Tại tỉnh Quảng Bình, nhiều cây cầu treo đã hết hạn sử dụng nhưng vì là tuyến giao thông huyết mạch nối liền thôn, xã nên hàng ngày vẫn phải “gồng mình” chịu hàng nghìn lượt qua lại mỗi ngày.
Điều này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn mà còn khiến người dân thường xuyên qua lại những cây cầu này không khỏi thấp thỏm, bất an.
Hiểm hoạ rình rập
Được đầu tư xây dựng từ năm 1997 nhờ nguồn vốn của Quỹ Bảo trì đường bộ, cầu treo Đồng Tân (thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) sau gần 30 năm năm đưa vào sử dụng đến nay đã hết hạn sử dụng và đang rệu rã.
Ngoài ra, bề rộng mặt cầu khá hẹp, hai xe máy tránh nhau rất khó có nguy cơ mất an toàn cho người dân qua lại.
Ông Phạm Xuân Chiến (60 tuổi), Trưởng thôn Đồng Tân, thị trấn Đồng Lê cho biết, thôn Đồng Tân có 189 hộ dân với khoảng 700 nhân khẩu. Dù lo sợ cầu treo đã hết hạn sử dụng nhưng muốn đến trung tâm thị trấn, các trường thì phải "nhắm mắt" liều mạng đi qua, nhất là mùa mưa lũ.
“Cầu hết hạn sử dụng, rệu rã rồi nên khi đi qua nó lắc dữ lắm. Nhiều người tâm lý không vững là không dám đi qua. Ai đi qua cũng đi liều thôi", ông Chiến chia sẻ.
Tương tự, cầu treo Kim Tiến (xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá) là tuyến đường giao thông duy nhất nối liền thôn này đến khu vực trung tâm xã và đường quốc lộ hiện cũng hư hỏng nặng.
Theo tìm hiểu, cầu treo Kim Tiến được đầu tư xây dựng vào năm 2005, địa phương đã có nhiều cố gắng trong duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng, phần ván mặt cầu bị hỏng, hệ thống cáp, thanh treo bị võng xuống, thanh giằng, đinh vít bị gỉ sét.
Nhưng với vai trò là tuyến giao thông huyết mạch duy nhất nối từ thôn đến xã, cầu treo Kim Tiến hàng ngày phải “gồng mình” chịu hàng nghìn lượt qua lại. Đặc biệt là những giờ cao điểm sau khi học sinh tan trường và người dân trong thôn đi làm về.
“Người dân, học sinh thôn Kim Tiến muốn đi đến xã, huyện, trường học chỉ có con đường duy nhất là qua cầu này. Vào mùa mưa lũ, bà con đi sợ lắm nên người dân rất mong mỏi có cây cầu mới”, ông Nguyễn Xuân Lẹ (65 tuổi, trú tại xã Kim Hoá, huyện Tuyên Hoá) cho biết.
Gắng gượng “kéo dài tuổi thọ”
Cũng tại địa bàn huyện Tuyên Hoá có hai cây cầu treo Phú Xuân, Vĩnh Xuân (thuộc xã Cao Quảng) được xây dựng vào những năm 2000. Hiện chính quyền đang phải trích ngân sách hàng năm sửa chữa một số hạng mục bị hư hỏng.
Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên việc sửa chữa chỉ tập trung vào một số hạng mục hư hỏng nặng như ván mặt cầu, cáp treo, điểm nối đã bị gỉ sét.
“Hai cây cầu này đã sử dụng trên 20 năm giờ xuống cấp rồi. Dù hàng năm được tu sửa nhưng không thể đảm bảo an toàn cho người dân, hay đảm bảo phát triển kinh tế cho người dân cũng rất khó”, ông Hà Bình Trọng, Bí thư Đảng uỷ xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa nói.
Theo ông Trọng, lãnh đạo xã và bà con nhân dân rất mong muốn sớm có một cây cầu kiên cố để thuận tiện giao thông, đảm bảo an toàn cho bà con.
Trao đổi với PLO, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, trên địa bàn huyện có năm cây cầu treo. Do đầu tư từ khá lâu nên đến nay các cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Hàng năm huyện đều trích ngân sách sửa chữa các hư hỏng nhỏ.
“UBND huyện đã đề xuất Sở GTVT xem xét hỗ trợ kinh phí để địa phương triển khai xây dựng được các cây cầu kiên cố thay thế các cây cầu treo đang xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân” - ông Dũng cho hay.
Theo tìm hiểu của PLO, huyện Tuyên Hóa có 4/5 cây cầu treo đã hết hạn sử dụng nhưng không thể tiến hành cấm cầu bởi nếu cấm thì người dân sẽ không có tuyến đường nào khác để qua lại. Không chỉ huyện Tuyên Hóa, một số cây cầu treo tại huyện Minh Hóa cũng đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy hiểm mỗi khi người dân đi lại.