Danh hài Tấn Hoàng gây sốt ở Tình bolero

Tối 1-8, đêm chung kết xếp hạng Tình bolero (Đài Truyền hình Vĩnh Long tổ chức) diễn ra với bốn nghệ sĩ Tấn Hoàng, Phi Nga, Quý Bình, Minh Luân cùng tranh tài. Một trong những nhân tố thu hút sự quan tâm của công chúng trong chương trình này là sức hút của một nghệ sĩ hài hạng B - Tấn Hoàng.

Khán giả Tình bolero đang hết lời khen ngợi Tấn Hoàng hát bolero mùi mẫn và cứ xúi anh bỏ nghề diễn viên theo nghề ca sĩ.

Lỡ… ăn quịt vì mê hát

Nhìn vẻ ngoài Tấn Hoàng cứ buồn buồn khổ khổ, nhiều người dễ nghĩ anh xuất thân từ gia đình lao động nghèo khó. Nhưng không, ba anh là kỹ sư Nguyễn Tấn, một người giàu có tiếng trong giới kỹ sư cơ khí trước và sau 1975. Sau năm 1975, anh vẫn còn được đưa đón đi học bằng xe hơi. Tuy nhiên, vì mê cải lương nên anh bỏ học từ năm lớp 9, trốn nhà từ Sài Gòn xuống Cần Thơ tìm đến Đoàn Sài Gòn 2 để xin theo đoàn nhờ tờ giấy giới thiệu của ông cậu làm trong ngành văn hóa.

Theo đoàn suốt hơn hai năm, Tấn Hoàng chỉ được làm quân sĩ. Vậy nhưng Tấn Hoàng không buồn, chỉ thấy rất vui sướng vì được lên sân khấu và mỗi đêm ngồi sau cánh gà học diễn từ các tài danh như nghệ sĩ Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Văn Chung, Diệp Lang… Giới cải lương vốn nhiều sự chèn ép ở hậu trường với sự phân chia thứ bậc rất rõ. Tấn Hoàng nếm trải mùi khổ cực, thấp kém của phận “quân sĩ” từ những lời nói trịch thượng đến những cái cú đầu, xỉa tay. Nhưng đó cũng chẳng phải là thứ đáng sợ nhất với Tấn Hoàng, mà chàng quân sĩ này sợ nhất việc luôn bị đe dọa đuổi khỏi đoàn hát vì ca dở.

Tấn Hoàng - nhân tố gây sốt trong cuộc thi Tình bolero. (Ảnh: Cắt từ clip)

Và vai chính trong vở Hồn ma báo oán. Ảnh: HB

Phận bèo bọt như anh chẳng có ý nghĩa gì với đoàn hết. Có lần anh bị ghe của đoàn bỏ lại ở Năm Căn, Cà Mau chỉ vì ngủ quên trong nhà dân mà chẳng ai thèm kêu. Không một đồng trong túi, anh xin một chủ ghe cho đi nhờ về Cần Thơ kiếm đoàn. Lúc đó phải đi ghe hai ngày trời từ Cà Mau mới đến Cần Thơ, Tấn Hoàng ôm bụng đói. Thấy có đứa nhỏ được mẹ cho ổ bánh mì không mà nó không ăn, bị la hoài, anh giả vờ cầm ổ bánh cắn một miếng thật to nói “Ăn giống chú nè con, không mẹ la đó”. Đến lúc mẹ đứa trẻ ngủ, anh dụ nó đưa ổ bánh cho mình... ăn giùm, kẻo mẹ thức thấy sẽ rầy. Anh qua hai ngày đói với ổ bánh mì như vậy.

Đói khổ như thế nhưng anh không dám xin tiền nhà vì sợ bị buộc trở về. Viết thư về nhà lúc nào anh cũng nói con sống tốt lắm má ơi. Có lần má anh xuống Trà Vinh thăm lúc anh đang bị sốt nằm trong rạp. Bà đòi bắt anh về vì thấy con theo cái nghề quá cực khổ. Nghệ sĩ Diệp Lang phải xin giùm, ông nói: “Còn có anh em trong đoàn, nó không chết đâu chị sợ. Bây giờ nó mê hát quá thì chị cứ cho nó theo đi”.

Nỗi lo bị đuổi khỏi nghề

Diễn quân sĩ miết rồi Tấn Hoàng cũng lên được vai phụ, có tên trong các vở Khách sạn hào hoa, Tiếng hò sông Hậu… Vậy nhưng nguy cơ bị đuổi vẫn luôn ám ảnh anh. Chỉ đến khi đoàn có 30 phút phụ diễn trước khi mở màn, Tấn Hoàng cùng nghệ sĩ Giang Thảo ra diễn hài cho qua, không ngờ anh khiến khán giả cười rần rần, được người trong đoàn khen là có duyên. Từ đó anh được đoàn vẽ hình trên tấm quảng cáo, coi như giấy thông hành chính thức vào đoàn, không còn lo bị đuổi nữa.

Rồi anh đi diễn tấu hài theo nghệ sĩ Văn Chung, Kim Ngọc... Năm 2006, Kịch Sài Gòn khai diễn ở rạp Đại Đồng với vở Hồn ma báo oán do NSND Trần Ngọc Giàu đạo diễn, Phước Sang giới thiệu Tấn Hoàng vào vai chính, đạo diễn nhất quyết không chịu vì nói Tấn Hoàng là diễn viên tấu hài làm sao diễn nổi nội tâm. Phước Sang vẫn thuyết phục cho rằng ở Tấn Hoàng có một chiều sâu nội tâm thật sự. Tập được hai ngày đạo diễn Ngọc Giàu gọi cho Phước Sang đồng ý nhận Tấn Hoàng vào vai. Chuyện này do chính đạo diễn Trần Ngọc Giàu sau này kể lại cho Tấn Hoàng nghe và thừa nhận lần đầu tiên mình đánh giá sai một diễn viên qua bề ngoài. Riêng Hồn ma báo oán đến nay vẫn còn ăn khách, Tấn Hoàng trở thành gương mặt sáng giá ở Kịch Sài Gòn.

Từ đó đến nay, kịch nói chung trải qua bao thăng trầm, bao nhiêu diễn viên rời bỏ sân khấu nhưng Tấn Hoàng vẫn thầm lặng bám trụ ở Kịch Sài Gòn và có mặt trong gần như tất cả vở kịch ở đây. Bên cạnh kịch giải trí thì anh cũng đã gặt hái hai huy chương vàng cho các vở diễn chính kịch.

Từ chối lời mời hát ở phòng trà

Mở mạng ra là thấy khán giả bình luận rần rần, thể hiện sự khen ngợi, ái mộ ào ạt dưới mỗi bài hát bolero Tấn Hoàng thể hiện. Cứ tưởng Tấn Hoàng sẽ tận dụng cơ hội, một bước trở thành sao, tranh thủ kiếm tiền như bao gương mặt nổi lên từ các chương trình truyền hình hiện nay. Nhưng anh bảo chỉ chung thủy với Kịch Sài Gòn vì nơi đây anh được diễn hằng đêm, được khán giả yêu quý. Khi Tấn Hoàng tham gia Tình bolero, có nhiều tụ điểm, phòng trà mời anh đi hát nhưng anh từ chối.

________________________________

Tôi tiếc tại sao Tấn Hoàng không đi làm ca sĩ trước. Anh có giọng ca hay, chất giọng riêng, tình cảm riêng. Anh không chỉ hát mà còn diễn bài hát đầy cảm xúc. Anh có một ưu điểm rất đúng chất ca sĩ chuyên nghiệp là hát rất rõ lời.

Ca sĩ PHƯƠNG DUNG, giám khảo Tình bolero

Tôi không biết là mình hát hay nhạc bolero, chỉ khi chương trình thuyết phục tôi tham gia dù tôi đã từ chối, rồi được khán giả khen quá chừng tôi mới biết là mình hát hay. Trước đó tôi chỉ hát nhạc bolero chơi khi có đám tiệc hay nhậu cùng bạn bè, hoặc lồng ghép hát bolero khi diễn hài cùng nghệ sĩ Bảo Chung. Cái tôi thấy mình được lớn nhất ở chương trình này là tôi được khán giả yêu thương nhiều quá.

Nghệ sĩ TẤN HOÀNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới