Đà Nẵng phải có cơ chế đãi ngộ thúc đẩy CM 4.0

Tại hội thảo, ông Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng) cho biết những năm qua TP đã có những bước phát triển khá ấn tượng về kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch và CNTT.

Đà Nẵng hiện có khoảng 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, doanh thu ngành ICT năm 2016 đạt 580 triệu USD.

"Tính đến tháng 10-2017, có 525 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng với 3 tỉ USD" - ông Dương nói.

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, từ năm 2000, Đà Nẵng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, trong cung cấp dịch vụ công cho người dân và trong quản lý, vận hành đô thị.

Phần tọa đàm trao đổi giữa các chuyên gia, nhà quản lý về CNTT về xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực này. Ảnh: TÂM AN

Năm 2014, TP hoàn thành cơ bản và đưa vào sử dụng, vận hành các hạng mục chính của Hệ thống thông tin chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Đà Nẵng cũng đã triển khai được một số ứng dụng thông minh cấp thiết như: Hệ thống quản lý xe buýt công cộng qua thiết bị giám sát hành trình, hệ thống điều khiển giao thông và camera thông minh, hệ thống giám sát nước uống nhà máy cầu Đỏ…

“Hiện nay, TP đã cơ bản hoàn thành mặt bằng Khu CNTT tập trung số 1, chuẩn bị khởi công Công viên phần mềm số 2 và thiết lập các chính sách phù hợp để sẵn sàng đón các doanh nghiệp CNTT đến đầu tư, làm việc” - ông Minh nói.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khẳng định với thế mạnh toàn diện về hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, Đà Nẵng là một trong ba địa phương trọng tâm của cả nước được ưu tiên đầu tư phát triển CNTT tập trung.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định Đà Nẵng là một trong ba địa phương trọng tâm của cả nước được ưu tiên đầu tư phát triển CNTT tập trung. Ảnh: TÂM AN

Hiện nay, công viên phần mềm Đà Nẵng là một trong những khu CNTT hoạt động hiệu quả nhất cả nước với tỉ lệ sử dụng hơn 99% diện tích. Tính đến tháng 6-2017, công viên này đã có 75 doanh nghiệp hoạt động, thu hút vốn đầu tư hơn 1.520 tỉ đồng.

“Đây là một kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương và ngành CNTT Việt Nam” - Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Hưng, trong giai đoạn phát triển mới, chính sách thu hút đầu tư của TP cần có trọng tâm, trọng điểm như: Ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư có nhiều hàm lượng chuyển giao công nghệ; các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có khả năng triển khai ở quy mô khu vực và toàn cầu. 

Bên cạnh đó tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, từng bước nâng cao năng lực và vị thế của CNTT của Việt Nam…

“Đà Nẵng phải xem việc đào tạo, phát triển nhân lực CNTT là yếu tố cốt lõi để có thể bắt kịp xu thế phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. TP phải có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ và tạo môi trường làm việc năng động để thu hút người tài” - ông lưu ý.

Theo Thứ trưởng Hưng, công nghiệp phần mềm và nội dung số đòi hỏi nhân lực chất lượng cao nhưng đem lại giá trị thặng dư lớn cho xã hội và có thể phát triển sản phẩm trên phạm vi toàn cầu.

Đọc thêm