Chiều 23-10, trước khi Quốc hội (QH) chứng kiến Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ, các đại biểu (ĐB) đã dành một giờ để thảo luận các báo cáo về kinh tế-xã hội, đầu tư công, cơ cấu lại nền kinh tế… của Chính phủ.
Tạo môi trường để tư nhân làm chủ lực
Trước việc Chính phủ hoàn thành và vượt 12 chỉ tiêu được QH giao, các ĐB đều đồng tình và cho rằng đó là tiền đề để tạo ra sự phát triển bền vững cho các năm còn lại của nhiệm kỳ.
ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới đã tăng cao. Tuy vậy, số DN giải thể và phá sản cũng tăng cao. “Chính phủ cần tạo môi trường thật tốt để hình thành nên các công ty tư nhân, tập đoàn tư nhân lớn làm chủ lực cho nền kinh tế. Đây là vấn đề quan ngại cần đặt ra” - ông Quốc nói. Mặt khác, ông Quốc cũng đề cập tới xuất khẩu đang phụ thuộc vào một số DN FDI như Samsung. “Chúng ta có quan ngại rằng Samsung là DN Hàn Quốc, mối quan hệ giữa Nam-Bắc Hàn tốt, có thể họ sẽ tăng sang hướng Bắc đầu tư, như vậy lượng đầu tư đưa về Việt Nam có còn tốt đẹp như những năm vừa rồi không?” - ông đặt vấn đề. Ông Quốc cũng đề cập tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ năm 2019 tăng lãi suất, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và đề nghị nên có những đánh giá kỹ hơn.
ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đánh giá cao việc GDP tăng trưởng cao nhất sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. “Những con số Chính phủ báo cáo đã cho chúng tôi sự lạc quan. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới hiện diễn biến phức tạp và không thuận lợi nhưng kết quả kinh tế chín tháng năm 2018 cho chúng ta ước dự báo 2018 tăng trưởng kinh tế sẽ vượt chỉ tiêu đề ra” - ông Ngân nói. Tuy vậy, ông Ngân cho hay một số lĩnh vực “vẫn thiếu bền vững” như nông nghiệp mà biểu hiện là “bấp bênh, được mùa mất giá, giải cứu nông sản thường xuyên xảy ra”.
Đại biểu Quốc hội Cao Đình Thường băn khoăn việc sáp nhập các cơ quan nhà nước. Ảnh: CHÂN LUẬN
Báo động tội phạm ma túy và mạng xã hội
ĐB Thuận Hữu (Hải Phòng) bày tỏ vui mừng với các chỉ tiêu mà Chính phủ đánh giá có khả năng vượt. Có những chỉ tiêu mà hàng chục năm nay không đạt nhưng năm nay, dưới sự điều hành quyết liệt của Thủ tướng và Chính phủ, các chỉ tiêu ấy đã vượt. Tuy vậy, ông vẫn băn khoăn khi chưa thấy các công trình khởi công nhiều, chẳng hạn như đường ven biển miền Trung và Bắc Trung bộ.
Theo ĐB Thuận Hữu, lĩnh vực văn hóa xã hội còn nhiều bức xúc. “Tỉ lệ tội phạm ma túy tăng rất cao. Nhiều vụ việc xảy ra đau lòng, như vụ bảy thanh niên ở lễ hội âm nhạc tử vong vì ma túy” - ĐB Thuận Hữu nêu. Hay như cao tốc Quảng Ngãi được đầu tư 34.000 tỉ đồng nhưng vừa làm xong đã bị bong tróc, xói lở. “Tỉ lệ không nhiều nhưng lý giải “do trời mưa” của người phát ngôn khiến dư luận không đồng tình” - ĐB Thuận Hữu nói và đề cập đến những bức xúc liên quan vấn đề này trên mạng xã hội.
Ý kiến khác nhau về sáp nhập
ĐB Cao Đình Thường (Phú Thọ) băn khoăn việc sáp nhập các cơ quan nhà nước. “Thời gian qua có nhiều việc nhạy cảm phát sinh. Do đâu? Có phải do sáp nhập mà thiếu tính toán? Ở các địa phương, việc sáp nhập thì phải thí điểm, đánh giá, tổng kết rồi mới triển khai” - ĐB Thường nêu ý kiến. Lấy ví dụ về việc thí điểm 10 năm không tổ chức HĐND ở cấp huyện, xã, ĐB Thường cho rằng cuộc thí điểm đó đã không thành công.
“Hiện ta đang thí điểm nhiều thứ, trong đó có việc sáp nhập các cơ quan của Đảng và chính quyền, thí điểm sáp nhập văn phòng các cơ quan của tỉnh, đoàn ĐBQH… gây ra những ý kiến khác nhau, có những ý kiến băn khoăn, trăn trở. Căn cứ lý luận, thực tiễn đã có chưa? Điều này phải xem xét” - ông Thường nói.
Tuy vậy, ông Thường cũng cho rằng có những sự sáp nhập là hợp lý như Sở Tài chính sáp nhập với Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng sáp nhập với Sở GTVT, văn phòng đoàn ĐBQH sáp nhập với văn phòng HĐND… Góp ý thêm, ĐB Thuận Hữu nêu: “Vừa rồi, nhiều tỉnh sáp nhập hội nhà báo vào hội văn học nghệ thuật. Hội nhà báo là do luật định, có điều lệ do Thủ tướng ban hành. Giờ sáp nhập vào thì họ hoạt động kiểu gì? Nếu sáp nhập thì ngay từ trên trung ương phải nhập trước, phải sửa điều lệ hai hội”.
Thu hút nhân tài nhưng “trống xuôi kèn ngược” Chúng ta chủ trương thu hút nhân tài. ông Trương Nguyện Thành là giáo sư, tiến sĩ thực sự ở Mỹ về làm phó hiệu trưởng ĐH Hoa Sen. Giờ có nhu cầu đưa lên làm hiệu trưởng, mình lại nói theo luật Việt Nam ông chưa từng làm việc ở cấp phòng, không đủ tiêu chuẩn. Một mặt mình nói thu hút nhân tài là tạo cơ chế để thu hút nhân tài, một mặt mình bắt nhân tài phải chui vô cơ chế hiện hữu của mình thì mới được, “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Ông Thành về làm cho đại học tư, không lấy lương ngân sách nhà nước, ông đang làm mấy năm có hiệu quả, sinh viên rất thích, phương thức giáo dục mới, Hoa Sen là một trường đang lên, cho làm hiệu trưởng mình không mất đồng xu nào, trái lại ông Thành phải đóng góp cho Nhà nước. Nhưng mình lại nói cơ chế tôi không cho làm hiệu trưởng, ông đi về Mỹ đi. Ông cũng là người Việt Nam. Tôi cho rằng phải rút kinh nghiệm sâu sắc, làm người ta mất niềm tin, mình mất cơ hội thu hút người tài. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa |