Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng tô tô. Trong đó, một điểm đáng chú ý là việc bổ sung quy định về dán dải phản quang trên xe có trọng tải thiết kế từ 7 tấn trở lên nhằm đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt vào ban đêm.
Tác động trên 350.000 xe
Bộ GTVT cho biết quy định này sẽ tác động đến trên 350.000 xe tải. Ban soạn thảo nghị định cho rằng theo kinh nghiệm của một số nước phát triển, thực hiện giải pháp này đã mang lại hiệu quả rất tích cực về đảm bảo an toàn, giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Đơn cử, Cơ quan ATGT đường bộ Mỹ công bố báo cáo cho thấy việc tăng khả năng nhận diện bằng dải phản quang cho các xe tải có thể giúp giảm 41%-44% số vụ TNGT liên quan tới xe tải lớn. Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học giao thông Liên bang Nga với sự tham gia của hơn 35.000 xe tải trên toàn quốc cho thấy giải pháp dán dải phản quang đã giúp giảm 45% số vụ, 50% số người chết và 65% số người bị thương so với xe tải không có phản quang.
“Như vậy, có thể khẳng định đây là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm TNGT. Đơn vị kinh doanh vận tải có thể chủ động thực hiện; không tốn nhiều kinh phí nhưng hiệu quả rất lớn” - ban soạn thảo nghị định thông tin.
Một vụ tai nạn xảy ra ban đêm do không nhận diện được xe tải phía trước. Ảnh: HT
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ”
Ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng), khẳng định rất ủng hộ việc dán nhãn phản quang lên xe để hạn chế TNGT. Tuy nhiên, ông Hoàn còn phân vân về cách triển khai thực hiện quy định này.
“Nếu là quy định bắt buộc, cần phải có lộ trình phù hợp cho cả doanh nghiệp và người dân chuẩn bị. Nếu áp và xử phạt ngay đối với xe không dán nhãn sẽ thiếu hợp lý. Bên cạnh đó, việc dán nhãn cần quy định rõ và linh hoạt, không nên ép doanh nghiệp mua sản phẩm này của một đơn vị nào đó” - ông Hoàn nhấn mạnh.
Một vụ tai nạn với xe tải . Ảnh: HT
Chủ một công ty vận tải ở Đồng Nai cũng nhận định việc dán dải phản quang không gây tốn nhiều kinh phí nhưng sẽ rất hiệu quả trong việc đảm bảo an toàn cho nhiều phía. “Chúng tôi có khoảng 50 xe tải lớn nhỏ, mỗi ngày đều vận chuyển hàng hóa đến TP.HCM, việc chạy xe ban đêm cũng rất thường xuyên nên tôi ủng hộ phương án này” - vị này cho biết.
Về phía các tài xế xe tải hầu hết cũng đồng tình. Anh Mai Văn Long, tài xế ngụ quận Thủ Đức, chia sẻ: “Xe tải phải di chuyển chậm so với ô tô khác, vì vậy việc cảnh báo và dán dải phản quang trên xe theo tôi là cần thiết. Hiện nay xe tôi cũng đã dán để khi di chuyển trên đường, các xe phía sau giữ được khoảng cách an toàn. Khi dừng/đỗ dọc đường, những phương tiện đang lưu thông sẽ dễ dàng nhận diện và tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”.
Một vụ tai nạn với xe tải . Ảnh: HT
Phân tích rõ hơn về quy định này, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia - đơn vị đề xuất, cho biết việc đưa quy định này vào nghị định xuất phát từ tình hình thực tế. Thời điểm ban đêm, nhá nhem tối, ô tô, xe thô sơ dễ đâm vào xe tải đậu bên đường vì không kịp nhận diện. Các nước phát triển như Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga… đã có quy định này từ lâu. Xe tải cỡ lớn nước bạn phải dán dải phản quang phía sau, hai bên, thậm chí phía trước xe để giúp tài xế nhận biết được các phương tiện một cách nhanh nhất.
“Khi quy định này được ban hành, Bộ GTVT sẽ có thông tư cụ thể hướng dẫn về kích thước tấm dán dài, rộng như thế nào. Cần có lộ trình phù hợp chứ không buộc doanh nghiệp, người dân thực hiện ngay được. Có thể sẽ triển khai dán vào năm 2020” - ông Minh thông tin.
Năm 2016, Bộ GTVT triển khai thí điểm một nghiên cứu với Tập đoàn 3M và Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng trong việc dán phản quang cho 115 xe tải và xe container của 12 doanh nghiệp. Kết quả cho thấy tài xế, Hiệp hội Vận tải đánh giá rất tốt về mặt ATGT bởi giảm được rất nhiều va chạm. Từ đó nhiều người rất muốn giải pháp này được triển khai rộng khắp để tránh tai nạn đáng tiếc. Thực tế, hiện nay quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô có nội dung xe phải có tấm phản quang nhưng quá nhỏ. Vì vậy, cần có dải phản quang lớn để cảnh báo mạnh hơn. |