Vậy nếu bạn là FIFA thì giải quyết vấn đề này thế nào?
Colombia bị Nhật đánh bại 2-1. Nhật hòa Senagal 2-2 và Senegal thua Colombia 0-1. Trong lúc Colombia vọt lên đầu bảng khi có bàn thắng vào lưới Senegal, lúc đó Nhật và Senegal đều có chỉ số như nhau và nếu FIFA không xét chỉ số fair play, tức số thẻ phạt thì tính chỉ số phụ nào? FIFA chính xác!
Và điều đó cũng nằm trong điều lệ giải đã thông báo cho tất cả đội nghiên cứu kỹ rồi. Vậy hà cớ gì phê phán tuyển Nhật và thậm chí là nguyền rủa họ không fair play?
Xét chỉ số phụ bằng fair play, tức điểm trừ cho số thẻ phạt cũng đáng hoan nghênh, bởi nó góp phần làm cho trận đấu đẹp hơn, bớt đi tính bạo lực.
Chúng ta thử lạm bàn qua cách tính điểm ở Euro, nghĩa là tính đối đầu khi hai hoặc hơn hai đội cùng điểm, Nhật vẫn đáng đi tiếp hơn Senegal. Và thử đặt điều kiện cả ba đội có cùng 4 điểm, vẫn là Nhật chiếm ưu thế hơn Colombia và Senegal trong các chỉ số phụ.
Còn việc cầu thủ Nhật chuyền bóng câu giờ cho nhau vì đó là chiến thuật và sự sống còn. Ai rơi vào thế đó cũng làm vậy thôi! Chẳng có ai điên dại trong hoàn cảnh như thế vẫn ào ào lao lên tấn công để hở sườn cho đối phương “giết”.
Bóng đá đẹp, tinh thần cao thượng luôn cần có nhưng với hoàn cảnh như kiểu Nhật thì không thể buộc họ dâng cao tấn công tìm bàn thắng chẳng để làm gì, trừ khi… bị điên!
Senegal thể hiện tại giải này rất đáng khâm phục, đáng trân trọng một nét đẹp đúng nghĩa của bóng đá châu Phi. Họ rời giải sớm rất đáng tiếc cho sự cống hiến hoang dã và hào hoa. Nhưng nó thuộc về lý lẽ của con tim, còn lý trí và toan tính trong sự đồng thuận của các đội trong cuộc chơi chung phải khác.
Không chỉ riêng dư luận ở Việt Nam mà báo chí thế giới cũng lên án cách thể hiện của Nhật trong trận Ba Lan vào những phút cuối. Nhưng nếu là đội Nhật, liệu có ai dám làm khác đi?