Cuộc đua vào ĐH bằng kỳ thi tuyển sinh riêng - Bài 3: Nên tách thi khỏi tuyển

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng nên để các đơn vị khảo thí độc lập tổ chức thi đánh giá năng lực sẽ đảm bảo tính tường minh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, cơ sở đào tạo ĐH được tổ chức thi tuyển sinh nếu có đủ năng lực về đội ngũ, cơ sở vật chất… Thế nhưng nhiều cơ sở tự tổ chức thi để phục vụ xét tuyển ĐH tại cùng đơn vị cũng gây nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng, tính trung thực của kết quả.

đánh giá năng lực
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2023. Ảnh: P.ANH

Chất lượng kết quả thi ra sao?

Sau sáu năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), vừa qua ĐH Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả phân tích đối sánh của nhóm thí sinh (TS) tham dự thi ĐGNL (tính từ TP Đà Nẵng trở vào) năm 2023 với kết quả học tập bậc THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đây là năm có đến hơn 95.000 TS dự thi.

Kết quả cho thấy nhóm TS dự thi ĐGNL có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT cao hơn nhóm những TS không thi.

Đồng thời, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thực hiện đối sánh kết quả học tập của sinh viên nhập học bằng phương thức ĐGNL với các phương thức nhập học khác ở các trường ĐH thành viên. Sinh viên trúng tuyển bằng kết quả thi ĐGNL có tỉ lệ điểm trung bình tích lũy cao hơn sinh viên trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Từ kết quả này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết kỳ thi đã thu hút nhóm TS có năng lực học tập tốt và có kết quả thi đáng tin cậy để xét tuyển vào ĐH. Đây là cơ sở để ĐH Quốc gia TP.HCM xem xét đưa kỳ thi đánh giá năng lực dần trở thành phương thức tuyển sinh chủ đạo.

Còn với ĐH Quốc gia Hà Nội, theo GS-TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, hằng năm trung tâm đều có phân tích dữ liệu kết quả thi để đối sánh với kết quả học tập bậc THPT của các tỉnh/thành, cho thấy tỉnh nào có kết quả học đồng đều, điểm học bạ đánh giá đúng thì điểm thi này thực chất.

P13_box.jpg

Để đảm bảo tính trung thực

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM), cho rằng ngoài ĐH Quốc gia TP.HCM, việc có thêm nhiều trường mở các kỳ thi ĐGNL riêng sẽ gây áp lực lớn cho TS, phụ huynh. Bởi lệ phí thi khá cao, 300.000-500.000 đồng/em chỉ để thi một bài trắc nghiệm, nếu tính cho hàng chục ngàn TS, số tiền sẽ lên tới hàng chục tỉ đồng.

Ngoài ra, ông Phú cũng đặt vấn đề: “Các đơn vị tự tổ chức thi và tự tuyển thì tính trung thực của kỳ thi sẽ được cơ quan nào giám định khi đề không công bố, TS chỉ đi thi và biết điểm số?”.

đánh giá năng lực 2.jpeg
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh ĐH năm 2024 tại một ngày hội tuyển sinh ở TP.HCM. Ảnh: CTV

Vì vậy, theo ông Phú, cần có nghiên cứu, xây dựng lại cách ra đề thi để đúng bản chất ĐGNL chứ không phải nặng kiến thức phổ thông như hiện nay.

“Bộ GD&ĐT nên có cơ chế giám sát, thẩm định rõ ràng để tạo ra sự công bằng, uy tín. Hoặc nên quy về một đầu mối cho đơn vị đủ tầm ở một khu vực đứng ra tổ chức và sử dụng chung kết quả cho các đơn vị khác” - ông Phú nói.

Cần có nghiên cứu, xây dựng lại cách ra đề thi để đúng bản chất đánh giá năng lực chứ không phải nặng kiến thức phổ thông như hiện nay.

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc các cơ sở đào tạo tổ chức kỳ thi riêng là đúng với Luật Giáo dục mới về tự chủ tuyển sinh. Đề thi ĐGNL đánh giá trung thực và toàn diện hơn so với xét học bạ hoặc thi tốt nghiệp THPT, phù hợp với xu thế của thế giới.

Tuy nhiên, việc có nhiều kỳ thi ĐGNL sẽ tạo ra bất công trong tuyển sinh.

“Các trường, nhất là của đơn vị tổ chức thi dành chỉ tiêu lớn cho xét tuyển điểm thi ĐGNL này, có trường tối đa 50%-70%. Chỉ tiêu phương thức khác sẽ bị giảm nên điểm chuẩn sẽ bị đẩy lên cao, nhất là điểm thi tốt nghiệp THPT. Nếu trước đây chỉ 24, 25 điểm thì nay 28, 29 điểm mới trúng tuyển, vô hình trung cản trở cơ hội vào ĐH của các em khó khăn, ở vùng sâu vùng xa” - ông Dũng nhìn nhận.

Còn GS-TS Nguyễn Tiến Thảo thì cho rằng không nên khuyến khích tổ chức nhiều kỳ thi riêng, vì để duy trì một kỳ thi ở phạm vi nhỏ và chỉ phục vụ một đối tượng nhỏ sẽ rất áp lực.

Hãy để các đơn vị khảo thí độc lập hoặc trường có đủ năng lực tổ chức thi để đảm bảo tính chính quy, khách quan, chuyên môn sâu và trách nhiệm giải trình xã hội cao. Nếu tin cậy, các cơ sở đào tạo có thể sử dụng, vừa tiết kiệm nguồn lực xã hội vừa có nguồn tuyển công khai, minh bạch và cạnh tranh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm