Đằng sau sự thất vọng của ông Park

Trận ra quân ở vòng loại U-23 châu Á 2022 thắng khó nhọc U-23 Đài Loan gồm toàn sinh viên và công nhân đá bóng khiến ông thầy người Hàn Quốc không vui. May mà bàn thắng muộn của Văn Xuân đã cứu rỗi cho cả đội U-23 dày công tập luyện suốt bảy đợt hội quân và chuẩn bị chu đáo cho cuộc chơi lớn ở sân chơi trẻ châu Á.

Thầy Park trực tiếp nắn chỉnh từng động tác, từng tình huống
cho các cầu thủ U-23. Ảnh: VFF

Ông Park nói “hơi thất vọng” là gia giảm rất nhiều sức ép cho các học trò rồi, bởi phải “thất vọng” khi đá với các sinh viên suýt không thể thắng thì còn biết thắng ai? Ông Park tự nhận phần thiếu sót của cầu thủ cũng là một cách lột tả trình độ của họ chỉ có thế, vừa thiếu nhiều kỹ năng vừa thiếu sự đột biến.

Thực tế không phải đến bây giờ ông thầy người Hàn mới lo lắng cho tương lai bóng đá Việt Nam từ lứa cầu thủ trẻ, mà rất lâu rồi, ở lần tập trung nào ông cũng chạy thẳng vào sân “cầm tay chỉ việc” cho họ. Lứa tuyển thủ trẻ như Công Phượng, Quang Hải, Tiến Linh, Hà Đức Chinh… từng có kinh nghiệm đá V-League hay các giải quốc tế lớn vẫn không tránh khỏi những thiếu sót từ trên sân tập cho đến những trận đấu.

Giới chuyên môn thấy rõ thói quen hình thành ở CLB của cầu thủ trẻ rất khó thay đổi và khi lên các đội tuyển quốc gia là gần như xóa đi làm lại. Tuyển thủ nào khi hỏi cũng đều chia sẻ cách tập luyện của thầy Park rất lạ, hào hứng, khoa học, đặc biệt là khác xa ở CLB buộc họ phải nỗ lực nhiều. Nó cho thấy những hình ảnh ông Park xăng xái hướng dẫn cầu thủ từng ly từng tý, từ cách giữ bóng, chuyền bóng đúng kỹ thuật cho đến lối di chuyển, phán đoán vị trí ghi bàn, tổ chức phòng ngự sao cho chặt chẽ.

Cũng không thể phủ nhận lứa cầu thủ trẻ dưới 23 tuổi hiện tại không có nhân tố nổi bật như hai kỳ tham dự vòng loại U-23 châu Á trước đây khiến thầy Park dạy dỗ mệt mỏi hơn. Trận đá với sinh viên Đài Loan rất thoải mái vì cầu môn nhà không chịu nhiều sức ép, thế mà nhiều cầu thủ đá rất mơ ngủ, khống chế bóng, chuyền bóng và dứt điểm hỏng liên miên. Ngay cả cách đá bốn hậu vệ như trong trận đá tập với U-23 Kyrgyzstan mà học trò ông Park còn chưa thành thạo đủ thấy họ còn rất nhiều lỗ hổng.

Tất cả thiếu sót của các tuyển thủ trẻ Việt Nam qua các thời kỳ ông Park từng trải đều bộc lộ rất rõ một điều là hụt hẫng nền tảng từ CLB. Cầu thủ góp mặt trên các đội tuyển quốc gia lẽ ra phải hoàn chỉnh từng bước nhỏ kỹ thuật và tư duy hơn đồng nghiệp, hóa ra thầy Park còn phải khổ sở uốn nắn từng chút một.

Ông Park “hơi thất vọng” với lứa U-23 Việt Nam chỉ sau một trận đấu nhưng đằng sau đó còn là nỗi lo của cả một nền bóng đá chưa đồng bộ.•

 

Sửa sai ở trận quyết đấu U-23 Myanmar

Sau khi bỏ túi 3 điểm đầu tiên ở bảng I, thầy trò HLV Park Hang-seo còn trận cuối gặp U-23 Myanmar vào ngày 2-11. Đội tuyển U-23 Việt Nam có chút thuận lợi là nghỉ đến năm ngày và còn quan sát đối thủ này trong trận đá với U-23 Đài Loan ngày 30-10. Quá khứ bóng đá Việt Nam có nhiều thời điểm chật vật và thậm chí là thua Myanmar nhưng thời gian gần đây đã thắng lại nhiều, dù chỉ trong các trận giao hữu. Đây cũng là thời cơ lớn cho các học trò thầy Park trả bài kinh nghiệm sau trận ra quân và sửa sai bằng một chiến thắng để hoàn thành mục tiêu vào vòng chung kết U-23 châu Á như hai lần trước. Điều lệ giải cho phép 11 đội đứng đầu bảng và bốn đội hạng nhì có thành tích tốt nhất giành vé đi tiếp cùng đội chủ nhà Uzbekistan. TT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm