Dân không đồng tình góp 35 triệu đồng/hộ để làm đường

(PLO)- Xã Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) vận động mỗi hộ dân đóng góp 35 triệu đồng để làm đường khiến nhiều người bức xúc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhiều ngày nay, khoảng 100 hộ dân ở hai ấp Tân Hòa Ngoài và Tân Hòa Trong, xã Tân Phú Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) bức xúc khi lãnh đạo xã họp dân, vận động mỗi hộ đóng góp 35 triệu đồng để làm hơn 1,1 km đường. Các hộ dân cho biết số tiền này quá lớn, ngoài khả năng đóng góp của dân.

Nhiều người dân địa phương không đồng tình đóng góp 35 triệu đồng/hộ. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Nhiều người dân địa phương không đồng tình đóng góp 35 triệu đồng/hộ. Ảnh: ĐÔNG HÀ

"Quá sức dân”

Theo nhiều người dân, tại cuộc họp dân ở Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Tân Hòa Ngoài diễn ra ngày 8-6, ông Võ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Tây, thông báo sắp xây dựng đoạn còn lại của tuyến lộ ĐA 03 (đường liên ấp Tân Hòa Trong và Tân Hòa Ngoài) dài hơn 1,1 km, ngang 3 m. Kinh phí làm đường là 3,5 tỉ đồng.

Ông Bình thông tin tại cuộc họp: Địa phương không có kinh phí để hoàn thiện hơn 1,1 km đường này nên huy động dân đóng góp để làm đường “trả nợ” tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Hai ấp Tân Hòa Ngoài và Tân Hòa Trong có khoảng 100 hộ dân, ông Bình đưa ra mức huy động dự kiến mỗi hộ sẽ đóng góp 35 triệu đồng. Sau khi nghe ý kiến của lãnh đạo xã, đa phần người dân đều không đồng tình và cho rằng mức đóng trên là quá cao, người dân không có khả năng đóng. Cuộc họp chưa kết thúc nhưng nhiều người dân đã bỏ về.

Các hộ dân cho hay dân ở đây chủ yếu sống bằng trồng dừa, chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong số này có nhiều hộ thuộc diện hộ cận nghèo, gia đình chính sách

Ông Nguyễn Văn Bình, người dân ở Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Tân Hòa Ngoài, nói: “Việc mở đường thông thoáng để phục vụ việc đi lại và phát triển của địa phương thì người dân rất đồng tình. Tuy nhiên, việc xã vận động mỗi hộ đóng góp 35 triệu đồng là quá sức dân, tôi không có khả năng nào đóng nổi”.

Tương tự, ông Trần Văn Phi Hùng, người dân ở Tổ nhân dân tự quản số 1, ấp Tân Hòa Ngoài, cho hay gia đình ông có 2,5 công đất trồng dừa, mỗi tháng thu huê lợi từ vườn dừa chỉ khoảng 900.000 đồng. Nhưng hiện nay giá dừa sụt giảm chỉ còn 25.000 đồng/chục, huê lợi từ vườn dừa giảm xuống chỉ còn 300.000 đồng/tháng.

“Hiện gia đình tôi có năm miệng ăn, tiền mua gạo còn thiếu trước hụt sau thì tiền đâu có 35 triệu đồng để đóng góp làm đường. Tôi không có khả năng, không đồng ý đóng” - ông Hùng nói.

Cũng theo người dân, trước đây vào năm 2010, để làm lộ bê tông liên ấp Tân Hòa Trong và Tân Hòa Ngoài, mỗi hộ dân đóng góp dựa trên đầu công đất với mức 100.000 đồng/công đất để làm lộ bê tông ngang 2 m.

“Hiện đã có lộ đi còn tốt, điều kiện kinh tế gia đình tôi còn khó khăn, tôi chưa có khả năng đóng tiền để làm lộ mới” - ông Nguyễn Văn Xiêm nói tại cuộc họp.

Xã tổ chức họp dân để xem ý kiến của dân đồng tình mức độ nào, dân ủng hộ mức độ nào để làm đường có kết quả, chứ không ép buộc dân đóng

35 triệu đồng/hộ.

Xã không có kinh phí nên... huy động dân

Ngày 25-7, trao đổi với PV, bà Trần Thị Lâm Duyên, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Tây, cho biết ngày 8-6 vừa qua xã có tổ chức cuộc họp dân. Theo bà Duyên, sau khi hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2017 đến nay xã còn nợ một số tiêu chí về giao thông, trong đó có đoạn đường ĐA 03 (đường liên ấp Tân Hòa Trong và Tân Hòa Ngoài).

Lộ bê tông liên ấp Tân Hòa Trong và Tân Hòa Ngoài vẫn còn tốt. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Lộ bê tông liên ấp Tân Hòa Trong và Tân Hòa Ngoài vẫn còn tốt. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo bà Duyên, thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đường ĐA 03 Nhà nước hỗ trợ 50%, dân đóng góp 50%. Trên tuyến này, hiện xã đã làm xong 1,6 km bằng vốn ngân sách gần 5 tỉ đồng. Đoạn còn lại dài hơn 1,1 km chưa làm với kinh phí khoảng 3,5 tỉ đồng, đây là phần của dân đóng góp.

Chủ tịch UBND xã Tân Phú Tây cũng cho biết do nợ tiêu chí xã nông thôn mới đã nhiều năm và áp lực “đòi nợ” tiêu chí nông thôn mới của huyện nên xã mới tổ chức họp dân.

Cũng theo lãnh đạo xã Tân Phú Tây, xã tổ chức họp dân để xem ý kiến của dân đồng tình mức độ nào, dân ủng hộ mức độ nào để làm đường có kết quả, chứ không ép buộc dân đóng 35 triệu đồng/hộ.

“Chúng tôi biết đời sống người dân hiện đang còn khó khăn. Việc huy động mỗi hộ đóng 35 triệu đồng để làm đường là người dân không có khả năng. Xã chỉ bàn bạc và ghi nhận ý kiến của dân rồi tiếp tục vận động thêm mạnh thường quân, chứ hiện nay xã không còn nguồn nào để làm đường. Hiện nay xã chưa vận động được mạnh thường quân nên chưa xác định được mỗi hộ sẽ đóng góp bao nhiêu” - bà Duyên nói.•

Phải căn cứ vào mức sống của dân

Ông Phạm Thanh Truyền, Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc, cho biết việc nợ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới thì phải trả để tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Việc vận động dân bao nhiêu thì phải căn cứ vào thực tế khu vực đó cho hợp lý với mức sống của dân cư ở đó và phải công bằng với các hộ trước đây.

“Không biết xã căn cứ như thế nào nhưng hiện nay mỗi hộ phải đóng 35 triệu đồng thì không khả thi. Có thể tính toán để biết được mức đóng bình quân của hộ dân rồi huy động thêm các nguồn bên ngoài thì mới khả thi” - ông Truyền nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm