Từ cuối tháng 6 đến nay, hàng trăm tài xế xe Phương Trang đã xung phong “ra trận” cùng tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19. Họ chở y bác sĩ đến tâm dịch lấy mẫu, đưa đón bác sĩ đi làm, chở vật tư y tế, chở F0, rồi chính họ cũng nhiễm bệnh và trở thành F0 phải đi cách ly. Khi lành bệnh, họ tiếp tục quay về làm nhiệm vụ. Mỗi ngày những chuyến xe vẫn chạy miệt mài, không ngừng nghỉ…
Đón bệnh nhân F0 lành bệnh đến 2 giờ sáng
6 giờ sáng tại Bệnh viện (BV) dã chiến thu dung số 1, khu vực ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), 15 tài xế xe Phương Trang đã thức dậy, làm vệ sinh, ăn sáng, mặc đồ bảo hộ. Sau đó, tất cả ra bãi đậu xe, nổ máy kiểm tra xe để đảm bảo xe chạy bình thường. Tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng nhận nhiệm vụ chở F0 đã lành bệnh trở về nhà.
Các bác tài chuẩn bị sẵn sàng cho các chuyến xe chở 279 bệnh nhân F0 lành bệnh tại BV dã chiến số 1 trở về nhà tại các quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức. Ảnh: VIỆT HOA
7 giờ sáng, nhóm trưởng Nguyễn Minh Hồng (từng bị dương tính khi chở F0, sau khi lành bệnh tiếp tục quay lại phục vụ đội vận chuyển - PV) nhận lệnh của BV chở 103 bệnh nhân (BN) đã khỏi bệnh về sáu quận, huyện: 8, 12, Bình Tân, Hóc Môn, Củ Chi và TP Thủ Đức. Trong 15 xe, trừ hai xe dự phòng tại chỗ để làm các nhiệm vụ phát sinh, còn lại đều huy động chở BN về nhà.
8 giờ sáng, các xe tỏa ra sau khu điều trị của BV dã chiến để đón BN. Những gương mặt vui mừng của người bệnh khi xe trờ tới.
Valy quần áo, xô chậu, chăn chiếu, từ trẻ đến già theo danh sách lần lượt lên xe sau ba tuần điều trị.
Nhóm trưởng Hồng phân công bốn xe lớn 29 chỗ chở 61 BN về TP Thủ Đức, hai xe chở 36 BN về quận 8 và quận Bình Tân. Riêng các quận, huyện 8, 12, Củ Chi, Hóc Môn, mỗi nơi chỉ có 1-2 BN nhưng phải điều ba xe 16 chỗ chở BN về tận nhà do không cùng lộ trình.
Đầu giờ chiều, nhóm trưởng Hồng tiếp tục nhận lệnh chở 279 BN xuất viện về các quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức. Tất cả tài xế buổi sáng đã trở về để tiếp tục nhiệm vụ lần thứ hai trong ngày với tổng cộng 392 BN. “Thậm chí, nhiều anh em trả BN ở bán kính gần khu vực gần BV thì thường quay đầu ba, bốn lượt trong ngày để kịp chở hết BN về nhà” - nhóm trưởng Hồng chia sẻ.
Nhiệm vụ chính của nhóm trưởng Nguyễn Minh Hồng là nhận lệnh, điều xe, sắp tài, giải quyết các yêu cầu phát sinh của BV. Mỗi ngày đều đặn hai lượt nhận lệnh chở BN về nhà vào đầu giờ sáng và đầu giờ chiều. “Có những thời điểm, cùng một lúc có hơn 800 BN xuất viện trong ngày. Anh em phải luân phiên chở đến 2 giờ sáng mới hết. Hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 300-400 BN xuất viện. Cứ nhóm F0 này ra sẽ có ngay nhóm F0 khác được chuyển đến. BV lúc nào cũng đầy BN” - ông Hồng chia sẻ.
Vất vả và thấu hiểu tâm tư bất thường của các F0
Từ cuối tháng 6, bác tài Mai Văn Đèo, ở Cà Mau, theo lời kêu gọi của Công ty Phương Trang đã xung phong tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM. Trước giờ ông vốn chạy xe khách tuyến TP.HCM - Cà Mau, chủ yếu một đường thẳng theo quốc lộ. Nhưng suốt ba tháng qua đưa đón F0 trong các hẻm với nhiều “xuyệt” tại TP.HCM có lẽ là khoảng thời gian khó quên nhất, với những trải nghiệm đặc biệt trong cuộc đời gần 20 năm cầm vô lăng của ông.
Các bệnh nhân F0 tại bệnh viện dã chiến số 1 chuẩn bị lên xe để trở về nhà sau khi đã khỏi bệnh. Ảnh: VIỆT HOA
Tham gia chở BN F0 nặng đến BV trong giai đoạn căng thẳng nhất của bệnh dịch, giữa tháng 7, ông Đèo nhiễm bệnh và cũng trở thành F0 phải đi cách ly. Một tháng sau, lành bệnh, ông tiếp tục tham gia chở F0. Lúc này, chủ yếu là chở các F0 đã lành bệnh trở về nhà từ BV dã chiến số 13, quận Tân Phú.
“Thời gian đầu chở BN F0 vào BV, tâm trạng F0 thường rất hốt hoảng, lo sợ, khóc lóc, nhìn thương lắm. Điều này cũng dễ hiểu nhưng bây giờ, khi chở F0 đã lành bệnh trở về nhà, có những người thậm chí không nhớ địa chỉ nhà, không nhớ bất kỳ số điện thoại của người thân, cũng rất thương” - ông Đèo nói.
Ông kể mới đây, trong chuyến xe chở 10 F0 về nhà, có một BN lớn tuổi tại phường 16, quận 8. 21 giờ, ông Đèo chở vị khách cuối cùng đến hẻm 756/54, đúng theo địa chỉ BV ghi. Tuy nhiên, địa chỉ đó không chính xác.
“BN không nhớ địa chỉ nhà, không nhớ số điện thoại của người thân, cũng không thể đưa BN quay lại BV, tôi phải xuống xe, đi lần trong hẻm hỏi từng nhà. Phải mất cả tiếng đồng hồ mới tìm ra nhà của BN. Khi vào đúng địa chỉ nhà, con gái BN cũng không biết cha mình đã được xuất viện. Giao lại cho người nhà, tôi thở phào nhẹ nhõm. Đã 22 giờ, tôi lái xe trở về, một cảm giác gì đó rất khó tả. Bởi mình đang sống trong thời bình mà có những câu chuyện như thời chiến tranh” - ông Đèo chia sẻ.
Vừa chở 30 F0 trở về nhà từ BV dã chiến số 13, tài xế Phạm Văn Đạt kể ông phải mất 6 tiếng đồng hồ chở BN về tại 15 quận, huyện. Hôm nay, kết thúc công việc lúc 22 giờ là bình thường, bởi trước đó một ngày, 0 giờ ông mới về đến nơi ở và ăn tối.
Trước đó, ông Đạt cũng từng nhiễm bệnh khi đón F0 đi BV, rồi cách ly, lành bệnh lại tiếp tục công việc. “Đối với tôi, đây là khoảng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời” - ông Đạt nói.•
Sẵn sàng phục vụ cho đến khi TP hết dịch Vất vả có, mệt có, nguy hiểm có nhưng số lượng BN lành bệnh ngày càng tăng lên, thấy cũng mừng lắm. Tôi sẽ tiếp tục nhiệm vụ cho đến khi TP hết dịch và trở lại cuộc sống bình thường. Ông PHẠM VĂN ĐẠT, tài xế phục vụ tại BV dã chiến số 1, TP Thủ Đức |
Công ty Phương Trang ủng hộ hơn 1.000 tỉ đồng chống dịch Ngay từ đầu tháng 6, công ty đã kêu gọi toàn thể nhân viên tham gia cùng TP chống dịch và đã nhận được ủng hộ nhiệt tình của toàn thể 1.700 nhân viên. Đến thời điểm này, Công ty Phương Trang đã huy động gần 1.850 xe các loại từ 16 đến 45 chỗ, xe giường nằm, xe tải nhỏ để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Riêng tại địa bàn TP, Phương Trang đã dùng 850 xe các loại để đưa đón y bác sĩ đi làm, đi lấy mẫu, đón các bác sĩ từ các tỉnh vào hỗ trợ TP, chở vật tư y tế, chở lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là tham gia chở các BN nhiễm bệnh từ nhà đến BV và chở BN từ BV trở về nhà khi đã lành bệnh. Trong đó có 250 xe đã cải tạo thành xe cứu thương để phục vụ cho y tế. Bên cạnh đó, công ty cũng đã đưa 1.000 xe 45 chỗ, xe giường nằm chở người dân từ TP.HCM về các tỉnh, thành trên cả nước suốt từ đầu mùa dịch đến nay. Toàn bộ chi phí cho hoạt động vận tải thiện nguyện đến thời điểm này ước tính hơn 2.000 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty cũng đã hỗ trợ vật tư y tế cùng TP chống dịch hơn 1.000 tỉ đồng. Ông ĐÀO VIẾT ÁNH, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang |