của sự thống nhất và hành động chính trị” và một “phương pháp mới” để quản lý, từ đó có thể thấy ông tính mời các đảng đối thủ chính thức tham gia phong trào chính trị của mình.

Trong khi đó, bà Le Pen cũng khẩn trương tiếp tục chuỗi ngày vận động ở các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn Pháp. Theo bà, cuộc bầu cử là “sự lựa chọn cơ bản giữa hai tầm nhìn”, đó là “sự chia rẽ, bất công và rối loạn… vì lợi ích của một số ít” do ông Macron mang lại, với “công bằng xã hội và bảo vệ” của bà.

Hai ứng viên sẽ gặp lại nhau tại cuộc tranh luận dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-4 được phát sóng trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia và sau đó là vòng bỏ phiếu thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24-4.

Ông Macron không chủ quan

Theo AFP, chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp đã bị lu mờ vì tình trạng giá cả hằng ngày tăng vọt khiến chi phí sinh hoạt trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu của các cử tri và cả cuộc chiến ở Ukraine.

Sự ủng hộ dành cho ông Macron đã tăng vọt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và những nỗ lực hòa giải của ông vào đầu năm nay. Ông Macron đã cố gắng môi giới, dàn xếp ngoại giao giữa Ukraine và Nga, kêu gọi ngừng bắn.

Chi phí sinh hoạt trong nước và cuộc chiến ở Ukraine là tâm điểm tranh luận trong đợt bầu cử tổng thống Pháp năm nay.

Xung đột Nga - Ukraine đã góp phần làm tăng cao thêm giá năng lượng, lạm phát cũng tăng đột biến, gây khó cho chính phủ của ông Macron và cho bản thân ông trong đợt bầu cử lần này, khi đây trở thành điểm yếu được đối thủ là Le Pen tận dụng đáng kể.

Theo AFP, khả năng ông Macron sẽ nhắm vào quá khứ gần gũi của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin, các chính sách của bà đối với EU, cũng như chi phí lớn cho chương trình kinh tế của bà.

Tổ chức thăm dò ý kiến Ifop-Fiducial (Pháp) dự đoán rằng ông Macron có thể sẽ chiến thắng chung cuộc với 51%-53% số phiếu ủng hộ, so với 49%-47% của bà Le Pen. Nếu thắng chung cuộc ở vòng 2, ông Macron sẽ có năm năm nữa để thúc đẩy các cải cách bao gồm nâng độ tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 65 và ban hành thêm các khoản cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhằm giảm thêm tỉ lệ thất nghiệp, hiện ở mức thấp nhất trong 14 năm. Khả năng ông Macron cũng sẽ tìm cách củng cố vị trí của ông là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất ở châu Âu sau khi bà Angela Merkel thôi làm thủ tướng Đức.

Tuy nhiên, ông Macron không chủ quan: “Đừng nhầm lẫn: Không có gì quyết định. Cuộc tranh luận hai tuần tới sẽ có ý nghĩa quyết định đối với đất nước chúng ta và châu Âu. Khi cực hữu với tất cả hình thức của nó đang ở mức độ phát triển nhất ở đất nước chúng ta thì không thể nói rằng mọi thứ đang diễn ra tốt đẹp”.

Bà Le Pen đã thay đổi như thế nào kể từ năm 2017?

So với đợt bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 thì cơ hội lần này của bà Le Pen lớn hơn. CNN nhận định đối thủ Le Pen năm nay không còn là bà Le Pen năm năm trước vốn thua ông Macron tới gần nửa số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2017.

Năm 2017, lập trường dân tộc trong chủ nghĩa kinh tế, quan điểm về nhập cư, chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và quan điểm đối với Hồi giáo ở Pháp của bà Le Pen đã không được lòng các cử tri Pháp và bà đã thua ông Macron.

Đợt tranh cử này, dù “ngăn chặn nhập cư không kiểm soát” và “xóa bỏ các hệ tư tưởng Hồi giáo” vẫn là hai ưu tiên hàng đầu, bà Le Pen đã tìm cách mở rộng sức hấp dẫn của mình. Đối mặt với các cáo buộc từ các đối thủ rằng mình là người gây chia rẽ và phân biệt chủng tộc, bà Le Pen đã tìm cách thể hiện một hình ảnh ôn hòa hơn trong chiến dịch tranh cử lần này và tập trung vào những lo lắng hằng ngày của cử tri về lạm phát.

Trong nhiều tuần trước vòng bỏ phiếu thứ nhất, bà Le Pen đã dành rất nhiều thời gian vận động, tiếp cận cử tri về các chủ đề dân sinh như đối phó lạm phát, nhiên liệu tăng giá… Chiến lược của bà Le Pen dường như đã cho thấy có hiệu quả.

Song một số yếu tố chính trị khác có thể sẽ là nỗi ám ảnh và đe dọa với bà Le Pen, mà nổi bật là cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Bà Le Pen từ lâu đã là một người ngưỡng mộ ông Putin và từng đến thăm nhà lãnh đạo Nga thời điểm bà đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2017. Sự ác cảm của bà đối với NATO cũng có thể là một điểm trừ với bà. Thăm dò gần đây từ IFOP cho thấy 67% người Pháp không ủng hộ Pháp rời NATO.•

Năm 2017, ông Macron và bà Le Pen cũng đối đầu nhau trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ông Macron giành chiến thắng chung cuộc với 66,1% số phiếu bầu, bà Le Pen được 33,9%. Trong vòng đầu tiên năm 2017, ông Macron chỉ được hơn 24% phiếu bầu và bà Le Pen được 21,3%.

Nhiều khả năng gây bất ngờ

Theo chuyên gia, vẫn có một số yếu tố tạo ra sự không chắc chắn trong vòng bỏ phiếu thứ hai, đó là tình trạng các lá phiếu trắng, sự thờ ơ của cử tri, thực tế cuộc tranh luận giữa hai ứng viên ngày 20-4.

Tỉ lệ cử tri đi bầu được thấp hơn khoảng 4% so với cuộc bầu cử năm 2017. Bên cạnh đó, hoàn toàn có khả năng không ứng viên nào ở vòng 2 gom được số phiếu của các ứng viên thua cuộc ở vòng 1. Ở vòng 2, bà Le Pen rất có khả năng sẽ gom được cả số phiếu (dự đoán khoảng 7%) của một nhân vật cực hữu khác là ông Eric Zemmour vốn phải chịu dừng bước ở vòng 1. Song ứng cử viên cánh tả Jean-Luc Mélenchon - người về thứ ba trong vòng bỏ phiếu thứ nhất với khoảng 20% ​​phiếu bầu - đã nói với những người ủng hộ ông rằng “không được có một phiếu bầu nào cho bà Le Pen trong vòng thứ hai”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm