Đau lòng du khách, xấu mặt chủ nhà

Ngày 23-4, ba mẹ con bà Ilona Schultz (quốc tịch Úc) đi xích lô từ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) dài chừng 5 km bị tài xế bắt trả 1,3 triệu đồng. Ngày 26-4, ba du khách Pháp xuống sân bay Nội Bài lên một taxi về khách sạn đã đặt trước bị tài xế chở đến một khách sạn khác, khi họ phát hiện ra còn bị nhân viên khách sạn dọa hành hung. Ngày 28-4, anh David Patrick cùng vợ Brandi Dawn Burmey (quốc tịch Úc) bắt taxi Trung Việt từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (phố Điện Biên Phủ, Hà Nội) đến Bảo tàng Dân tộc học (phố Nguyễn Văn Huyên), đồng hồ tính cước hiển thị 98.000 đồng nhưng tài xế viết hóa đơn 980.000 đồng bắt khách phải trả. Khi các vụ việc trên được báo chí nêu lên, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã đến gặp xin lỗi và trả lại số tiền cước cho bà Ilona và công an cũng đã vào cuộc xử lý hai vụ khác. Hành động nhanh chóng kịp thời của các cơ quan chức năng để gỡ lại thể diện cho ngành du lịch nói riêng, cho đất nước nói chung trong hoàn cảnh này, là đáng biểu dương. Nhưng ngẫm ra thực trạng ứng xử văn hóa của người mình ở nước mình thấy thật đắng lòng.

Du lịch không chỉ riêng của ngành du lịch. Cũng như văn hóa không chỉ riêng của ngành văn hóa. Đó là việc của toàn xã hội, của toàn dân. Di tích, thắng cảnh, nhà cửa, chùa chiền chỉ là những vật trơ nhưng vây quanh nó là cả một cộng đồng sống, cả một quần thể hoạt động, cả một môi trường sinh hoạt. Du khách đến một nơi nào đó, trước hết họ đã phải tiếp xúc với những con người cụ thể từ sân bay, bến xe, nhà hàng, khách sạn, đâu phải chỉ có việc đến ngắm nhìn những hình khối vật thể có sẵn. Thái độ cư xử, lời ăn tiếng nói, sự nhiệt tâm nhiệt tình, sự tử tế, đúng mực, đó là tấm “danh thiếp” đầu tiên một xứ sở, đất nước trình ra cho người khách thấy mình là thế nào. Đáng tiếc, tâm lý của người mình nói chung là cứ nhìn khách, bất kể khách nào, từ khách mua hàng đến khách tham quan, từ khách thường đến khách quý, từ khách trong nước đến khách ngoài nước, như “con mồi” để chén. Chén bằng cách nói thách giá cả. Chén bằng cách bắt chẹt, bắt ép mua hàng, đi xe. Chén bằng cách chửi bới, nói xấu vỗ mặt, ngay cả khi khác biệt ngôn ngữ. Tóm lại người mình ý thức quốc thể rất kém. Những tài xế taxi trong mấy vụ trên đây hành xử xấu xa với du khách nước ngoài như vậy có một nguyên do là từ trong tâm thức họ như một người Việt vốn có thói đó, vốn coi chuyện đó là thường, vốn nghĩ không ai biết, có biết cũng chẳng làm được gì, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến ai. Lại cái tâm lý này nữa của người Việt mình: Cứ nghĩ du khách là có tiền, lắm tiền nên tha hồ hét giá, tha hồ bóp nặn; du khách ngoại quốc càng nhiều tiền, lại lớ ngớ nên tội gì không lừa, không “chém”. Nhưng không riêng gì khách nước ngoài, khách Việt kiều cũng là nạn nhân của tâm lý đó. Rồi cả khách trong nước nữa, nhất là những người dân chất phác từ quê ra tỉnh, cứ lớ ngớ là dễ bị lừa, bị ép. Du lịch từ đó thành ra một thứ “dịch” “chặt chém” vô tội vạ, nhất là tại các kỳ hội hè, nghỉ ngơi, mà dịp 30-4 vừa rồi giá ba con bề bề một người khách phải trả 1,5 triệu đồng ở Quảng Ninh là một thí dụ điển hình.

Thú thực đi du lịch ở nước mình gần như một cực hình với bao nỗi lo tàu xe, giá cả, đường trường, phòng ốc, dịch vụ và ôi thôi nhất là những địa điểm phong cảnh bị biến dạng, biến chất. Một mình ngành du lịch lo không xuể, dù là họ chưa lo hết mình. Khi mỗi người dân chưa tự giác trở thành một “đại sứ du lịch” ngay trên quê hương mình thì lời xin lỗi của ngành du lịch có bao nhiêu nữa cũng không đủ và không thiêng.

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm