Giữa dòng phim đương đại đang phát tràn lan trên truyền hình đến mức khán giả không nhớ nổi tên thì sự xuất hiện của bộ phim lịch sử Vó ngựa trời Nam (kịch bản: Phạm Thùy Nhân, đạo diễn: Lê Cung Bắc, TFS sản xuất) như một luồng gió mát lạ thổi vào màn ảnh nhỏ.
Cảnh trong phim Vó ngựa trời Nam (Ảnh do TFS cung cấp)
Chỉn chu, tâm huyết
Vó ngựa trời Nam tái hiện quãng đời của “thi tướng rừng xanh” Huỳnh Văn Nghệ từ khi còn là một cậu bé cho đến lúc trưởng thành và kết thúc ở giai đoạn ông ra Bắc tập kết nhận nhiệm vụ mới sau khi Hiệp định Genève được ký kết.
Ngay những tập đầu tiên, bối cảnh về cuộc sống và con người của miền Đông Nam Bộ thời Pháp thuộc trong Vó ngựa trời Nam đã lôi kéo sự chú ý người xem, nhất là khi thời gian qua, khán giả đã quá chán ngán với những bối cảnh nhà lầu, xe hơi xuất hiện thường xuyên trong các phim truyền hình.
Gạt qua những háo hức ban đầu về không gian mới lạ, Vó ngựa trời Nam tiếp tục lôi cuốn người xem bằng tiết tấu nhanh, tình tiết mạch lạc, có cao trào, lời thoại chăm chút, đặc biệt các nhân vật dù chính hay phụ đều có số phận, tính cách rõ ràng.
Một cậu bé Tám Nghệ còn nhỏ nhưng trong đầu đã sớm có tư tưởng chống Pháp; một Chín Quỳ sống trung thành, thật thà; một Ba Thôn - người phụ nữ muốn sống cuộc đời bình yên nhưng luôn bị Hương quản Chinh dòm ngó, quấy rối; một Tám Phát - đầu đảng toán cướp Cờ xanh; một Hai Tán - anh nông dân vui tính hay kể chuyện tiếu lâm cho mọi người nghe trong những lúc lao động cực nhọc - bị bọn Hương Tần đánh đập dã man, về nhà bệnh chết...
Xem phim, khán giả thấy phảng phất đâu đó bóng dáng của Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô..., những bộ phim có cùng bối cảnh đất và người Nam Bộ xưa, từng làm say mê nhiều người.
Với lớp khán giả trung niên, phim làm sống dậy những ký ức về quá khứ, một thời họ đã sống, đã trải qua. Còn với những khán giả trẻ, bộ phim giúp hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử, về cuộc sống của thế hệ đi trước.
Từ tập 12 trở đi, khi Huỳnh Văn Nghệ lớn lên, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng và vào làm trong sở hỏa xa, mạch phim diễn tiến dồn dập với hàng loạt sự kiện: Huỳnh Văn Nghệ trốn sang đất Xiêm tránh sự truy lùng của giặc sau thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, tham gia viết báo Hồn cố hương, vạch trần âm mưu của tổ chức Việt Nam phục quốc đồng minh hội, bị bắt rồi sau đó được trả về Việt Nam.
Mỗi tập luôn kết ở đoạn cao trào tạo sự hồi hộp, làm người xem không tránh khỏi sự tò mò về những diễn tiến trong tập tiếp theo.
Dấu ấn diễn viên
Góp phần vào thành công của phim phải kể đến diễn xuất của các diễn viên. Huỳnh Văn Nghệ là vai lớn thứ hai trên màn ảnh nhỏ của Huỳnh Đông sau Quân trong Gọi giấc mơ về. Thực ra, ban đầu, Huỳnh Đông không phải là ứng viên cho vai này. Anh được gọi đến chỉ để thử vai một nhân vật phụ.
Khắc họa được “chất đời” của nhân vật Bên cạnh những diễn biến thời cuộc mang tính chính trị liên quan đến Huỳnh Văn Nghệ, diễn biến tình cảm của nhân vật cũng được người xem quan tâm. Mối tình thanh mai trúc mã giữa Huỳnh Văn Nghệ với Lan - cô bạn học ở quê thuở nhỏ, tình cảm trong sáng với Nhàn - cô Việt kiều Thái hay với Thành - em gái của người bạn... được khắc họa để làm bật lên chất “đời” trong con người “thi tướng rừng xanh”. Vì thế, nhân vật chính hiện ra gần gũi hơn trong tâm trí người xem, làm cho bộ phim trở nên nhẹ nhàng hơn, bớt khô khan. |
Trong lúc diễn thử, đạo diễn Lê Cung Bắc phát hiện ngoại hình và nét diễn của Huỳnh Đông vừa có sự oai nghiêm lại vừa thư sinh, rất hợp với phong thái của thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Huỳnh Đông đã không làm đạo diễn và người xem thất vọng.
Trong những cảnh quay liên quan đến chuyện chính sự, thời cuộc, gương mặt nam tính và ánh mắt của Huỳnh Đông lột tả tốt thần thái, dũng khí của một thanh niên mang hoài bão lớn.
Còn trong những cảnh thể hiện tình cảm với những người phụ nữ trong đời, nụ cười hiền lành của anh là một lợi thế. Đặc biệt là những đoạn thể hiện tình cảm với vợ - Lan, Huỳnh Đông thể hiện tự nhiên, dễ thương, nhiều cảm xúc, có lẽ do ngoài đời Minh Đức - người thủ vai này - cũng chính là vị hôn thê của anh.
Một diễn viên trẻ khác cũng chiếm được nhiều cảm tình của người xem là Lê Phương - vai Nhàn. Khác với những nhân vật trong phim đều có thật, Nhàn là nhân vật hư cấu. Diễn xuất có nghề (Lê Phương xuất thân từ trường Sân khấu-Điện ảnh TPHCM), nét mặt trong sáng cùng đôi mắt biểu cảm của cô làm người xem thương cảm cho mối tình đơn phương mà Nhàn dành cho Huỳnh Văn Nghệ.
Ngoài Huỳnh Đông và Lê Phương, người xem còn ấn tượng mạnh với vai diễn Chín Quỳ của Thạch Kim Long. Đúng như đạo diễn Lê Cung Bắc dự đoán, Thạch Kim Long có lối diễn rất tự nhiên, điện ảnh.
Ngoại hình “ngầu đời” nhưng Thạch Kim Long lộ vẻ chân chất, thật thà rất hợp với vai diễn như Chín Quỳ, một thanh niên chất phác, hiền lành, có võ nghệ, bị tên điền chủ Hai Huỳnh lừa gạt để làm công không cho hắn rồi bị Huyện Hứa, ông thầy giáo dạy Huỳnh Văn Nghệ ngày trước, vu cho làm cộng sản và ra lệnh truy nã.
Những diễn biến tâm lý của nhân vật đi từ sự khờ khạo, cả tin cho đến lúc tỉnh ngộ, nhận biết mình bị lừa gạt được Thạch Kim Long thể hiện rất thuyết phục.
Theo Hương Nhu (NLĐ)