Cuối tháng 7, hoàn tất chấm thi ĐH

Chiều 10-7, Bộ GD&ĐT đã họp báo thông báo kết thúc kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014. Trả lời về đáp án kỳ thi ĐH 2014, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014, cho biết do đề thi ra theo hướng mở nên hướng dẫn chấm thi của Bộ cũng rất mở.

PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, nói thêm chỉ cần học sinh truyền tải thông điệp đúng, tư tưởng đúng, phù hợp thuần phong mỹ tục, pháp luật sẽ được chấp nhận. Những bài thi phân tích, lập luận chặt chẽ, logic, sáng tạo điểm sẽ cao hơn.

Đánh giá về công tác ra đề thi năm nay, ông Trinh cho biết đề thi được xây dựng trên cơ sở đánh giá đúng năng lực tốt nghiệp THPT, tuy nhiên mức độ của đề thi ĐH khó hơn, có sự phân hóa thí sinh cao hơn. “Trong đề thi có câu hỏi dễ, khó, rất khó để lựa chọn những thí sinh xuất sắc” - ông Trinh nhấn mạnh.

 
Thí sinh vui mừng sau khi kết thúc bài thi. Ảnh: HTD

Ông Ga cho biết Bộ GD&ĐT sẽ kiểm tra khâu chấm thi của các trường chặt chẽ để đảm bảo kết quả chấm thi đánh giá đúng năng lực của thí sinh.

“Từ nay cho đến cuối tháng 7, tất cả trường phải hoàn tất công việc chấm thi. Trước khi chấm, các tổ phải thảo luận về đáp án, nhất là các bài thi mà có tính mở như vậy phải thảo luận kỹ bởi vì thí sinh có thể làm nhiều phương án khác nhau nhưng đến cùng một mục đích thì vẫn được điểm và những em có tính sáng tạo trong làm bài thi sẽ được điểm cao” - ông Ga nói.

Theo Bộ GD&ĐT đầu tháng 8, hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ sẽ họp để tư vấn cho bộ trưởng công bố các mức điểm xét tuyển.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ đang xây dựng đề án gộp hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ thành một kỳ thi quốc gia chung theo chỉ đạo của Chính phủ. Dự kiến trong quý III-2014, Bộ GD&ĐT sẽ công bố dự thảo đề án để lấy ý kiến xã hội. “Khi nào thời cơ chín muồi, được dư luận đồng tình cao, Bộ sẽ tiến hành đổi mới ngay” - ông Ga nói.

Ông Ga cho biết kỳ thi quốc gia chung một mặt để xét tốt nghiệp THPT, mặt khác cung cấp dữ liệu cho các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Cũng theo ông Ga, các trường tuyển sinh riêng, đào tạo theo tín chỉ có thể đề xuất lên Bộ để tuyển sinh hai lần/năm. Nếu nhận được đề án tuyển sinh hai lần/năm của trường tuyển sinh riêng, Bộ GD&ĐT sẽ sắp xếp thời gian cụ thể.

HUY HÀ

NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI

Môn ngữ văn: Hay và nâng tính suy luận

Nhận định đề ngữ văn, thầy Huỳnh Văn Thế, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Mang Thít (Vĩnh Long), cho rằng đề năm nay hay, đề cao lý luận văn học hơn. Cấu trúc đề thi có sự đổi mới khá rõ rệt nhưng hơi bất ngờ, dễ khiến thí sinh lo lắng khi làm bài. Đề thi ra ở mức tương đối vừa sức, thậm chí ở khối C có câu còn dễ hơn câu dễ của năm trước. Tuy nhiên, đề ở khối D khó hơn vì các em khối này thường không chuyên văn nên khó có điểm cao.

Theo phân tích của thầy Thế, trong cả hai đề trọng tâm hướng đến là tình yêu quê hương, đất nước. Cụ thể ở câu 2 điểm, đề chọn hai đoạn thơ hay trong hai bài thơ “Đò Lèn”, “Đất nước” đều nằm trong chương trình lớp 12. Hai đoạn thơ giàu tính nhân văn, gợi lên được tình yêu Tổ quốc thông qua những kỷ niệm thời thơ ấu và hình ảnh người bà, tình cảm gia đình trong “Đò Lèn”. “Cách ra đề này đã chống được lối dạy tủ, học thuộc lòng bấy lâu nay của thầy và trò” - thầy Thế nói.

Nói về câu 3 điểm, thầy Thế cũng đánh giá cao tính nhân văn và thực tiễn của vấn đề được đưa ra ở cả hai khối thi. Câu nói về phương châm sống tích cực và sức mạnh chân chính mang ý tận hiến, tận hưởng là suy nghĩ của nhiều người, nhất là tuổi trẻ hôm nay. Đề có nâng ý hỏi về tầm một quốc gia, để học sinh bày tỏ ý kiến trong bối cảnh đất nước và thế giới hiện nay. Nếu học sinh vững kiến thức lịch sử có thể làm rõ vấn đề này: Kẻ mạnh giẫm đạp nhân nghĩa và chân lý luôn là kẻ thất bại.

Riêng ở câu 3, cấu trúc đề năm nay thay đổi rõ rệt, không còn tự chọn, thí sinh học tủ văn xuôi hoặc thơ sẽ “cực kỳ nguy hiểm”. Đây là lời nhắc nhở cho người dạy và người học năm sau. “Nhìn chung, đề thi hướng vào kiểm tra năng lực người học. Thí sinh được bày tỏ chính kiến của bản thân, rung động thẩm mỹ về tác phẩm văn chương. Với đề này, phổ biến điểm nhiều nhất là 6-7 điểm” - thầy Thế đánh giá.

PHẠM ANH ghi

Môn hóa: Quá khó

Đây là nhận định của thầy Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (TP.HCM), về đề thi môn hóa khối B. Theo thầy Độ, đề môn hóa khối B khó hơn đề khối A và mức độ phân hóa rõ rệt hơn. Tỉ lệ bài tập và lý thuyết 50/50. Trong đó có một vài câu lý thuyết thí sinh có thể làm nhanh, còn đa phần phải suy luận mới làm được bài. Phần bài tập có một số dạng quen thuộc, còn lại dạng mới, lạ. Cụ thể các dạng lạ này chưa xuất hiện trong các bài thi thử, kiểm tra trước đó nên thí sinh khi gặp có thể sẽ hoang mang. Trong đó tập trung vào bài tập như dạng “dư, thiếu”. Đề cho như vậy nhưng không biết chất nào phản ứng hết, số liệu thu được phụ thuộc những chất nào…

Đề thi này rất khó nên thí sinh trung bình chỉ đạt tối đa 4 điểm, học sinh khá đạt tối đa 7 điểm, học sinh xuất sắc thực sự mới đạt điểm 10. Năm nay, điểm 10 chắc chắn rất ít so với khối A.

P.ĐIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm