Dân thả đồi mồi về biển, ai phơi vây cá xứ người?

Ngày hôm qua, 22-1, hai con đồi mồi quý hiếm đã được một Facebooker cùng cán bộ Khu bảo tồn Hòn Cau ở Tuy Phong, Bình Thuận thả về biển. Câu chuyện này gây xúc động đặc biệt trên mạng xã hội, nhất là khi đặt bên cạnh chuyện vây cá mập phơi trên mái nhà sứ quán Việt Nam tại Chile.

Lòng yêu biển thắng điều lợi cá nhân

Sáng Chủ nhật 21-1, Nguyễn Hồng Kim Hoàng, một người bạn trên Facebook, nhắn tin cho tôi nói rằng anh vừa mua được hai con đồi mồi rất đẹp và đang muốn thả về với đại dương nhưng lại lo lắng khi vận chuyển sẽ bị bắt giữ.

Hoàng lo lắng là đúng, bởi đồi mồi đã được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đưa vào sách đỏ, là loài cực kỳ nguy cấp phải bảo vệ nghiêm ngặt.

Là người dân Tuy Phong, Bình Thuận vào TP.HCM sinh sống, Hoàng từng là người lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ tuyệt đối loạt bài của báo Pháp Luật TP.HCM phản biện dự án “nhấn chìm” 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển Vĩnh Tân, cạnh Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Hoàng tâm sự anh rất muốn làm điều gì đó có ý nghĩa cho Hòn Cau, cho vùng biển thân thương của quê hương nhưng mãi vẫn chưa thực hiện được.

Tuần trước, những thương lái ở Cà Mau đưa đến cặp đồi mồi gạ bán cho Hoàng với giá 15 triệu đồng. Cặp đồi mồi nặng hơn 16 kg, trên mai và yếm đều có hoa văn rất đẹp. Nếu bán lại cho những người chế tác đồ mỹ nghệ hoặc chào hàng cho các đại gia mua về bỏ vào những hồ thủy sản đắt tiền, Hoàng kiếm được món hời kha khá.

Là người mua bán để mưu sinh, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên Hoàng cũng gác tay lên trán để suy nghĩ dữ lắm. Nhưng nhớ đến Hòn Cau, nơi có rất nhiều rùa biển từ khắp nơi tìm về đây sinh sản, Hoàng quyết định liên lạc với tôi qua messenger trên Facebook.

Lập tức, tôi và ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận và các “bà đỡ” cho rùa đẻ trên Hòn Cau liên lạc, kết nối với nhau.

Ông Huỳnh Quang Huy cho biết dù là ngày nghỉ nhưng trước việc cấp thiết và nguyện vọng, hành động tốt đẹp của anh Hoàng, ông đã đến cơ quan ký khẩn cấp quyết định tiếp nhận hai con đồi mồi.

Quyết định này cũng ghi rõ gửi đến các cơ quan hải quan, công an và các cơ quan chức năng về việc ông Nguyễn Hồng Kim Hoàng sẽ vận chuyển hai con đồi mồi quý hiếm từ TP.HCM ra giao cho Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận. Quyết định có giá trị trong thời hạn hai ngày.

Theo ông Huy, quyết định tiếp nhận này cũng giống như tấm giấy thông hành vận chuyển đặc biệt để người giao, nhận yên tâm. Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã lập tức scan quyết định trên chuyển hỏa tốc cho Hoàng. Anh Hoàng đã cẩn thận in quyết định nói trên ra giấy với dấu mộc đỏ chót và đến 21 giờ cùng ngày (21-1) anh đã đưa hai con đồi mồi vào thùng rồi đón xe khách ra Tuy Phong, Bình Thuận.

Anh Nguyễn Hồng Kim Hoàng (phải) và anh Trần Công Lập (cán bộ Khu bảo tồn biển Hòn Cau)  cùng đếm ngược rồi thả hai chú đồi mồi xinh đẹp về với biển.

Hoa văn trên mai con đồi mồi tuyệt đẹp. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Niềm vui của hai chú đồi mồi khi về với biển

Nói thiệt, người viết đã thở phào nhẹ nhõm vì mọi việc giải quyết rất nhanh chứ nếu không có giấy phép đặc biệt này thì tình ngay lý gian, rất có thể Hoàng bị bắt giữ, lúc ấy có hối hận cũng không kịp.

Sáng sớm 22-1, khi thùng hàng đặc biệt vừa đến Tuy Phong, “bà mụ chúa” đỡ đẻ rùa Trần Công Lập (cán bộ Khu bảo tồn biển Hòn Cau) và “hoa khôi” Lưu Yến Phi (nhân viên Khu bảo tồn biển Hòn Cau) đón Hoàng tại cảng Liên Hương. Họ làm quen với nhau khá nhanh rồi tất cả cùng lên canô trực chỉ Hòn Cau.

10 giờ ngày 22-1, hai chú đồi mồi xinh đẹp đã được Hoàng và Lập cùng đồng thanh đếm ngược rồi thả chúng về với biển.

Hai chú đồi mồi may mắn đủng đỉnh di chuyển từ bãi cát với đôi mắt ngân ngấn nước. Trước khi lặn một hơi dài về với đại dương, cả hai chú đồi mồi còn ngóc đầu thật cao như để cám ơn những con người tử tế.

Một con sóng cao bất ngờ đổ ập vào bờ kéo theo nhiều xác san hô gãy vụn, trắng nhợt. Anh Lập vội kéo tay Hoàng vừa tránh con sóng vừa đưa Hoàng vào một điểm ấp trứng rùa, nơi chỉ vài ngày nữa sẽ có thêm hàng trăm con rùa nhỏ xíu cũng trở về với biển…

Hoàng cho biết anh không muốn đưa tên mình lên báo chí, anh làm điều này chỉ vì niềm yêu biển vô bờ bến. “Thật phẫn nộ khi đọc báo thấy Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, xử lý vụ nhiều vây cá mập phơi trên nóc nhà sứ quán Việt Nam tại Chile. Trong khi rất nhiều người Việt yêu biển đang hàng ngày hàng giờ góp phần bảo vệ biển thì những hình ảnh trên vô cùng xấu xí” - Hoàng bức xúc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm