Dân ca Việt hòa đàn cổ Nhật, Hoa, Hàn

Nhóm đã biểu diễn ở Pháp và nhiều nơi trên thế giới. Đêm qua, Camkytiwa vừa biểu diễn suất duy nhất tại TP.HCM.

Nhiều lần trở về Việt Nam biểu diễn nhưng đây là lần đầu tiên ca sĩ Hương Thanh đã trở về cùng ba thành viên ban nhạc Camkytiwa để trình diễn âm nhạc dân tộc Việt Nam một đêm duy nhất tại Nhạc viện TP.HCM.

Hát ầu ơ cho người nước ngoài

Trong buổi trò chuyện vào tối qua (14-5), ca sĩ Hương Thanh đã chia sẻ: “Không chỉ riêng mình mà ba thành viên còn lại là: Yan Li từ Trung Quốc chơi đàn nhị, Etsuko Chida từ Nhật đàn koto và E’Joung Ju từ Hàn Quốc chơi đàn geomungo đều rất phấn khởi trước chuyến đi về Việt Nam biểu diễn”.

Sinh ra trong gia đình nghệ sĩ, ca sĩ Hương Thanh được tiếp xúc, học cả cải lương lẫn tân nhạc từ nhỏ. Nhưng từ nhỏ chị đã rất yêu dân ca. Hương Thanh chọn dân ca để biểu diễn không chỉ cho khán giả Việt. “Nhiều người Việt ở nước ngoài không thích nghe ầu ơ mà thích cái gì mới. Tôi chọn dân ca và nhắm vào khán giả là người nước ngoài. Tôi cố gắng làm sao để người nước ngoài thích cái ầu ơ, thích chiếc nón, trang phục áo dài… của mình. Tôi đã làm điều đó 20 năm nay, có thể kết quả nhỏ hơn các nghệ sĩ ở Việt Nam nhưng với nước ngoài rất lớn” - ca sĩ Hương Thanh kể.

Dân ca Việt hòa đàn cổ Nhật, Hoa, Hàn ảnh 1

Sự đa dạng văn hóa là đặc trưng của nhóm nhạc đa quốc gia Camkytiwa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Và để cho người nước ngoài thích cái ầu ơ, Hương Thanh còn làm việc như nhà diễn thuyết. Chị kể: “Ngoài đứng hát thì tôi còn phải cắt nghĩa câu ca, điệu nhạc cho khán giả…, mong khán giả nước ngoài sau khi nghe tôi giải thích và biểu diễn có thể đồng cảm được những điều đó”.

Âm nhạc kết nối lòng người

Khi sang Pháp định cư, chị xem hát, trình diễn nhạc dân tộc nhiều quốc gia ở các bảo tàng tại Pháp chị lại bị thu hút bởi những tiếng đờn cổ: Koto, erhu, geomungo…

Chưa đến một năm thành lập, nhóm đã có khá nhiều buổi diễn, tập được hơn 11 tác phẩm âm nhạc dân tộc để làm vốn lận lưng cho những buổi diễn tại Việt Nam và nhiều nước khác.

“Từ thích tiếng đờn tôi đã nghĩ đến việc diễn chung cùng các loại đờn này. Bởi nếu chỉ diễn với một loại đờn thì không đủ cung bậc, người ta sẽ chán. Tôi nghĩ đến chuyện ban nhạc Việt Nam chơi bằng đờn cổ của nhiều quốc gia khác. Thêm một may mắn là tôi và các thành viên đi xem các buổi diễn của nhau và thích cách trình diễn của nhau, ba thành viên còn lại cũng thích âm nhạc Việt Nam” - ca sĩ Hương Thanh chia sẻ. Vậy là nhóm nhạc Camkytiwa đã ra đời.

Người ở Pháp lâu nhất là Hương Thanh với hơn 30 năm, các thành viên còn lại người thì hai năm, người hơn 10 năm…, vốn tiếng Pháp để trao đổi cũng giới hạn. Thế nhưng ca sĩ Hương Thanh cho biết âm nhạc có thể kết nối mọi người với nhau. Cứ mỗi lần tập bài hát mới, mỗi người soạn cho nhạc cụ của mình theo ý của mình. Nhưng khi nào hợp lại thì phải chỉnh sửa cho phù hợp và cùng ngồi soạn chung lại. Khó nhất để trình diễn ca khúc nhạc dân tộc nước khác là học lời bài hát. “Tôi không muốn học như một con két mà phải hiểu, các nghệ sĩ trong nhóm cũng phải giải thích như tôi giải thích những tác phẩm Việt Nam cho họ. Phải hiểu hát gì mới diễn được” - Hương Thanh nhấn mạnh.

Camkytiwa là bốn chữ Cầm - kỳ - thi - họa

Tên nhóm nhạc Camkytiwa là ghép âm bốn chữ Cầm - kỳ - thi - họa. Gồm có:

Ca sĩ Hương Thanh sinh tại Sài Gòn, cha là nghệ sĩ Hữu Phước và chị là nữ ca sĩ Hương Lan. Chị học hát cải lương từ năm 10 tuổi và bước lên sân khấu lần đầu năm 16 tuổi. Chị từng kết hợp với nghệ sĩ nhạc jazz Nguyên Lê trong dự án Tales from Vietnam (Những câu chuyện từ Việt Nam) nhận được nhiều giải thưởng uy tín tại châu Âu và Mỹ.

Nhạc sĩ Etsuko Chida (Nhật) đã học đàn koto từ khi lên 5 tuổi, đã thụ giáo các nghệ sĩ bậc thầy của đàn koto theo trường phái Yamada. Cô đã thực hiện nhiều chương trình biểu diễn tại Nhật Bản, cùng nhiều quốc gia châu Âu và Trung Đông. Hiện cô sống tại Paris.

Nhạc sĩ E’Joung Ju (Hàn Quốc) đã được trao giải Báu Vật Quốc Gia của Hàn Quốc vào năm 1994 nhờ tài chơi đàn geomungo. Cây đàn này trong tay chị dường như có thể thể hiện được mọi thể loại âm nhạc từ cổ chí kim với âm thanh mạnh mẽ, đầy uy lực.

Nhạc sĩ Yan Li (Trung Quốc) đã tốt nghiệp Học viện âm nhạc Thiên Tân, nơi rất nổi tiếng với những tài danh đàn nhị bậc nhất của Trung Quốc. Chị đã biểu diễn tại nhiều liên hoan âm nhạc lớn của Pháp với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Chị cũng tham gia dự án âm nhạc lớn có tên Con đường Tơ lụa Âm nhạc.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm