Đại dịch COVID-19: Một dịp để nhìn lại câu chuyện phát triển

Nhìn lại năm 2021, với nhiều mất mát, đau thương, trong đó người lao động di cư tại các đô thị nổi lên như một vấn đề không chỉ mang tính chất xã hội mà còn là mối ưu tư về mặt chính sách được đặt lên bàn nghị sự.

Cầm cự, chờ đợi và rời đi...

Khi đại dịch diễn ra, những người di dân nghèo khổ lũ lượt về quê với qui mô lớn. Mọi người bàng hoàng đau xót cho những thân phận khó nghèo mưu sinh, những người làm chính sách nhanh chóng bổ sung, sửa đổi và đưa ra những gói cứu trợ khẩn cấp cho những người dễ bị tổn thương, người yếu thế.

Những nỗ lực về mặt chính sách an sinh của các tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai với những gói cứu trợ hàng nghìn tỷ nhưng rồi cũng khó giữ chân được người lao động di dân. Họ phải về với quê hương, bản quán để nghỉ ngơi sau một chuyến di cư dài hạn và trước mắt là những khó khăn, rủi ro vừa cả về nhân mạng vừa cả về các điều kiện sống cơ bản để sinh tồn.

Nhiều lao động di cư làm nghề bán vé số, nhặt ve chai, thợ hồ...Ảnh: NGỌC LÀI 

Giữa hai lựa chọn ở lại hay trở về, những khảo sát nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở nơi người lao động di cư luôn là tình thế băn khoăn, chọn lựa nhưng có vẻ như lần này họ đã dứt khoát trở về trong tâm thế tự sắp xếp lại chuyện của gia đình.

Có lẽ, đây là cách thức ứng xử thường xuyên của người lao động di cư. Bởi lâu nay khi sống ở đô thị họ vẫn hành xử như vậy. Sự chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị đã thúc đẩy dòng người di dân liên tục hơn hai thập kỷ qua ở Việt Nam.

Khi nền kinh tế mở cửa từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam với chính sách trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư với nhiều ưu đãi để thúc đẩy kinh tế phát triển, cải thiện đời sống dân sinh như: chính sách tiền lương giá rẻ, đầu tư qui hoạch các khu công nghiệp tập trung với các điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung theo qui mô lớn và trọng điểm. Chính điều này đã tạo ra sức hút lao động từ các khu vực từ nông thôn về các vùng kinh tế trọng điểm. Họ rời khỏi quê hương, bản quán để tới trú ngụ tạm bợ nơi đô thị. SocialLife

Nguồn thu nhập của lao động tự do dưới 4,42 triệu đồng chiếm đa số.

Với khoản thu nhập ít ỏi, người lao động đã phải làm việc nhiều hơn, cực nhọc hơn và nghèo nàn về thời gian hơn để mua lấy sự an sinh. Chính vì vậy, từ lâu những người lao động di cư dường như đã hình thành tập tính (habitus) tự xoay sở, tự lo toan và khi những biến cố xảy ra họ cũng một lần nữa “trở về để tự sắp xếp chuyện gia đình”.

Khi đại dịch bùng phát, theo số liệu khảo sát của chúng tôi có tới 82% trên tổng số 850 người được hỏi cho biết kinh tế lâm vào tình trạng khó khăn tài chính. Nguồn thu nhập ít ỏi của họ dường như mất trắng, trong đó nhóm chịu ảnh hưởng nhất chính là nhóm lao động tự do (73,7%) và giáo viên tư thục (73,8%) là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ở khía cạnh dịch bệnh, hầu hết trong số hoàn cảnh gia đình người lao động di cư tự thân cũng trở thành nhóm dễ bị tổn thương vì dịch bệnh. Một trong những lý do là điều kiện cư trú chật hẹp.

Những lúc khó khăn cùng cực, họ cũng đã phải gắng gượng để mưu sinh, để sống cuộc đời của mình và lo toan cho người thân. Trong quan sát của chúng tôi, họ là một trong nhóm đi đầu về việc thích ứng an toàn. Trong hành trang mưu sinh của người bán vé số, người bán hàng rong, … đều có chai cồn, khẩu trang và cả kính chống giọt bắn. Họ đã nhanh chóng trở lại nền kinh tế vỉa hè, làm việc để tự lo cho bản thân và gia đình. Còn những người về quê, trong các đợt giãn cách họ cũng đã âm thầm trở lại một cách vô hình dù rằng không ít người trở về quê lần này cũng đã có những dự tính lâu dài cho gia đình. Con số 7.500 học sinh được cha mẹ rút hồ sơ để về quê học tập cũng có thể xem là những chỉ báo đáng quan tâm.

Lao động tự do bị mất 100% thu nhập chiếm tỉ lệ rất cao.

Trong tình huống khó khăn chung, người lao động đã đưa ra giải pháp tự thân để vượt qua cơn bĩ cực. Họ tiết kiệm chi tiêu (52,1%), sử dụng khoản tiết kiệm (24,6%), vay mượn nợ để trang trải (34,6%), nhận trợ cấp từ chính quyền (22,9%) và nhận sự giúp đỡ từ gia đình, người thân (25%),…

Cầm cự, chờ đợi và rời đi là những phương thế có thể quan sát được nơi người di dân tự thân. Và sự thật là họ đã trở về, họ đã tháo bớt gánh nặng cho các chính quyền đô thị để có thêm nguồn lực, tâm trí để còn lo toan cho các việc khác. Họ trở về cũng là động lực thúc đẩy chiến lược phủ vaccine ở các tỉnh thành ngoài khu vực trọng điểm.

Thế đấy, những người lao động yếu thế, vô hình nhưng trong những thời khắc quan trọng, họ đã hành động cá nhân theo các mô thức hành xử tập thể.

Một dịp để xem xét lại mô hình phát triển kinh tế

COVID-19 đem đến những hệ lụy đau thương nhưng có thể xem là sự khởi đầu cho những lưu tâm về chính sách.

Nếu nhìn vào những con số người nhiễm bệnh, số người chết, sự tê liệt nền kinh tế, đó là nỗi đau của toàn xã hội mà chúng ta cần rất nhiều năm để chữa lành những thương tổn. Nhưng nếu nhìn về những động lực thay đổi để phát triển bền vững, chúng ta lại thấy dường như trong những lúc nguy khó, đau thương này, chúng ta có dịp để nhìn lại một chiều dài lịch sử phát triển kinh tế sau giai đoạn mở cửa.

Để rồi từ đây, chúng ta có thể chuyển đổi sang mô hình phát triển mới với sự tăng trưởng kinh tế bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với chính sách đảm bảo an sinh xã hội.

Trong đại dịch vừa qua, người ta thấy những cụm từ: người lao động di dân, người lao động tự do, người yếu thế, ... xuất hiện với tần suất cao trên các phương tiện truyền thông chính thống và cả trong các văn bản hành chính của các cơ quan Nhà nước. Nhiều chính sách, mô hình an sinh dành cho người yếu thế tiếp tục ra đời, và có lẽ những điều chỉnh về luật liên quan đến người lao động, BHXH cũng được xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.

Nhưng điều quan trọng hơn, có lẽ đây cũng là dịp để Việt Nam xem xét lại mô hình phát triển kinh tế, chúng ta cần một sự chuyển dịch mô hình tư duy kinh tế trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Chúng ta không thể mãi duy trì chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp theo thể thức cũ mà cần một lần mạnh dạn chuyển dịch phân khúc gia công sang những phân khúc có giá trị cao hơn. Sự chuyển dịch này về mô hình phát triển chắc chắn sẽ có những khó khăn, người lãnh đạo cũng sẽ phải cân nhắc trước những rủi ro đối với cảnh huống “rời đi của doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, nếu không chuyển dịch mô hình, tư duy phát triển kinh tế, câu chuyện an sinh xã hội và cả những khía cạnh rủi ro khác từ phía người lao động cũng là điều đáng lưu tâm mà trước mắt là xu hướng “rời đi” của chính người lao động. Đây là những dấu hiệu sơ khởi cho một tiến trình giải cơ cấu hóa lao động việc làm một cách tự thân. Vậy nên, chúng ta cũng cần chuẩn bị một tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế (de-construction) cho một viễn cảnh xã hội hậu COVID-19.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm