Chiều 31-3, Thường trực Chính phủ đã họp về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất, kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân. Đặc biệt là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Vì vậy, đây là nội dung rất cần thiết phải thảo luận để đưa ra phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày mai, 1-4, để Chính phủ có nghị quyết thông qua, làm cơ sở cho việc xử lý nhanh, kịp thời và chính xác hơn, hỗ trợ cho các đối tượng vừa nêu.
Quá trình chuẩn bị nghị quyết về gói hỗ trợ này, Thủ tướng cho rằng cần trả lời ba câu hỏi. Với câu hỏi ai cần hỗ trợ, Thủ tướng yêu cầu phải đủ năm nhóm đối tượng: Người nghèo và cận nghèo; đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội; người lao động theo hợp đồng phải tạm thời ngưng việc; hộ kinh doanh cá thể ngừng hoạt động; người lao động tự do mất việc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu việc hỗ trợ cần đảm bảo bốn nguyên tắc. Trong đó lưu ý chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan có trách nhiệm xác định đúng đối tượng hỗ trợ, bảo đảm công khai, minh bạch, không để tiêu cực, trục lợi chính sách, phát sinh tiêu cực, khiếu kiện, khiếu nại. Đặc biệt, khoản tiền hỗ trợ này phải đến người lao động.
Thủ tướng cho biết thêm nguồn hỗ trợ chủ yếu là từ ngân sách nhà nước trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng và chính quyền địa phương cũng như từ doanh nghiệp.
Tổng số tiền hỗ trợ ước tính ban đầu khoảng 28.000-30.000 tỉ đồng, cả ngân sách trung ương và địa phương.
Cụ thể, hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ ba tháng (tháng 4, 5, 6). Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.
Thủ tướng giao Bộ LĐ-TB&XH rà soát, có tiêu chí hỗ trợ cụ thể theo nguyên tắc chỉ hỗ trợ một bộ phận thực sự khó khăn, bị mất việc, không hỗ trợ cho tất cả đối tượng bảo trợ xã hội, người có công.
Hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho ba tháng 4, 5, 6.
Cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn chi trả thêm tối thiểu 50% lương tối thiểu hằng tháng.
Nếu doanh nghiệp không đủ nguồn để chi trả tối thiểu 50% lương tối thiểu cho lao động thì thực hiện vay Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam với lãi suất ưu đãi và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bổ sung nguồn cho Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/tháng trong ba tháng 4, 5, 6. Hỗ trợ người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong ba tháng 4, 5, 6.
Chủ tịch UBND các địa phương phải xác định rõ đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, không được gian dối, trục lợi.
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân Cũng trong phiên họp chiều nay, chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ về vấn đề an ninh lương thực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu về bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân, không chỉ đủ ăn mà còn dự trữ. Thực hiện các nhiệm vụ khác như hỗ trợ gạo để trồng rừng, học sinh miền núi…; không chỉ bảo đảm về số lượng và chất lượng, bảo đảm giá cả cho người nông dân mà đi liền với đó là cấm đầu cơ tích trữ nâng giá. Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức (có ý kiến của một số bộ liên quan) báo cáo Thủ tướng về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5-4. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực trong bối cảnh thời tiết, khí hậu, dịch COVID-19. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo, 90.000 tấn thóc và có thể mua cao hơn để dự trữ theo chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020 đã được phê duyệt, đáp ứng kịp thời các yêu cầu đột xuất, cấp bách. |